Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo

(NLĐO) – Hôm nay 11-4, Báo Người Lao Động phối hợp với Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” để hoạt động này phát huy vai trò là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa

Khách mời tham dự tọa đàm

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội:

– Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

– Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội

– Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

– Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội

– Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam

– Ông Hoàng Vững, Tổng biên tập Tạp chí Tiếp thị gia đình (cơ quan của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam)

– Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội quảng cáo Việt Nam

– Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội

– TS-KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam, Hội KTS Việt Nam

– Ông Đặng Đức Hưng, Chánh Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội

– Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Quản lý Văn hoá Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Quang cảnh tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời”

Về phía doanh nghiệp:

– Ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư BIZMAN

– Bà Nguyễn Lê Ái Liên, đại diện Công ty TNHH Mặt Trời Vàng GOLDSUN

– Bà Trần Bảo Linh, đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông VINAMA

– Bà Phạm Thị Thu Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty NOTE GGGROUP

Và đại diện các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 2.

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dự tọa đàm

 

09:21 – 11/04/2024

Mong cơ quan quản lý Nhà nước hiểu hơn về ngành quảng cáo

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp Hội quảng cáo Việt Nam, đánh giá cao Báo Người Lao Động đã tổ chức toạ đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” với nội dung rất sát thực tiễn, đặc biệt là tại TP Hà Nội.

Theo ông Sơn, ngành quảng cáo có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và không ngừng phát triển trong thời gian qua, trong đó có mảng quảng cáo ngoài trời. Tuy nhiên trên thực tế, quảng cáo ngoài trời còn gặp một số vướng mắc, bất cập về hành lang pháp lý, các quy định hướng dẫn, dẫn đến việc khai thác chưa hiệu quả.

Về ngành quảng cáo nói chung, ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh thông qua Toạ đàm, mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước hiểu hơn về ngành quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời. “Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng quảng cáo là nói vống, là nói không đúng sự thật. Nhưng với chúng tôi hiện nay, quảng cáo là “mua bán niềm tin”, truyền tải thông điệp của các nhãn hàng đến với khách hàng một cách trung thực nhất, để người tiêu dùng có nhìn nhận đúng về sản phẩm. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý hiểu được việc này, để đóng góp chung cho kinh tế – xã hội phát triển. Đồng thời, để người dân thấy rằng, hoạt động quảng cáo là một phần trong cuộc sống hàng ngày”- ông Nguyễn Trường Sơn nêu rõ.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp Hội quảng cáo Việt Nam, chia sẻ quan điểm quảng cáo là “mua bán niềm tin”, truyền tải thông điệp của các nhãn hàng đến với khách hàng một cách trung thực nhất

Để “bán niềm tin”, ông Sơn cho rằng phải làm trong sạch thị trường, làm trong sạch hoạt động quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề rất cấp thiết khi quảng cáo ngoài trời còn lộn xộn, chưa theo quy hoạch.

Hiện nay, Luật Quảng cáo đã quy hoạch các địa phương phải có quy hoạch về quảng cáo và hầu hết các địa phương đều đã có quy hoạch và triển khai thực hiện.

“Nếu vấn đề quy hoạch quảng cáo chưa giải quyết được, sẽ có vi phạm trong hoạt động quảng cáo, mất mĩ quan đô thị, thất thu ngân sách”- ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Trường Sơn tiếp tục nhấn mạnh đây là thời điểm phù hợp để tổ chức Toạ đàm này, khi cơ quan quản lý đang trong quá trình sửa đổi Luật Quảng cáo; Luật Thủ đô cũng đang được sửa đổi. “Cần phải làm quy hoạch, chỉ có quy hoạch thì chúng ta mới biết chỗ nào được quảng cáo, chỗ nào không, đây là vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm”- ông Sơn nêu quan điểm.

Khi đã có hành lang pháp lý, quy hoạch, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ, nếu doanh nghiệp làm sai sẽ phạt nặng. Theo ông, nếu doanh nghiệp tuân thủ thì cơ quan quản lý cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kiến nghị trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý, cần có các quy định để tạo thông thoáng về thủ tục hành chính, thời gian giải quyết thủ tục, cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.

09:34 – 11/04/2024

Cần có tiêu chuẩn lắp đặt quảng cáo ở toà nhà cao tầng

Đánh giá tổng quan về hoạt động quảng cáo ở TP Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội, cho biết những năm gần đây, ngành quảng cáo tiếp tục khẳng định vị thế trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo cảnh quan đô thị của Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Trong suốt quá trình hoạt động, các doanh nghiệp quảng cáo luôn bám sát thực hiện nghiêm túc những quy định ban hành của cơ quan quản lý Nhà Nước. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, qua thực tế kinh doanh, các doanh nghiệp quảng cáo cũng nhận thấy có những vướng mắc.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội, nhấn mạnh quy hoạch biển quảng cáo ngoài trời phải được coi trọng như những quy hoạch của các ngành khác như quy hoạch bất động sản, quy hoạch các khu công nghiệp…

Cụ thể, một số quy định trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn mang tính định tính gây những cách hiểu khác nhau trong quá trình quản lý và việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, tại TP Hà Nội hiện nay, biển quảng cáo tấm lớn độc lập ngoài trời vẫn chưa được tiếp nhận hồ sơ thông báo.

Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, ông Tuấn nhấn mạnh quy hoạch biển quảng cáo ngoài trời phải được coi trọng như những quy hoạch của các ngành khác như quy hoạch bất động sản, quy hoạch các khu công nghiệp…

Về quy hoạch quảng cáo ngoài trời hiện nay, ông Tuấn cho biết kể từ năm Luật Quảng cáo được áp dụng, quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại các tỉnh thành Việt Nam hầu hết đều bị treo, không thực hiện được.

Theo ông Tuấn, quy hoạch quảng cáo bị “treo” là do theo Luật Quảng cáo “Vị trí mới biển quảng cáo ngoài trời phải được đấu thầu”. Ông cho rằng quy định này là không khả thi. Trên thực tế, đất là có chủ sở hữu tư nhân, hoặc các tổ chức, nên không thể thu hồi tài sản của họ để đấu thầu. “Tư duy “đấu thầu” không phù hợp với vị trí quy hoạch quảng cáo”- ông Tuấn nêu quan điểm.

Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho quảng cáo ngoài trời, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP Hà Nội kiến nghị về quy hoạch vị trí biển, xem xét kế thừa những vị trí biển đã và đang hoạt động nhiều năm theo quy hoạch trước đó.

Những vị trí biển mới trong quy hoạch mới nên cho phép hoạt động theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp và chủ sở hữu đất được tự thoả thuận với nhau theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các công trình tòa nhà cao tầng, tòa nhà thương mại nên có tiêu chuẩn cụ thể cho phép lắp đặt các hình thức quảng cáo hiện đại với kích thước lớn tương xứng với công trình.

Ông Trần Anh Tuấn kiến nghị bỏ giấy thông báo thực hiện quảng cáo ngoài trời vì quy trình thủ tục ban hành giấy thông báo hiện tại kèm theo nhiều giấy tờ liên quan đến đất, liên quan đến xây dựng biển, hợp đồng kinh tế.

09:53 – 11/04/2024

Cần thay đổi một số chính sách lớn để hoạt động quảng cáo đồng bộ

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đánh giá cao nội dung toạ đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” do Báo Người Lao Động tổ chức.

Bà Hương cho biết hoạt động quảng cáo đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế chung của các địa phương và sự phát triển chung của đất nước. Từ năm 1994, chúng ta đã có hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo. Từ từ đó đến nay, chúng ta đã có có hai lần sửa đổi, bổ sung, chính sách.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đến lúc cần thay đổi một số chính sách lớn để cho hoạt động quảng cáo mang tính chất đồng bộ, mang tính chất là một văn bản chuyên ngành từ quảng cáo và thống nhất các luật hiện nay

Hiện chúng ta vẫn tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp. Ngoài Luật Quảng cáo thì Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Xây dựng, Luật Dược và một số văn bản khác thường xuyên bổ sung các chính sách liên quan tới nội dung quảng cáo.

“Mặc dù trong 10 năm qua Luật Quảng cáo chưa có sửa đổi nhưng không chúng ta không dừng chân tại chỗ, kể cả những vấn đề mang tính chất quảng cáo trên môi trường mạng và phòng kháng chiến báo chí thì với vai trò chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng rất tích cực và thường xuyên bổ sung các chính sách”- bà Hương nói.

Bà Hương cho biết thời điểm này cũng là đến lúc cần thay đổi một số chính sách lớn để cho hoạt động quảng cáo mang tính chất đồng bộ, mang tính chất là một văn bản chuyên ngành từ quảng cáo và thống nhất các luật hiện nay. Với quảng cáo ngoài trời vấn đề đang được thảo luận là quy hoạch quảng cáo, thứ hai là thủ tục hành chính và thứ ba là kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 2.

Với vai trò là quản lý nhà nước và đặc biệt là tổ biên tập sửa đổi Luật Quảng cáo, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương cam kết sẽ lắng nghe để cân đối các ý kiến

Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cũng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp (DN) chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách.

“Luật cho DN tự chịu trách nhiệm nội dung nhưng DN lại muốn cơ quan quản lý chịu trách nhiệm thay cho DN bằng cách phải có giấy cầm trong tay mới yên tâm làm. Khi chính sách ban hành thì DN phải tự chịu trách nhiệm về việc mình làm”- bà Hương nói.

Theo bà Hương, “Có ý kiến nói rằng Luật Quảng cáo cũ rồi nhưng khi chúng tôi yêu cầu đề xuất các nội dung sửa lại không sửa được.

Nội dung kiểm tra xử lý vi phạm, tới đây chúng tôi sẽ quy định những chế tài xử phạt rất mạnh. Hiện nay mức xử phạt cao nhất là 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm là không thấp nhưng thực thi ở địa phương thế nào”.

Với vai trò là quản lý nhà nước và đặc biệt là tổ biên tập sửa đổi Luật Quảng cáo, bà Hương cam kết sẽ lắng nghe để cân đối các ý kiến. “Thực ra Luật Quảng cáo ra đời không chỉ phiến diện vào một cá nhân nào mà hoạt động này tác động tới rất nhiều đối tượng nên những người làm chính sách sẽ cân đối tất cả đối tượng, không thể vì quyền lợi của cơ quan quản lý mà “bóp chặt” và không phải vì DN mà buông hết, và cũng không phải vì các DN nước ngoài muốn làm gì thì làm. Rất mong sự chia sẻ trong việc xây dựng chính sách. Chính sách không thể thoả mãn được hết tất và cũng không thể cầu toàn trong một văn bản”- bà Hương nói.

“Nội dung về Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ được xin ý kiến Quốc hội vào tháng 10 tới đây và tháng 5-2025 sẽ xin ý kiến Quốc hội và thông qua. Chúng tôi đang cố gắng đẩy sớm. Trong quá trình làm Luật, chúng tôi sẽ xin ý kiến luôn để đồng bộ dự thảo Luật và nghị định”- Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cho biết.

10:18 – 11/04/2024

Đơn giản hoá thủ tục hành chính

Ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bizman, cho biết là doanh nghiệp hoạt động từ năm 2003, đến nay, Bizman đã đầu tư và khai thác một số bảng quảng cáo tấm lớn ngoài trời, bảng màn hình Led nội đô và sân bay trên địa bàn TP Hà Nội và tại các tỉnh thành khác trên cả nước.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bizman

Là doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn thành phố, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn khó khăn và phát triển, cũng như sự thay đổi về các chính sách, các quy định liên quan đến ngành quảng cáo.

Tuy nhiên còn một số khó khăn, vướng mắc mà phía Bizman nhận thấy trong quá trình hoạt động. Trong đó, về thông báo sản phẩm quảng cáo tấm lớn còn có khó khăn, bất cập. Cụ thể, hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo bảng tấm lớn cột trụ trên cao tốc, quốc lộ,… nên việc này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm khách hàng quảng cáo, do một số khách hàng yêu cầu phải có giấy thông báo sản phẩm mới ký kết hợp đồng, đồng thời cũng khó khăn trong việc giải trình hồ sơ pháp lý với cơ quan quản lý…

Do đó, DN kiến nghị UBND TP Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xem xét cho phép tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trở lại, để DN có được giấy thông báo sản phẩm quảng cáo bảng tấm lớn cột trụ trên địa bàn.

Về gia hạn màn hình Led, hiện nay UBND TP Hà Nội chưa xem xét việc gia hạn màn hình Led, việc này đã gây nhiều khó khăn cho DN trong việc tìm kiếm khách hàng quảng cáo, cũng như việc giải trình hồ sơ pháp lý với địa phương nơi lắp đặt màn hình Led. “Chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý xem xét cấp dài hạn cho DN, để DN yên tâm đầu tư khai thác”- ông Sơn nhấn mạnh.

Đối với thủ tục xin lắp đặt màn hình Led, ông Sơn cho biết thủ tục hiện trải qua nhiều bước, thông qua nhiều sở, ngành, dẫn đến mất nhiều thời gian. Do đó, DN kiến nghị giảm thủ tục hành chính, thời gian trong việc thực hiện các thủ tục.

Về quy hoạch quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội, ông Vũ Đức Sơn nhấn mạnh Quyết định Số 1997/QĐ-UBND ngày 24-4-2018, của UBND TP Hà Nội về phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2050. Đến nay được 6 năm, nhưng vẫn chưa được triển khai thực hiện, nên DN gặp khó khăn khi có nhu cầu muốn đầu tư xây dựng thêm các vị trí mới. Do đó, phía DN kiến nghị UBND TP và Sở Văn hóa và Thể thao ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, hoặc cho điểu chỉnh bổ sung quy hoạch để cho doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

10:31 – 11/04/2024

Sửa đổi quy chuẩn về biển quảng cáo ngoài trời

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Bá Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần quảng cáo thương mại TM Hà Nội, góp ý trực tiếp vào các vướng mắc tại Thông tư 04/2018/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bá Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần quảng cáo thương mại TM Hà Nội, góp ý trực tiếp vào các vướng mắc tại Thông tư 04/2018/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời

Đối với bảng quảng cáo, hộp đèn, Tại điều 2.2.1.1 có quy định “Bảng quảng cáo, hộp đèn phải nằm trong quy hoạch quảng cáo được phê duyệt”. Cho rằng quy định này chưa phù hợp, ông kiến nghị sửa đổi thành “Bảng quảng cáo, hộp đèn đứng độc lập phải nằm trong quy hoạch quảng cáo được phê duyệt”.

Theo lý giải của phía DN, các bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn thì bản chất phần lớn thường là các công trình sở hữu tư nhân, vì vậy không thể quy hoạch đối với bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn thuộc sở hữu tư nhân.

Đối với bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn, hiện nay quy chuẩn kỹ thuật đối với bảng quảng cáo gắn vào công trình có sẵn đang quy định: Đối với bảng quảng cáo, hộp đèn ngang: nhô ra khỏi mặt ngoài công trình tối đa 0,2 m với chiều cao tối đa 2m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang công trình”.

Việc quy định này chỉ phù hợp với loại hình bảng quảng cáo dán bạt hiflex hoặc kết cấu kim loại sử dụng bạt hiflex, tuy nhiên hiện nay loại hình quảng cáo màn hình Led đang phát triển mạnh mẽ nên với khoảng cách nhô tối đa 0,2 m sẽ không đáp ứng được việc lắp đặt hệ thống kết cấu của màn hình Led. “Thực tế lắp đặt cho thấy màn hình Led tối thiểu phải nhô ra 0,8 m mới đủ không gian để lắp đặt các kết cấu và các thiết bị phụ trợ như quạt làm mát, hệ thống PCCC…”- đại diện Công ty quảng cáo thương mại TM Hà Nội nhấn mạnh.

Phía DN đề xuất bỏ kích thước giới hạn chiều cao tối đa 2 m mà chỉ để giới hạn chiều ngang không vượt quá diện tích công trình và phải đảm bảo được an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời tăng khoảng cách từ 0,2 m lên 0,8 m khoảng cách nhô ra khỏi mặt ngoài công trình.

Đối với các phương tiện quảng cáo hiện hữu, hiện được quy định: “Phương tiện quảng cáo ngoài trời hiện hữu có vị trí, kích thước, kiểu dáng không phù hợp với quy định của Quy chuẩn này, chỉ được tồn tại hết thời hạn ghi trong giấy phép quảng cáo”

Theo đại diện DN, quy định này sẽ gây tốn kém và lãng phí cho DN vì mỗi bảng quảng cáo đều có giá trị rất lớn. Đề xuất cho giữ lại các bảng quảng cáo có kích thước chưa đúng nếu không quá ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực. Nếu cần chỉnh sửa thì đề xuất tạo điều kiện để DN chỉnh sửa phù hợp với quy chuẩn hiện hành.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 2.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp tại tọa đàm

Phản hồi kiến nghị nêu trên của DN, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi các nội này.

Theo bà Hương, trên cơ sở phối hợp với Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, ghi nhận các ý kiến của DN về vướng mắc trong thực hiện Thông tư 04, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có ý kiến với Bộ Xây dựng để sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tiễn.

10:44 – 11/04/2024

Cần “cởi mở” hơn cho ngành quảng cáo

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Lê Ái Liên, Công ty TNHH Mặt Trời Vàng Goldsun, cho rằng cần cởi mở hơn cho ngành quảng cáo

Bà Nguyễn Lê Ái Liên, Công ty TNHH Mặt Trời Vàng Goldsun, cho rằng tuyên truyền hoạt động quảng cáo có tính chất rất đặc thù bởi bên cạnh các hoạt động kinh doanh thì quảng cáo đang đóng vai trò tuyên truyền về chính trị, văn hoá. Đây là mảnh ghép tạo nên sự hoàn hảo trong lĩnh vực quảng cáo. Tuy nhiên theo bà Liên, từ năm 2020 đến nay, hoạt động quảng cáo có nhiều khó khăn

Đề xuất các giải pháp cho lĩnh vực này, bà Liên cho rằng cần cởi mở hơn cho ngành quảng cáo trong đó có quy định về kích thước thay vì bó buộc trong các bạt hiflex. Hiện nay, thế giới có nhiều loại hình quảng cáo như màn hình Led đã mang đến một bước tiến mới cho ngành quảng cáo. Do đó cần “cởi mở” hơn về kích thước và ứng dụng công nghệ màn hình Led quảng cáo

10:55 – 11/04/2024

Cần xác định quảng cáo ngoài trời là ngành công nghiệp văn hoá

Phát biểu tại toạ đàm, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội, rất trăn trở về lĩnh vực quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng. Theo ông Hồng, đến dự toạ đàm do Báo Người Lao Động tổ chức hôm nay, ông mong muốn nhìn thấy khát vọng, nhìn thấy sự nỗ lực của DN trong việc phát triển ngành quảng cáo.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội, phát biểu tại toạ đàm

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội cho rằng vẫn còn sự “trầm lắng” của DN trong lĩnh vực quảng cáo, chưa thể hiện rõ sự khát vọng trong đóng góp cho Thủ đô, cho đất nước.

Ông Đỗ Đình Hồng cho rằng cần xác định quảng cáo ngoài trời là ngành công nghiệp văn hoá. Muốn làm được điều này, ông Hồng nhấn mạnh các cơ quan, đơn vị liên quan đều phải chuyển mình, hướng đến “ngành công nghiệp” như mục tiêu đã đề ra.

Dẫn chứng về di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò (ở Hà Nội), ông Đỗ Đình Hồng cho biết do thay đổi cách làm, di tích này đã thu hút lớn lượng khách du lịch, đóng góp lớn cho ngân sách thành phố. Từ dẫn chứng này, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội nhấn mạnh ngành quảng cáo cũng cần sự chuyển mình như vậy để hướng đến ngành công nghiệp văn hoá.

“Đừng xác định việc này của đơn vị nọ, đơn vị kia, đây là việc của chúng ta, là việc chúng sẽ phải bàn, phải làm để thay đổi bức tranh về ngành quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời. Cần xây dựng bức tranh mới cho ngành để đạt mục tiêu là ngành công nghiệp văn hoá”- ông Đỗ Đình Hồng phát biểu tại toạ đàm.

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), các vấn đề về hoạt động quảng cáo, quảng cáo ngoài trời đã được đề xuất để cụ thể hoá, tạo hành lang pháp lý cho DN hoạt động.

Theo ông Hồng, vấn đề hình thành các khu dịch vụ thương mại, quảng cáo đã được từng được đề cập, tuy nhiên DN còn e ngại trong việc thực hiện. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, ông Đỗ Đình Hồng cho rằng DN cần chuyển mình mạnh mẽ hơn bởi quảng cáo là ngành sáng tạo, cần tạo ta các sản phẩm khách hàng cần, tạo ra dịch vụ để kết nối khách hàng với các sản phẩm quảng cáo mình tạo ra.

Lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội kỳ vọng với sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, sự đóng góp về mặt truyền thông, tuyên truyền của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, sẽ có một bức tranh mới về ngành quảng cáo, thực sự là công nghiệp quảng cáo. Cũng theo ông Hồng, các cơ chế, chính sách được xây dựng, sửa đổi thời gian tới đây cũng cần phải tạo chuyển biến thực sự cho ngành quảng cáo.

11:08 – 11/04/2024

Tại sao quảng cáo ngoài trời còn lộn xộn?

Trả lời câu hỏi về vấn đề hiện có nhiều khu vực ở Hà Nội, các biển quảng cáo không bắt mắt, đủ các hình dáng, lộn xộn… gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, cũng thừa nhận trạng quảng cáo ngoài trời đúng như Báo Người Lao Động đã phản ánh.

Ông Hùng cho rằng hiện nay quảng cáo ngoài trời đưa lẫn lộn cả biển hiệu. Đáng nói là biển hiệu hiện nay lộn xộn nhiều hơn biển quảng cáo.

Phần lớn các DN đều thực hiện nghiêm chỉnh trong vấn đề quảng cáo ngoài trời trên nhưng thực tế có những khó khăn về văn bản quản lý đang có sự điều chỉnh, sửa đổi. Trong đó, ông Hùng cho rằng về phía cơ quan quản lý, tại Hà Nội quy hoạch quá chậm, quy chế mới còn chậm, thủ tục chậm…

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, nhấn mạnh thực tế có những khó khăn về văn bản quản lý đang có sự điều chỉnh, sửa đổi

Đáng nói từ năm 2016 đến nay, Hà Nội tạm dừng chấp thuận nội dung thông báo giới thiệu sản phẩm. Từ đó đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của bất cứ đơn vị nào dù vị trí đó đã nằm trong quy hoạch cũ hay xin làm mới khiến các DN quảng cáo gặp khó khăn. Từ đó, DN làm liều, dẫn đến quảng cáo tuỳ tiện, lộn xộn, sai vị trí. Đây là lỗi của cả cơ quan quản lý và DN.

Quyền lợi của DN nói rất rõ trong Luật Quảng cáo nhưng khi DN nộp thông báo quảng cáo thì cơ quan quản lý không nhận. Các DN chỉ đến nộp cho Sở Văn hoá và Thể thao thông bán sản phẩm và sau 5 ngày không trả lời sẽ làm nhưng các Sở này không có thông báo. Nhưng thực tế các Sở không có giấy thông báo “Đã nhận đủ hồ sơ”.

“Chúng tôi đề nghị khi sửa đổi Luật Quảng cáo sắp tới cần xác định trách nhiệm của DN, của cơ quan quản lý. Chúng tôi đã đề nghị bỏ thông báo sản phẩm. Nếu sai quy chuẩn thì xử phạt chứ không phải xin phép. Cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm”- ông Hùng nêu.

Đồng tình với các giải pháp để phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời, ông Hùng chia sẻ sự đồng ý với ý kiến của ông Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội Đỗ Đình Hồng. Ông Hùng cho rằng rất cần có những trung tâm quảng cáo đủ mạnh như các nước phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đề nghị TP Hà Nội tiếp nhận sản phẩm quảng cáo, với màn hình thí điểm cần tiếp tục cho thực hiện để tránh lãng phí sản phẩm của DN. “Hy vọng quảng cáo ở Hà Nội đi đầu về quy hoạch, cải cách hành chính và tại điều kiện cho DN quảng cáo”- ông Hùng bày tỏ.

11:29 – 11/04/2024

Nhiều sáng tạo mới, giải pháp cho quảng cáo tại Hà Nội

TS-KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, nhấn mạnh: Hà Nội là di sản văn hóa tinh hoa, tinh thần, nhưng không thể đóng khung mà cần có sức sống. Vì thế cần sự chia sẻ, cần tiếng nói của các hội, đưa ra những quan điểm, mong muốn, để đưa ra những sản phẩm lý tưởng.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

TS-KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhấn mạnh giải pháp đầu tiên đối với DN là phải lắng nghe thị trường, lắng nghe khách hàng. Nếu chỉ quảng cáo không gắn thực cảnh thì ai xem quảng cáo của chúng ta. Quảng cáo phải nâng tầm thương hiệu. Thành phố chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các DN hiện thực hóa giấc mơ này để gia tăng giá trị sản phẩm. Hãy cùng nhau hiến kế. DN lắng nghe thị trường để xây dựng sản phẩm thực sự hữu dụng để thị trường bắt buộc phải sử dụng sản phẩm của mình.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 2.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trao đổi tại tọa đàm

“Sau tọa đàm này, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều ý kiến, sáng tạo mới, giải pháp. Chúng tôi với tư cách là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố sẽ đưa ra những giải pháp ứng xử tốt nhất”- Giám đốc sở VH-TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định.

11:35 – 11/04/2024

Các sản phẩm quảng cáo là những công trình văn hoá nghệ thuật

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: “Toạ đàm hôm nay đã nêu thực tiễn, đưa ra nhiều giải pháp phát triển cho ngành quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội. Tiềm năng quảng cáo ở Hà Nội rất lớn, quan trọng chúng ta phải nhìn nhận ra được và triển khai, ứng xử với nó thế nào. Phải coi đó là tài nguyên, tài sản của lĩnh vực văn hoá mà chúng ta phải có cách tiếp cận và phát huy cho xứng tầm.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu

Chúng tôi hứa chúng tôi sẽ cùng sát cánh với các doanh nghiệp để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng đẹp hơn, văn minh, hiện đại hơn.

Chúng tôi ấp ủ, mong muốn rằng các chuyên gia, kiến trúc sư, các nhà nghệ thuật sẽ cùng nhau bàn để biến những sản phẩm của lĩnh vực quảng cáo phải là những công trình văn hoá nghệ thuật để đời, tôn vinh những khu vực chúng ta tạo nên những sản phẩm này thì lúc đó sẽ rất thu hút quảng cáo. Nếu chỉ có quảng cáo không, không gắn thực cảnh, không gắn nghệ thuật… thì rất khó hút khách.

Những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, bất cập hiện nay chúng tôi lắng nghe và đang từng bước gỡ vướng. Doanh nghiệp phải có giải pháp cho chính mình, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp triển khai các ý tưởng.

Chúng tôi rất quan tâm đến việc chú trọng xây dựng các sản phẩm, những bức tranh mới trong ngành công nghiệp văn hoá giai đoạn nay. Mong rằng sau cuộc toạ đàm hôm nay, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý sẽ có những sáng tạo, sáng kiến mới để cùng đóng góp, xây dựng Thủ đô Hà Nội tươi đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại”.

11:49 – 11/04/2024

Đánh giá cao sự vào cuộc của Báo Người Lao Động

PGS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá cao Báo Người Lao Động trong tổ chức tọa đàm cũng như sự đồng hành của Bộ VH-TT-DL. Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, cần tổ chức nhiều buổi tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, các cơ quan, hiệp hội, các chuyên gia để ra được Luật Quảng cáo mới có hiệu lực hiệu quả nhiều hơn, giúp hoạt động quảng cáo theo kịp xu hướng thế giới, đồng thời giải quyết được những bức xúc, bất cập đang tồn tại trong thời gian vừa qua.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

PGS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá cao sự năng động, tích cực, chủ động của Báo Người Lao Động đã chuẩn bị từ sớm, từ xa để giải quyết vấn đề rất quan trọng của xã hội là quảng cáo

Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho hay hoàn toàn đồng tình với quan điểm của ông Đỗ Đình Hồng, đó là cần tiếp cận quảng cáo theo cách mới, đó là công nghiệp văn hóa. Theo ông Sơn, sắp tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ có một đợt giám sát thực hiện Luật Quảng cáo. “Chúng tôi rất trân trọng những ý kiến đóng góp ngày hôm nay. Những ý kiến trong tọa đàm rất quan trọng đối với đợt giám sát này bởi từ đó, những bất cập trong quá trình triển khai luật sẽ được tiếp nhận và xử lý”- ông Bùi Hoài Sơn khẳng định.

“Chúng tôi mong rằng quá trình sửa luật sắp tới sẽ hạn chế được tình trạng luật khung luật ống, tránh những điều hay của luật không thể hiện được trong các nghị định, thông tư”- ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 2.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn bày tỏ mong muốn những ý kiến tại tọa đàm được ban soạn thảo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lắng nghe, đưa vào dự thảo luật và trong thời gian chưa sửa được luật sẽ sớm giải quyết những vướng mắc cho DN.

Ông Bùi Hoài Sơn nói thêm quảng cáo ngoài trời hiện cũng có nhiều vấn đề đang được cơ quan xây dựng, sửa đổi luật đồng hành với các bộ, ngành, hiệp hội để xử lý vấn đề tốt nhất. Quảng cáo ngoài trời là lĩnh vực đa ngành. Đây là vấn đề kinh tế, công nghệ, văn hoá nghệ thuật hay cảnh quan đô thị. Đây là vấn đề rất quan trọng nên Hiệp hội Quảng cáo nên đóng vai trò quan trọng, chủ chốt cùng các cơ quan quản lý Nhà nước để có thể xử lý tốt vấn đề này.

Ông Sơn cho rằng Luật Quảng cáo sẽ có chu kỳ sống khá lâu dài và cũng rất khó sửa. Thực tế 12 năm nay mới sửa được Luật Quảng cáo nên nếu không làm tốt luật và để việc sửa luật kéo dài cả chục năm sẽ để lại nhiều hệ luỵ không mong muốn.

“Tôi mong các cơ quan soạn thảo luật sẽ có thêm nhiều cuộc toạ đàm, đặc biệt là có sự đồng hành của cơ quan truyền thông như Báo Người Lao Động“- ông Sơn nói. Đồng thời, ông đánh giá cao sự năng động, tích cực, chủ động của Báo Người Lao Động đã chuẩn bị từ sớm, từ xa để giải quyết vấn đề rất quan trọng của xã hội là quảng cáo.

Theo ông, khi làm tốt điều này sẽ giúp ngành quảng cáo phát triển đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như sự phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Ông Sơn cũng bày tỏ mong muốn những ý kiến này được ban soạn thảo, và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lắng nghe, đưa vào dự thảo luật và trong thời gian chưa sửa được luật sẽ sớm giải quyết những vướng mắc cho DN.

12:18 – 11/04/2024

Quảng cáo ngoài trời cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu kết thúc toạ đàm, Nhà báo – Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết toạ đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu sinh động, từ vĩ mô đến các vướng mắc cụ thể trên thực tiễn. Theo ông Tô Đình Tuân, Toạ đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” hôm nay đã trao đổi các vấn đề còn nhiều vướng mắc, từ hành lang pháp lý đến tổ chức thực hiện, với mục tiêu tìm ra giải pháp tạo bứt phá cho ngành quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Nhà báo – Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh quảng cáo ngoài trời là mảng rất quan trọng

Theo TS Tô Đình Tuân, Báo Người Lao Động đã có một loạt bài tạo tiếng vang về quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội. Loạt bài với mong muốn khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động quảng cáo ngoài trời để hoạt động này ngày càng hiệu quả hơn, góp phần cho Thủ đô Hà Nội ngày càng đẹp hơn. TS Tô Đình Tuân cũng nhấn mạnh các vướng mắc về pháp lý khiến DN còn lúng túng trong quá trình hoạt động.

Nhấn mạnh quảng cáo là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hoá, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động lưu ý quảng cáo ngoài trời là mảng rất quan trọng. Ông Tô Đình Tuân cho biết từ nhiều năm trước, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đã hình thành các khu quảng cáo ngoài trời tập trung với quy mô rất lớn, quảng cáo rất sinh động.

Ở TP HCM hiện nay, theo TS Tô Đình Tuân, hiện đã hình thành một số khu vực quảng cáo có quy mô khá lớn, đầu tư mạnh về thiết kế, thẩm mỹ tại Quận 1. Ở Hà Nội, tại một số khu vực ngã tư đã xuất hiện các biển quảng cáo lớn, đèn Led. Tuy nhiên xét trên tổng thể, quảng cáo ngoài trời phát triển chưa đạt kỳ vọng. Do đó tại toạ đàm này, ông Tô Đình Tuân mong muốn Hà Nội sẽ đi đầu trong cả nước để phát triển quảng cáo ngoài trời.

Tổng Biên tập Tô Đình Tuân đã nhắc đến một số kiến nghị của DN quảng cáo tại toạ đàm, khi các dự án triển khai quảng cáo ngoài trời ở một số địa phương thủ tục còn rườm rà, thời gian kéo dài, tốn kém chi phí. “Như DN đã phản ánh, ở một số địa phương, quảng cáo ngoài trời không được chào đón, DN rất vất vả khi triển khai từ ý tưởng cho đến hiện thực”- TS Tô Đình Tuân nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, ông Tô Đình Tuân cho rằng để tháo gỡ khó khăn, phát triển quảng cáo ngoài trời, cần sự chung tay, đồng lòng, quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, DN mới thực hiện được.

“Qua các phát biểu tại toạ đàm hôm nay, chúng tôi nhận thấy rõ những khó khăn của DN, tâm huyết của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn đó”- ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh.

Theo ông Tô Đình Tuân, trước các khó khăn, vướng mắc của DN, các bộ ngành, địa phương đã rất nỗ lực để tháo gỡ, tuy nhiên hiện chưa có sự kết nối đủ tốt để tạo ra sự đột phá. “Toạ đàm hôm nay sẽ là sự khởi đầu trong việc tìm ra giải pháp hỗ trợ DN trong lĩnh vực quảng cáo”- ông Tô Đình Tuân nêu rõ.

Nêu một số giải pháp để phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân nhấn mạnh trước hết phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Bởi, không có hành pháp lý sẽ rất khó khăn cho hoạt động của DN cũng như công tác quản lý.

Theo ông Tô Đình Tuân, đại diện Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Bộ VH-TT-DL tại toạ đàm đã thông tin tiến độ xây dựng, sửa đổi Luật Quảng cáo, hướng đến mục tiêu tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, thúc đẩy phát triển lĩnh vực quảng cáo.

Bên cạnh đó, quảng cáo ngoài trời cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Theo ông Tô Đình Tuân, nếu doanh nghiệp quảng cáo đầu tư manh mún thì rất khó. “Doanh nghiệp quảng cáo hiện nay đang mạnh ai nấy làm, cạnh tranh lẫn nhau. Do đó, cần tập hợp lại theo các hiệp hội, chọn địa điểm đắc địa, quan trọng làm chương trình quảng cáo, công trình quảng cáo xứng tầm quốc gia”- ông Tô Đình Tuân nêu giải pháp.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cũng nhấn mạnh hoạt động quảng cáo ngoài trời cần ứng dụng công nghệ cao, tăng tính sáng tạo để tạo ra sản phẩm quảng cáo chất lượng, đột phá.

Ngoài ra, hoạt động quảng cáo ngoài trời cần kết hợp các sự kiện văn hoá, nghệ thuật tầm quốc gia, quốc tế để phát huy hiệu quả. Ông Tô Đình Tuân dẫn chứng như sự kiện nghệ sĩ saxophone Kenny G tổ chức chương trình “Kenny G Live in Vietnam”. “Nếu những sự kiện này kết hợp với truyền thông, quảng cáo thì hoạt động quảng cáo ngoài trời sẽ bật lên rất mạnh”- Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhấn mạnh.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 1.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp rất lớn. Ngành quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, mang lại doanh thu cao ở Việt Nam. Riêng tại TP Hà Nội, đã có hơn 800 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề quảng cáo, trong đó có 200 đến 250 đơn vị hoạt động thường xuyên.

Hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung rất sôi động, đa dạng, phát triển mạnh mẽ cùng với nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội. Các chuyên gia đánh giá nếu các địa phương tận dụng và quản lý tốt hoạt động quảng cáo ngoài trời thì không chỉ mang lại nguồn ngân sách lớn cho nhà nước mà còn giúp đảm bảo cảnh quan đô thị. Việc nâng tầm quảng cáo ngoài trời cũng nhằm mục tiêu hình thành hệ thống tuyên truyền đồng bộ, phục vụ nhiệm vụ chính trị, quảng cáo thương mại ngoài trời, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện nay vẫn còn những bất cập, vi phạm quy định, ảnh hưởng mỹ quan đô thị; có tình trạng một số đơn vị thực hiện quảng cáo chưa đúng quy định, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp quảng cáo bị ảnh hưởng nặng nề…

Hiện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi).

Làm thế nào để gỡ khó cho các doanh nghiệp? Làm sao để công tác quản lý nhà nước được nâng cao? Đây là những vấn đề đã được trao đổi nhiều nhưng thực tế các doanh nghiệp quảng cáo hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, có nơi cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn lúng túng.

Trước thực trạng này, Báo Người Lao Động phối hợp với Hiệp hội quảng cáo TP Hà Nội tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” nhằm để hoạt động này phát huy vai trò là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 2.

Chủ trì Tọa đàm có: Nhà báo – Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; bà Ninh Thị Thu Hương, Cục Văn hoá cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam

Chủ trì Tọa đàm:

Nhà báo – Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động;

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục Văn hoá cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội;

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội;

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam.

Cần thay đổi một số chính sách lớn về quảng cáo- Ảnh 3.

Nhà báo – TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, tặng hoa đại diện các đơn vị đồng hành

Trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:

Công ty Cổ phần Truyền thông VINAMA, Công ty Cổ phần NOTE GROUP, Công ty TNHH Mặt Trời Vàng Goldsun, Công ty cổ phần đầu tư Bizman, Công ty Prowtech, Công ty cổ phần Ngắm cảnh Việt Nam; Công ty TNHH Quảng cáo Tầm nhìn mới, Công ty Cổ phần quảng cáo TM Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Quang, Công ty Cổ phần quảng cáo và hội chợ quốc tế Hà Nội, Công ty Quảng cáo Trí Việt, Công ty QC Red, Công ty Cổ phần Tập đoàn truyền thông Big Sun, Công ty Toàn Cầu, Công ty Hà Việt, Công ty Taseco, Công ty Ngọc Hà; Ban lãnh đạo Khách sạn Hoà Bình…

Nguồn: Báo nld

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *