Từ trường hợp của đầu bếp Võ Quốc, việc triển khai và áp dụng “whitelist” và “blacklist” (danh sách đen) là càng sớm càng tốt với sự đồng thuận của nhiều người.
Liên quan đến vụ việc Facebook của đầu bếp Võ Quốc (tên đầy đủ là Võ Đình Quốc) có lời lẽ xúc phạm báo chí, sau khi phạt hành chính 7,5 triệu đồng, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM, ông Lâm Đình Thắng cho biết Sở xem xét kiến nghị với Bộ Thông tin – Truyền thông đưa tài khoản Facebook Vo Quoc vào “danh sách đen” (blacklist).
Theo đó, Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM khuyến nghị các cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan, đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp… cân nhắc hợp tác với chủ tài khoản này.
“Việc này cũng nằm trong công tác của Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM nhằm chuẩn bị hệ thống hóa các hành vi vi phạm và danh sách các tài khoản mạng xã hội cần đưa vào blacklist chung của cả nước do Bộ Thông tin – Truyền thông (TT- TT) chỉ đạo” – ông Lâm Đình Thắng cho biết.
Với vụ việc này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình – Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết : “Ông Võ Quốc vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý tài khoản của mình. Chúng tôi đang tìm hiểu, xác minh và kiểm tra thông tin để nắm được bản chất sự việc. Nếu đúng với kiến nghị của Sở TT-TT TP HCM, chúng tôi sẽ thông báo với các nhãn hàng để hạn chế tài khoản này trong thời gian nhất định”.
Theo ông Lê Quang Tự Do, “whitelist” – danh sách được xác thực và “blacklist” là sáng kiến của Bộ TT-TT triển khai vào đầu năm 2023. Sáng kiến này nhằm khuyến khích các nhãn hàng, các đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo vào trang, kênh được Bộ TT-TT xác thực (whitelist).
Bên cạnh đó, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo không quảng cáo, không hợp tác với các trang, kênh và những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy theo mức độ vi phạm sẽ có các mức thời gian, thời hạn không hợp tác. Việc này là trên cơ sở đồng thuận của các bên, không phải quy định bắt buộc.
“Khi chúng tôi tổ chức sáng kiến này, các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, các công ty truyền thông và các cơ quan báo chí đều ủng hộ nhằm góp phần làm trong sạch không gian mạng và bảo vệ an toàn thương hiệu. Nếu các đơn vị đăng quảng cáo vào các trang, kênh vi phạm pháp luật, chính họ cũng bị xử phạt hành chính, đồng thời cũng bị ảnh hưởng đến thương hiệu” – ông Lê Quang Tự Do nhìn nhận.
“Không gian mạng như cái chợ trời, bày bừa từ những món hàng cao cấp đến cả thịt ôi thiu”, như nhận định của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, là thực trạng đã tồn tại từ lâu. Nhiều người dùng mạng xã hội đã bị lẫn lộn quyền tự do ngôn luận với hiện trạng loạn ngôn để bày tỏ quan điểm không chuẩn mực.
Và hơn hết, khán giả từ lâu cũng đã quá ngán ngẩm với thực tế nhiều nghệ sĩ nhận quảng cáo bất chấp trên trang cá nhân của mình. Điều những nghệ sĩ này nhìn thấy chính là lợi nhuận, là những con số lên đến hàng trăm triệu đồng cho một bài đăng trên trang cá nhân mà quên đi trách nhiệm cộng đồng của từng người, đặc biệt là trách nhiệm của một người nổi tiếng với xã hội.
Có thể, bản thân những nghệ sĩ nhận quảng cáo “láo” cho sản phẩm kém chất lượng, hiểu rõ sản phẩm mà họ đang tiếp tay đưa đến người tiêu dùng ẩn chứa nhiều rủi ro, độc hại nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ vì cái họ được rất nhiều, còn hệ lụy thế nào là chuyện của xã hội.
Vì sao có không ít người nổi tiếng Việt lại mặc sức “lộng hành” đến thế? Vì khán giả Việt quá dễ dãi và nhân hậu. Sau khi làm sai, người nổi tiếng chỉ cần nói lời xin lỗi rồi mọi thứ lại quay trở lại với quỹ đạo cũ, như chưa hề có “cuộc chia ly” nào.
Nhưng lần này với trường hợp của “Facebook Vo Quoc” đã đến lúc khán giả không thể dễ dãi hơn được nữa. Khán giả cần phải quyết liệt sử dụng quyền lực tẩy chay, cơ quan quản lý phải nghiêm khắc trong việc thực hiện quyền lực “blacklist” – để làm sạch môi trường giải trí vốn quá nhiều điều tiếng và thành kiến.
Một môi trường làm nghề “sạch sẽ” sẽ chỉ còn lại những nghệ sĩ – nhân vật giải trí thực thụ, khao khát cống hiến tài năng của mình cho đời với một tinh thần trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Điều người nổi tiếng có được chính là danh tiếng, tiền tài. Và khi nhận được với những điều đó, họ phải có trách nhiệm tương xứng.
Nhìn quanh thị trường giải trí Hàn, Nhật, Trung Quốc… khi quyền lực “blacklist” và tẩy chay được áp dụng triệt để, những nghệ sĩ “nhúng chàm” chắc chắn không có đường lùi. Vì sợ, nên người nổi tiếng sẽ phải “uốn lưỡi” 7 lần trước khi nói” hay làm điều gì cũng phải nhìn trước nhìn sau cho phải phép, nếu không họ không chỉ thân bại, danh liệt mà còn khánh kiệt về tài chính.
Trước nay, khán giả Việt quá nhân từ còn cơ quan chức năng thì chưa thật sự xử lý mạnh tay nên môi trường không gian mạng dường như vẫn chưa được cải thiện như mong đợi. Mức phạt hành chính vài triệu đồng chưa đáng là gì so với mức thu nhập của người nổi tiếng.
Vậy nên, với những sai phạm ở người nổi tiếng cần phải phạt thật nặng mới đủ sức răn đe. Thứ đến, mức phạt hiệu quả nhất dành cho họ chính là sự quay lưng, tẩy chay của khán giả!
Vũ Thùy