214 sản phẩm OCOP Lâm Đồng có thương hiệu và thị trường ổn định

Các sản phẩm OCOP tham gia trưng bày tại khu vực tổ chức Hội nghị

Nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm của Lâm Đồng và việc kết nối, xúc tiến thương mại giúp sản phẩm nông sản OCOP phát triển thị trường nhanh hơn.

Ngày 3/8, tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản OCOP Lâm Đồng. Có 40 gian hàng trưng bày giới thiệu, bán hàng trực tiếp tại khu vực tổ chức Hội nghị. Đồng thời tổ chức hoạt động trình diễn, bán hàng trực tiếp trên nền tảng TikTok “Phiên chợ OCOP – Nông sản trong mây”.

Hiện tại, toàn tỉnh Lâm Đồng có 214 sản phẩm OCOP của 123 chủ thể; trong đó, 9 sản phẩm 5 sao (2 sản phẩm đã được công nhận, 7 sản phẩm đã trình Trung ương xem xét quyết định); 94 sản phẩm 4 sao; 111 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm được công nhận thời gian qua là các mặt hàng nông sản qua chế biến và đã có thương hiệu, thị trường nhất định…

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, những năm qua, nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, ngành nông nghiệp địa phương đã được cơ cấu lại một cách toàn diện, sản xuất chuyển dịch theo hướng an toàn, bền vững, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường.

214 sản phẩm OCOP Lâm Đồng có thương hiệu và thị trường ổn định - Ảnh 1.

Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, trong các đơn vị được mời tham luận, Hợp tác xã chuối Laba Đạ K’ Nàng là đơn vị phát triển từ một trong những huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng, nhưng phần lớn sản phẩm chuối Laba của Hợp tác xã được xuất khẩu sang thị trường Nhật.

214 sản phẩm OCOP Lâm Đồng có thương hiệu và thị trường ổn định - Ảnh 2.

Chuối Laba của Hợp tác xã chuối Laba Đạ K’ Nàng là sản phẩm ưa chuộng trong nước và đã chinh phục được được thị trường Nhật trong nhiều năm qua.

Đại diện Hợp tác xã chia sẻ, sớm nhận thấy được giá trị của chuối Laba có nhiều dinh dưỡng, giàu khoáng chất, hương thơm, vị ngọt, độ dẻo cao, do người Pháp di thực đến vùng Nam Tây Nguyên, sau đó được cung tiến vua Bảo Đại và đến năm 2012, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chuối Laba đặc sản tỉnh Lâm Đồng”.

Từ mô hình mẫu được chuyển giao, Hợp tác xã nhân rộng cho các hộ liên kết canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP cùng với sự hướng dẫn, giám sát của các chuyên gia Nhật để chăm sóc cây chuối đúng hướng sản phẩm GlobalGAP nên đơn hàng ngày càng lớn, thị trường tại Nhật ngày càng mở rộng.

Để nhanh chóng mở rộng vùng trồng, đáp ứng đơn hàng lớn của các đối tác Nhật Bản, Hợp tác xã đã liên kết với đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ cùng đồng hành với các nông hộ nhân rộng mô hình sản xuất chuối Laba xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Thương hiệu “Chuối Laba đặc sản tỉnh Lâm Đồng” sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nếu có sự quan tâm của ngành nông nghiệp, quy hoạch thêm vùng sinh thái phù hợp và hỗ trợ người dân sớm chuyển đổi những cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp.

Theo: vtv.vn