Quản lý quảng cáo của KOLs, KOC: Để quảng cáo không còn bát nháo

VTV.vn – Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, đã đến lúc Luật Quảng cáo có những thay đổi, đặc biệt là hướng tới vai trò của những người chuyển tải sản phẩm quảng cáo – KOLs, KOC.

Hiện nay, một thực tế là Luật Quảng cáo hiện hành đang chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ mà không có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, hay còn gọi là các KOLs, KOC. Trong khi đó, với sự đa dạng của mạng xã hội ngày nay, từ các tuyến nội dung tới thuật toán để các nền tảng phân phối nội dung, ai cũng có thể trở thành người có tầm ảnh hưởng trong một cộng đồng nào đó, không ít thì nhiều. Và vì chưa được luật Quảng cáo quy định rõ ràng nên khi nhận được lời mời quáng cáo, trước nay các KOLs, KOC dường như chỉ phải đặt lên bàn cân 2 điều. Một bên là uy tín, danh dự của bản thân và một bên là số tiền nhận được khi tham gia quảng cáo. Trong luồng thông tin nhanh chóng, ồ ạt của mạng xã hội, đôi khi uy tín, danh dự dù là cao hơn, nhưng bên tiền nhận được lại nặng hơn.

Trong vai một đơn vị kinh doanh có nhu cầu quảng cáo trên mạng xã hội, phóng viên của Chuyển động 24h đã liên hệ để tìm hiểu cách thức nhận giới thiệu sản của các KOLs, KOC. Và bảng giá được chia sẻ khá chi tiết, kèm theo các yêu cầu liên quan.

Không cần kiểm tra sản phẩm, quảng cáo ngay và bán ngay sản phẩm cho đơn vị kinh doanh, với số tiền không lớn, chỉ 3-4 triệu đồng là đã có thể tiếp cận 50.000 – 100.000 người theo dõi của một KOLs, KOC thuộc tầm vừa và nhỏ. Rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định chất lượng đã đi theo con đường ấy để tiếp cận người dùng.

Ai cũng biết quảng cáo và thực tế có thể sẽ khác nhau khá nhiều, thế nên xưa nay, với hình thức bán hàng qua mạng, nhiều người mới gặp phải tình huống trớ trêu. Tuy nhiên, với những sản phẩm có liên quan đến sức khỏe con người, lúc này sự bức xúc của người dùng mới thực sự lên cao trào. Điều đáng nói là điều họ nhận lại đôi khi chỉ là vài lời xin lỗi trước truyền thông.

Điển hình là câu chuyện của một tài khoản có sở hữu 1,2 triệu lượt theo dõi đã đăng tải bài viết quảng cáo một sản phẩm được cho là giúp trẻ cải thiện chiều cao và hỗ trợ phát triển trí não, với những lời có cánh như: sản phẩm này thuộc top đầu và được rất nhiều mẹ bỉm sữa ở Nhật Bản tin dùng… Thế nhưng, sau đó cộng đồng mạng phát hiện ra nhiều điểm chưa có căn cứ, từ việc sản phẩm này không có giấy tờ nhập khẩu hay chứng nhận an toàn cho trẻ, đến việc chẳng có xác nhận nào chứng minh là sản phẩm thuộc top đầu Nhật Bản. Kết quả là sự tin tưởng của người dùng được đáp lại bằng lời xin lỗi của người bán.

Nhưng công bằng mà nói, đã làm nghề nhận quảng cáo, mang thương hiệu, uy tín của mình ra để gắn với một sản phẩm nào đó, bất kì KOLs – KOC nào cũng muốn sự rõ ràng, đúng sự thật, uy tín, chất lượng…., như vậy mới bán được nhiều và đi được đường dài với nghề này. Vậy tại sao, thi thoảng những lời xin lỗi vẫn phải xuất hiện?

Trả lời câu hỏi này, chị Phan Tuyết Nga – Kênh Tiktok Thủng Long Family chia sẻ: “Nói gì thì nói, khoản tiền nhãn hàng trả cho KOLs, KOC không nhỏ nên có những bạn làm bất chấp chỉ vì tiền. Nhưng bên cạnh đó sẽ có những bạn làm bằng tâm của mình, song lại thiếu kinh nghiệm để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Các nhãn hàng hay đơn vị đều có giấy tờ để chứng minh sản phẩm của mình là tốt nhưng cũng có những bên làm giả giấy tờ. Và vì không có kinh nghiệm nên các bạn ấy nghĩ sản phẩm đó làm được”.

Đối hiện trạng quảng cáo của các KOLs, KOC trên mạng xã hội, một tin vui là những nút thắt này tới đây có thể sẽ được tháo gỡ phần nào bởi những quy định cụ thể hơn trong dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Dự án này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân từ ngày 1/3/2024 đến ngày 1/5/2024, tại trang web của Bộ VH, TT-DL.

Nguồn: Báo vtv.online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *