Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng bộ nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam, cùng doanh nghiệp bắt kịp xu hướng “xanh hóa” gắn với phát triển thương hiệu bền vững, góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt trên thị trường.
“Bắt sóng” xu hướng xanh hoá thương hiệu
Tại Toạ đàm “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” diễn ra ngày 20/4 trong Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023, các chuyên gia đều nhận định rằng, việc xây dựng Thương hiệu quốc gia là một xu thế tất yếu và chắc chắn rằng quốc gia nào cũng sẽ phải thực hiện nếu muốn các sản phẩm, thương hiệu của mình cạnh tranh tốt hơn trong môi trường tự do thương mại hiện nay.
Thời gian gần đây, xu hướng “xanh hoá” trong xây dựng thương hiệu và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Thương hiệu xanh đã trở thành một xu hướng phổ biến khi người tiêu dùng ngày càng có thu nhập cao và quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường. Từ đây, thương hiệu xanh dần trở thành một tiêu chuẩn mới để những người tiêu dùng lựa chọn.
Điều này càng phù hợp hơn với định hướng phát triển của Việt Nam, thể hiện qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021.
Chiến lược đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao Chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Việc xây dựng cơ chế ưu đãi cụ thể đối với các doanh nghiệp tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ xanh là một trong những giải pháp quan trọng mà Chiến lược đề ra để hiện thực hóa mục tiêu này. Rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng xanh của nền kinh tế.
“Xu hướng “xanh hoá” không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là sự sống còn của doanh nghiệp. Vì vậy, việc đổi mới công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm và quá trình quản trị doanh nghiệp là xu hướng tất yếu”, ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện, bởi đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong doanh nghiệp từ quản trị, phát triển sản phẩm, quản lý sản xuất đến kinh doanh. Nếu không có công nghệ mới hầu như là bất khả thi. Bởi vậy, “doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo và đi theo các hướng sản xuất xanh, thân thiện môi trường”, ông Trần Lê Hồng chia sẻ.
Để đáp ứng được điều này, các doanh nghiệp Việt, trong đó có các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến.
Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệt thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội,… để cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Trong đó, một số doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò tiên phong, dẫn dắt, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thách thức, điển hình như: TH với các dự án đầu tư bền vững từ Nghệ An, Tây Nguyên tới nhiều nước như Nga, Australia; PTSC với các dự án điện gió tạo tiền đề phát triển năng lượng Hydro; các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trong ngành công nghiệp nặng khác cũng từng bước chuyển xanh quá trình sản xuất như Hoa Sen, Hòa Phát …
Chia sẻ tại Toạ đàm, bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ – Trưởng Ban Điều phối Dự án Phát triển Bền vững, Tập đoàn TH cho rằng, thương hiệu quốc gia xanh được kết hợp từ ba yếu tố: (i) sức mạnh thương hiệu, (ii) tư duy đổi mới sáng tạo và (iii) tiên phong. Ngay từ những ngày đầu xây dựng thương hiệu, Tập đoàn TH đã hướng đến chiến lược xanh, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững, xuyên suốt thông qua việc xây dựng những chiến lược xanh, có những sáng kiến về giảm kiểu thí thải cacbon, xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời trên các hệ thống chuồng trại của Tập đoàn TH nhằm sản xuất ra năng lượng và giảm mức hấp thu nhiệt cho đàn bò.
Tuy nhiên, mỗi thị trường quốc tế lại có những tiêu chí riêng khắt khe và nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng phải có sự chuẩn bị kĩ càng, lồng ghép được những ứng dụng, sáng kiến phát triển bền vững vào tất cả các hoạt động kinh doanh.
“Tới thời điểm hiện tại, Tập đoàn TH đã hội tụ tất cả những yếu tố cần và đủ để trở thành một thương hiệu quốc gia xanh, mạnh, đại diện cho Việt Nam vươn tầm quốc tế, khẳng định vị thế trên trường quốc tế với những sản phẩm uy tín, chất lượng”, bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ nhấn mạnh.
Xây dựng bộ nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Khi trở thành Thương hiệu quốc gia Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ được sử dụng Biểu trưng Thương hiệu quốc gia và hệ thống nhận diện Thương hiệu quốc gia trong công tác quản trị kinh và truyền thông thương hiệu của mình. Đây là một điểm sáng trong quảng bá thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới.
“Muốn xây dựng một thương hiệu của mình cần phải định vị thương hiệu gắn với nhận diện thương hiệu quốc gia được bảo trợ bởi Chính phủ Việt Nam. Được sử dụng nhận diện và biểu trưng Thương hiệu quốc gia trong quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp rất tốt nhưng không hề dễ dàng bởi lẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản xuất, đạo đức kinh doanh. Do vậy, biểu trưng và nhận diện Thương hiệu quốc gia luôn là sự bảo chứng chắc chắn và uy tín cho doanh nghiệp”, bà Thuỷ chia sẻ.
Thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.
Kết quả, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.
“Có thể thấy, các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng. Đồng thời cũng chứng tỏ các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định.
Xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu xanh luôn là bài toán khó, cần có sự đầu tư nghiên cứu. Với kinh nghiệm quốc tế, ông Alex Haigh – Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương cho rằng: Việt Nam cần xây dựng và truyền tải câu chuyện đặc sắc làm đường dẫn kéo thế giới biết đến Việt Nam. Nhưng câu chuyện không nên quá rộng mà tập trung vào yếu tố xanh và nỗ lực tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Đồng thời, cần lường trước lộ trình, khó khăn thách thức để có giải pháp.
“Đã có trường hợp quốc gia quá tham vọng vào tăng trưởng xanh mà không lường hết các phát sinh dẫn đến sụp đổ của nền kinh tế”, ông Alex Haigh thông tin.
Dựa trên kết quả khảo sát 8 ngành với 500 doanh nghiệp, ông Robert McClelland – Trưởng khoa Kinh doanh, Đại học RMIT đưa ra lời khuyên, muốn thành công xây dựng thương hiệu xanh và bền vững, doanh nghiệp cần làm tốt công tác nghiên cứu thị trường; xác định yếu tố lợi thế cạnh tranh xét trên khía cạnh xanh và bền vững; định hình sứ mệnh thương hiệu; đưa ra định hướng phát triển thương hiệu trong và ngoài nước; triển khai marketing hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhận diện thương hiệu luôn cần được quan tâm, sự thống nhất của hệ thống nhận diện và nâng cao hiệu quả nhận diện thông qua truyền thông là rất quan trọng.
Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ thêm, sự bảo chứng của biểu trưng cũng như nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam mang lại cho doanh nghiệp là sự bảo chứng từ phía Chính phủ nên có uy tín cao và chắc chắn hiệu quả trong việc nâng cao nhận diện thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường.
Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ có kế hoạch xây dựng phối hợp cùng cả cộng đồng doanh nghiệp xây dựng bộ nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam. “Bộ nhận diện này sẽ chung cho toàn bộ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, do đó rất mong được sự ủng hộ chung tay của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.
Theo: Tạp chí Công Thương