Thương hiệu Việt nổi tiếng bị đánh cắp ở nước ngoài

Có doanh nghiệp Việt dù đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nhiều nước nhưng lại bỏ quên thị trường trọng điểm nên khi bị “đánh cắp” mới biết.

Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị “đánh cắp” ở thị trường nước ngoài khiến các doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí để lấy lại. Thế nhưng nguy cơ mất thương hiệu Việt vẫn chực chờ vì nhiều công ty vẫn chưa thực sự quan tâm vấn đề này.

Logo của Co.opmart mới đây xuất hiện tại một siêu thị ở Úc, dù chưa từng được nhượng quyền hay đầu tư ra nước ngoài. (Ảnh: TL)

Của mình nhưng muốn bán phải xin phép nước ngoài

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Meet More – chuyên xuất khẩu cà phê trái cây, kể khi đang khảo sát thị trường bán lẻ tại Úc đã phát hiện một siêu thị mang logo của Co.opmart. Nhiều người Việt tại Úc lầm tưởng đây là thương hiệu của Việt Nam nên ghé ủng hộ.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành Siêu thị Co.opmart, khẳng định đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa đầu tư xây dựng siêu thị và chưa nhượng quyền thương hiệu Siêu thị Co.opmart cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào.

“Từ vụ việc này, chúng tôi sẽ tiến hành việc đăng ký bảo hộ thương hiệu nước ngoài nhằm giữ gìn thương hiệu doanh nghiệp Việt”, ông Thắng chia sẻ.

Nhưng không chỉ một siêu thị ở Úc dùng hình ảnh logo thương hiệu của Co.opmart mà nhiều thương hiệu Việt cũng bị “đánh cắp” ở nước ngoài. Ông Luận cho biết trước đây tại hệ thống phân phối sỉ lớn nhất ở Úc là Costco, khách hàng dễ dàng nhìn thấy các gói phở ăn liền có thương hiệu phở cùng dòng chữ “Vietnamese Style Noodle Soup” nhưng dưới mỗi gói phở lại ghi là “Product of China”. Tương tự, tại Mỹ trước đây thương hiệu phở cũng bị Thái Lan đăng ký.

“Như vậy, thương hiệu phở ở Mỹ hay Úc đã không còn là của người Việt Nam. Nói cách khác nếu người Việt muốn bán sản phẩm mang thương hiệu phở của mình tại Úc phải được DN Trung Quốc cho phép và ở Mỹ thì DN Thái Lan cho phép”, ông Luận nói.

Vị lãnh đạo công ty này cũng cảnh báo có thể sẽ còn nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam bị nước ngoài lấy mất. Vì vậy, các công ty cần phải có giải pháp để thương hiệu gắn liền với các sản phẩm Việt Nam không bị lấy mất trong tương lai.

Xuất hiện tình trạng săn thương hiệu để bán lại

Ông Luận cảnh báo hiện nay ở một số thị trường có hẳn đội ngũ chuyên đi tìm kiếm những thương hiệu nổi tiếng hoặc bắt đầu nổi tiếng, được thị trường ưa chuộng để đăng ký bảo hộ và bán lại nhãn hiệu cho các doanh nghiệp khác.

“Mới đây một cá nhân ở Trung Quốc đề nghị mua lại nhãn hiệu Meet More và họ còn trưng ra bằng chứng rằng đã đăng ký tại Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không ngờ chúng tôi đã đi trước một bước, khi đã tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Trung Quốc. Hiện chúng tôi đang chờ cơ quan chức năng Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu Meet More tại thị trường này”, ông Luận dẫn chứng.

Cũng theo ông Luận, hồi năm 2019 sau khi bán thành công lô hàng đầu tiên và chuẩn bị lô hàng thứ hai vào Hàn Quốc, công ty tiến hành nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu tại nước này. Nhưng công ty bất ngờ khi cơ quan nhãn hiệu Hàn Quốc từ chối đơn với lý do nhãn hiệu cà phê trái cây của công ty đã được một đơn vị khác nộp đơn đăng ký trước đó.

“Ngay lập tức công ty nhờ luật sư vào cuộc mới biết chính đơn vị đang hợp tác tại Hàn Quốc đã đăng ký trước. Cuối cùng hai bên phải ngồi lại đàm phán, vài tháng sau họ mới đồng ý rút đơn. Lúc đó, công ty mới tiếp tục thực hiện các thủ tục bảo hộ nhãn hiệu cà phê của mình”, vị lãnh đạo Công ty Meet More cho biết.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DHFoods, cũng nhìn nhận bảo vệ nhãn hiệu hay thương hiệu là vấn đề sống còn với công ty khi xuất khẩu ra thế giới. Vì vậy, ngay từ khi xuất khẩu một số chuyến hàng đầu tiên, công ty bắt đầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Hiện nay các sản phẩm gia vị của công ty đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở các quốc gia châu Âu, châu Mỹ… Chi phí đăng ký bảo hộ ở nước ngoài tốn từ vài nghìn USD, tùy mỗi quốc gia.

“Chúng tôi hợp tác với đơn vị tư vấn luật để đăng ký bảo hộ nên không gặp khó khăn nào. Hiện công ty vẫn đang tiếp tục đăng ký bảo hộ ở những thị trường tiềm năng khác”, ông Dũng chia sẻ.

Trong năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã giải quyết 1.311 đơn khiếu nại, trong đó chấp nhận lý do khiếu nại bảo hộ cho 937 đơn nhãn hiệu quốc gia, 67 đơn nhãn hiệu quốc tế.

Đăng ký càng sớm càng tốt

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, Công ty Vision & Associates, cho biết vì tính chất lãnh thổ của quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng nên tốt nhất khi bán hàng ra nước ngoài DN cần xác định thị trường trọng điểm. Song song đó cần tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt.

“Tốt nhất DN có được đăng ký nhãn hiệu trước khi hàng hóa được xuất bán tại thị trường đó. Đồng thời DN cần đăng ký càng sớm càng tốt vì sẽ mất một khoảng thời gian cho việc đăng ký. Chẳng hạn, với Mỹ, Úc từ lúc nộp hồ sơ đăng ký đến khi được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu khoảng một năm. Tại Việt Nam thời gian dài hơn khoảng hai, ba năm”, luật sư Hà nói.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Minh Hương, Trưởng Văn phòng luật sư A Hòa, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, khuyến cáo việc đăng ký nhãn hiệu bắt buộc được DN lên kế hoạch và việc thực hiện thủ tục nộp đơn đăng ký cần cân nhắc trước khi kinh doanh. Mục đích là đảm bảo khi sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ khi cung ứng ra thị trường doanh nghiệp đã có trong tay chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài rất quan trọng. Vì vậy, các DN cần lưu ý, tránh rủi ro trong tranh chấp thương hiệu như những vụ việc đã xảy ra thời gian qua.

Bên cạnh đó, Nghị định 65/2023 vừa được Chính phủ ban hành với một số điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, phù hợp khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo VietNam Finance

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *