Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã nhiều lần phát đi cảnh báo với người tiêu dùng về tình trạng thực phẩm chức năng được quảng cáo sai sự thật đang diễn ra tràn lan.
- Thực phẩm chức năng giả, dán… tem chống giả lừa người tiêu dùng
- Cảnh báo giả danh bác sĩ nổi tiếng bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội
- Chiêu trò lừa bán thực phẩm chức năng
Thực tế từ những thông tin quảng cáo sai lệch đó đã khiến không ít người dùng bị lừa đảo khi chọn mua. Để tạo niềm tin với người sử dụng, các đối tượng rao bán còn làm giả giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và giấy xác nhận nội dung quảng cáo của Cục An toàn thực phẩm. Trường hợp sản phẩm có tên gọi là Tiểu đường Bà Sáu trong phóng sự dưới đây là một minh chứng rõ nhất cho thủ đoạn tinh vi của các đối tượng rao bán thực phẩm chức năng giả.
Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố chất lượng cho sản phẩm Tiểu đường Bà Sáu được đăng tải trên Internet nhưng theo khẳng định của lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tờ giấy kể trên là giả mạo vì số tiếp nhận công bố trên văn bản này đã được cấp cho một sản phẩm khác – không phải là Tiểu đường Bà Sáu.
Dù không phải là thuốc y học cổ truyền, không phải là thực phẩm chức năng nhưng Tiểu đường Bà Sáu vẫn được quảng cáo như một loại thần dược để trị tiểu đường. Nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng sẽ sập bẫy của các đối tượng lừa đảo bán Thực phẩm chức năng trên mạng.
Dù chưa đủ điều kiện lưu hành trên thị trường vì chưa được cấp bất cứ giấy tờ nào của cơ quan quản lý nhà nước nhưng trên các trang web, sản phẩm này được giới thiệu giống như thuốc điều trị. Chỉ cần để lại tên và số điện thoại, nhân viên bán hàng sẽ gọi trực tiếp để tư vấn.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị phát hiện về hành vi sử dụng giấy tiếp nhận công bố sản phẩm giả mạo để bán hàng.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế: “Tôi đánh giá đây là hành vi rất nguy hiểm. Nếu như các người bệnh tiểu đường thì cần đến cơ sở y tế thăm khám điều trị. Sản phẩm không được phép lưu hành, không có nguồn gốc… quảng cáo như thuốc chữa bệnh thì người bệnh sẽ không thăm khám kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh”.
Trước hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hình sự, Cục An toàn thực phẩm đã chuyển thông tin vụ việc đến Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội để truy xét xử lý. Trong thời gian các cơ quan chức năng vào cuộc, để đảm bảo an toàn sức khoẻ, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm “Tiều đường Bà Sáu” có thông tin trên giấy tờ giả mạo. Nếu phát hiện sản phẩm kể trên, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng của địa phương để xử lý theo quy định.
Theo: VTV.vn