Theo Ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch sáng lập Học viện Thương hiệu Plato, thương hiệu cá nhân rất quan trọng nhưng nó không thể đứng trên thương hiệu công ty.
* Các doanh nghiệp lớn hầu như đều gắn với dấu ấn cá nhân. Theo ông, vì sao thương hiệu công ty cần đứng trên thương hiệu cá nhân?
Người Nga nói rằng đón tiếp dựa vào quần áo, tiễn đưa dựa vào trí tuệ. Hình thức luôn rất quan trọng lúc ban đầu. Thương hiệu cá nhân có thể ví như của “quần áo” của doanh nghiệp. Còn điều níu giữ khách hàng quay lại lần sau lại phụ thuộc vào chất lượng của “trí tuệ”. Lúc này, uy tín chuyên môn của thương hiệu cá nhân cũng quan trọng nhưng nó chỉ là một trong số nhiều mắt xích để thu hút khách hàng. Chất lượng dịch vụ của đội ngũ nhân viên, chất lượng sản phẩm, hệ thống đồng bộ về quản lý và chăm sóc khách hàng mới là điều người tiêu dùng quan tâm. Nếu không có sự tương thích của thương hiệu cá nhân với các yếu tố còn lại khác, doanh nghiệp rất khó tiến xa. Trong một giai đoạn nào đó, thương hiệu cá nhân có thể là chất xúc tác để xây dựng thương hiệu công ty nhưng về lâu dài, thương hiệu công ty mới là cái đích cuối cùng của doanh nghiệp.
Ai hay xem bóng đá sẽ hiểu hàm ý của cụm từ chiến lược hiệp hai. Một huấn luyện viên lỗi lạc thường điều chỉnh chiến lược, chiến thuật ở hai hiệp đấu khác nhau; tuỳ vào diễn biến trận đấu và phản ứng của đối thủ để có đối sách thích hợp. Chẳng hạn, với huấn luyện viên người Bồ Đào Nha Jose Mourinho, việc ông ta rút siêu sao Ronaldo ra khỏi trận đấu là bình thường. Chiến thắng của đội bóng (thương hiệu công ty) quan trọng hơn nhiều việc làm hài lòng một ngôi sao (thương hiệu cá nhân).
* Vậy uy tín của thương hiệu cá nhân nên được sử dụng như thế nào cho hợp lý?
Lộ trình của một start-up chia ra nhiều giai đoạn. Giai đoạn ra mắt được xem là hiệp một. Lúc này cần yếu tố “wow-factor” để gây chú ý và nhận biết thương hiệu. Giai đoạn này, uy tín của thương hiệu cá nhân rất quan trọng. Xuất hiện thường xuyên, gây ảnh hưởng các sự kiện đông người liên tục là điều cần thiết. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng “hiệp hai” cần có chiến lược khác; phát huy ảnh hưởng của hiệp một và chuẩn bị cho hiệp phụ tiếp theo.
* So với các trường đào tạo về thương hiệu và marketing khác, Học viện Thương hiệu Plato có những giá trị khác biệt nào?
Khác biệt lớn nhất nằm ở giảng viên. Điều này đã được chính những học viên là những doanh nhân, marketers rất giỏi từng tham dự các khoá học trước đây thừa nhận. Họ đều là những người hiểu biết sâu sắc về kinh doanh và va chạm nhiều thực tế, vì vậy, họ đến với học viện không phải để đi học như sinh viên mà cần được “huấn luyện” bởi những giảng viên hiểu sâu về học thuật và cũng va chạm thực tế kinh doanh rất nhiều.
* Ông có thể giải thích thêm về triết lý “huấn luyện”?
Nói huấn luyện thì dễ, làm cho tới thì rất khó. Mục tiêu của huấn luyện không những giúp học viên hiểu được, làm được, ứng dụng được trong thực tế kinh doanh của họ mà còn phải xây dựng thương hiệu cho nhiều doanh nghiệp. Theo tôi, khó nhất là trang bị cho học viên cách suy nghĩ và tư duy đúng về xây dựng thương hiệu. Những học viên đã trải qua huấn luyện và ra “chiến trường” mới thấm thía được ý nghĩa của 2 từ này.
* Học viện Plato phụ thuộc như thế nào vào uy tín thương hiệu cá nhân là các giảng viên?
Trong giáo dục, uy tín, chuyên môn của người thầy rất quan trọng và Học viện Thương hiệu Plato cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trong dài hạn, Plato đặt mục tiêu học viên sẽ nói về uy tín thương hiệu của học viện trước khi nhắc tên giảng viên. Uy tín giảng viên và học viện sẽ là mối quan hệ tương hỗ bình đẳng thay vì quan hệ một chiều phụ thuộc hoàn toàn vào tên tuổi giảng viên.
* Học viện Plato có những lớp đào tạo nào?
Plato là học viện chuyên sâu đào tạo về thương hiệu và các chuyên ngành liên quan. Ngoài lớp xây dựng thương hiệu bền vững theo chuẩn quốc tế còn có các lớp Actionable Marketing (Marketing ứng dụng), Copywriting (lớp dạy về kỹ năng viết). Các lớp này đều được thiết kế cùng một mục đích là xây dựng thương hiệu một cách bài bản bền vững theo chuẩn quốc tế.
Theo: Học viện Thương hiệu Plato/ Nguồn: VnExpress