GD&TĐ – Đẩy mạnh hội nhập quốc tế cũng đồng nghĩa với nâng cao chất lượng giáo dục. Đa dạng về các loại hình trường lớp, chất lượng giáo dục – đào tạo ngày một tăng. Người học có xu hướng tìm đến những trường có thương hiệu giáo dục uy tín với cơ sở vật chất tốt. Xây dựng thương hiệu thế nào, trường công có cần làm thương hiệu không?
Giáo dục cũng cần có thương hiệu
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cho rằng: Cho đến nay, xã hội đã quá quen với việc các doanh nghiệp làm thương hiệu, còn nhà trường khái niệm này vẫn còn mới mẻ. Ở các trường ngoài công lập, việc xây dựng thương hiệu được chú trọng vì điều này đồng nghĩa với quảng bá hình ảnh và thu hút người học.
Nhưng với các trường công lập, khái niệm này dường như vẫn chưa được phổ biến nhất là ở các trường phổ thông. Nguyên nhân được cho là, các trường công, nhất là ở bậc học phổ thông tuyển sinh theo khu vực, điểm thi của học sinh. Trong khi chỗ học chưa thể đáp ứng được hết, việc xét tuyển vào trường ở một số nơi khá khó khăn nên không bị cạnh tranh khiến họ chưa nghĩ đến làm thương hiệu.
Việc trường tư làm thương hiệu đã rõ, có nhiều trường làm rất tốt thương hiệu và thực tế là một thương hiệu tốt có sức hút ghê gớm với người học. Ở bậc đại học có thể kể đến Trường ĐH như Duy Tân (Đà Nẵng), Thăng Long (Hà Nội), Công nghệ TPHCM… Còn bậc phổ thông, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội (Trường PTDL Lương Thế Vinh) là một trong những trường THPT dân lập đầu tiên ở Việt Nam gắn với tên tuổi của thầy Văn Như Cương.Tuy có sự khác biệt nhưng hai loại hình đều chung mục đích là sản phẩm hướng đến chất lượng. Chính vì thế, khi nền kinh tế thị trường mà giáo dục được coi là dịch vụ đặc biệt thì việc xây dựng thương hiệu ngày nay không chỉ dành cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mà cả lĩnh vực giáo dục cần coi trọng. Nhất là khi thị trường giáo dục Việt Nam đang rất đa dạng với nhiều loại hình trường học từ trường công lập đến dân lập, tư thục và các trường học có yếu tố nước ngoài.
Cho đến nay, Lương Thế Vinh là một trong những trường phổ thông chất lượng và danh tiếng nhất của Hà Nội. Còn trường công, có vẻ như vấn đề thương hiệu của nhà trường hay của các thầy cô giáo nhất là khối phổ thông phần nào chưa được đề cập nhiều, hoặc né tránh, vì người ta còn e ngại trường học được ví như doanh nghiệp, giáo dục bị coi là thương mại hóa.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, quan niệm này hoàn toàn sai. Nếu doanh nghiệp sản phẩm của họ là hàng hóa thì đối với nhà trường sản phẩm là học sinh, là con người. Chính sự khác biệt này mà giáo dục được coi là loại hình dịch vụ đặc biệt vì sản phẩm của nhà trường là con người.
Trường Đại học Trà Vinh làm thương hiệu bằng chính các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế |
Thương hiệu là chất lượng
Lý giải về việc cần xây dựng thương hiệu, ông Lương Ngọc Minh – Chủ tịch sáng lập của PT. Enspire, đang sở hữu hệ thống Trường Mầm non song ngữ Eduplay Garden, cho rằng: Cần phải thấy rằng, việc xây dựng thương hiệu giáo dục của các trường không phải là hoạt động thương mại, mà chính là cách đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Với các trường quốc tế, hoạt động này hết sức bình thường, đây là một trong những yêu cầu quản trị nhà trường và là cách làm hết sức chuyên nghiệp, để nâng cao uy tín, xây dựng hình ảnh nhà trường với phụ huynh và học sinh. Điều này hoàn toàn phù hợp hơn so với quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.
Nói như ông Lương Ngọc Minh, về mặt bản chất thì thương hiệu nhà trường và vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu là một trong những công việc không thể thiếu đối với các trường học. Thực tế đều minh chứng, nếu các trường công thường không có bộ phận truyền thông thì hầu hết trường tư có uy tín đến có bộ phận chuyên trách truyền thông và làm thương hiệu.
Bộ phận này sẽ chịu trách nhiệm thực hiện bài bản công tác quan hệ với công chúng và xây dựng thương hiệu. Ông Bùi Tuấn – Phó Trưởng Phòng quản trị thương hiệu, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Không chỉ làm thương hiệu chung cho ĐHQG Hà Nội, chúng tôi còn tư vấn và cùng phối hợp với bộ phận truyền thông và thương hiệu của các trường thành viên trong ĐHQG Hà Nội để cùng xây dựng thương hiệu tốt nhất.
Cũng có những phân tích đưa ra cho rằng, các trường công lập được ngân sách cấp kinh phí hoạt động nên việc coi trọng làm thương hiệu chưa nhiều. Nếu có chăng chủ yếu là ở các trường đại học lớn, tên tuổi cũng đồng nghĩa với thương hiệu. Giờ họ làm chỉ là để thúc đẩy liên kết hợp tác quốc tế và tăng tính cạnh tranh.
Còn với các trường tư thục, đặc biệt là trường quốc tế là do tự đầu tư nên trong bối cảnh cạnh tranh người học, họ buộc phải khẳng định được mình bằng thương hiệu.Thương hiệu chính là chất lượng, trường nào có chất lượng, có uy tín nói cách khác có thương hiệu tốt, chắc chắn trường đó được nhiều phụ huynh học sinh chấp nhận trả tiền cho con em vào học. Thế nên, mục tiêu chính của việc xây dựng thương hiệu giáo dục là cần làm của các nhà trường hướng đến nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người học và nhu cầu xã hội.
Nguồn: Báo Giáo Dục & Thời Đại