Những năm gần đây, người trồng tỏi ở thị xã Ninh Hòa nói riêng và toàn tỉnh nói chung đều phải chịu cảnh bấp bênh, thiếu ổn định về đầu ra. Việc xây dựng thành công mô hình tỏi VietGAP ở xã Ninh Sơn được kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình. Dẫu vậy, trước mắt, đầu ra cho cây tỏi vẫn còn gian nan.
Hơn 5ha tỏi VietGAP
Sau một thời gian dài tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất tỏi đáp ứng theo tiêu chuẩn, đầu tháng 3, hơn 5ha tỏi với sản lượng hơn 50 tấn/vụ/năm của 9 hộ thành viên Tổ hợp tác Trồng tỏi xã Ninh Sơn được cơ quan chức năng cấp chứng nhận sản phẩm trồng trọt phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Ông Đào Quang Học – Tổ trưởng Tổ hợp tác Trồng tỏi xã Ninh Sơn cho biết, ông cùng các thành viên nhiều năm gắn bó với cây tỏi. Gia đình ông lúc cao điểm có đến 5ha trồng tỏi. Trước đây, tỏi bán tương đối được giá, sản xuất tới đâu bán hết tới đó. Tuy nhiên, khoảng 5 năm qua, việc tiêu thụ tỏi bắt đầu gặp khó khăn và ngày càng bấp bênh. Hiện nay, gia đình ông chỉ duy trì 1ha tỏi. Với mong muốn cải thiện chất lượng sản phẩm, có thể giúp cho đầu ra ổn định hơn, các thành viên tổ hợp tác đã quyết định làm tỏi VietGAP.
Ông Đào Quang Học phơi tỏi.
Ông Vũ Văn Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sơn cho biết, ngoài 9 hộ trồng tỏi đạt chứng nhận VietGAP trên 5ha, vừa qua, hội đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật thị xã mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng tỏi cho nông dân trong 3 tháng. Đồng thời, hỗ trợ Tổ hợp tác Trồng tỏi xã Ninh Sơn vay vốn với số tiền 350 triệu đồng để các hộ cải tạo quy trình trồng tỏi đáp ứng các tiêu chí an toàn.
Dẫu vậy, mùa thu hoạch tỏi vừa qua, giá thu mua tỏi ở Ninh Sơn nói riêng và cả tỉnh nói chung không ổn định, có mức độ dao động lớn. “Đầu mùa, thương lái mua 40 – 50 nghìn đồng/kg tỏi tươi. Nhưng vào chính vụ, giá tỏi không những bị giảm mạnh mà còn tiêu thụ chậm. Một số hộ phơi khô, cất trữ tỏi, chờ giá lên mới bán. Hầu hết các hộ còn lại dù giá thấp cũng phải bán vì đã đến hạn thanh toán chi phí nợ phân bón” – ông Đào Quang Học chia sẻ.
Nông dân mong được hỗ trợ đầu ra
Có một thực tế là giá tỏi luôn dao động khá lớn. Ngay như thời điểm hiện tại, tỏi đẹp, đều hạt, đủ độ khô có thể được bán với giá 70.000 đồng/kg. Nhưng như thế nào là đẹp, tỏi loại 1, 2, 3 chủ yếu phụ thuộc vào cảm quan và kinh nghiệm do người mua quyết định. Chưa kể, tỏi loại 1 được bán với giá 60.000 – 70.000 đồng/kg thì tỏi loại 2 chỉ bán được 20.000 – 25.000 đồng/kg. Tỷ lệ tỏi đẹp – xấu của mỗi hộ nông dân cũng không giống nhau, do đó, dù đạt năng suất 10 tấn/ha, nhưng có hộ bán được hơn 500 triệu đồng, có hộ lại chỉ được khoảng 300 triệu đồng. Hỏi một nông dân đang phân loại tỏi ở thôn 1, xã Ninh Sơn, bà cho biết, chủ yếu tỏi được phân thành 2 loại, loại 1 tỏi đẹp chiếm khoảng 65% sản lượng, còn lại là tỏi loại 2. Về độ khô, tỏi đã phơi đủ 20 nắng hay 25 nắng thì hầu hết đều dựa vào kinh nghiệm, cảm quan. Tỏi loại 1 đẹp với loại 1 chưa đẹp… cũng khác xa về giá bán, thành ra tính hiệu quả của 1ha tỏi chỉ mang tính chất tương đối.
Theo ông Mai Xuân Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 90ha tỏi. Vụ tỏi năm nay, điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên năng suất tỏi đạt ở mức khá, bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch 10 tấn. Hầu hết nông dân sản xuất tỏi trên địa bàn xã vẫn đang bán cho các thương lái, chưa có doanh nghiệp hay hợp tác xã khác đặt hàng theo hợp đồng kinh tế. Do vậy, giá cả thu mua đều do 2 bên thỏa thuận theo từng thời điểm khác nhau.
Người trồng tỏi Ninh Sơn mong muốn đầu ra được ổn định hơn.
Người trồng tỏi Ninh Sơn mong muốn đầu ra được ổn định hơn.
Ninh Hòa là địa phương có diện tích tỏi lớn nhất tỉnh với hơn 200ha, sản lượng hàng năm gần 2.000 tấn tỏi; tỏi là một cây trồng có giá trị kinh tế cao, thế nhưng đến nay, tỏi Ninh Hòa vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, đầu ra bấp bênh và hầu hết sản lượng vẫn được bán theo kênh phân phối. Nhiều năm qua, việc xây dựng thương hiệu cho tỏi sẻ Ninh Hòa nói riêng và Khánh Hòa nói chung đã được đặt ra và nhắc đến khá nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Người trồng tỏi Ninh Sơn mong muốn chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong việc mở rộng diện tích trồng tỏi VietGAP, cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu và kết nối, mở ra các kênh phân phối có tính bền vững, hiện đại hơn, chẳng hạn liên kết với các doanh nghiệp chế biến tỏi, siêu thị, sàn thương mại điện tử… nhằm từng bước ổn định đầu ra cho cây tỏi nơi đây.
Nguồn: baokhanhhoa.vn