ShopeeFood gây tranh cãi khi bỏ quy định hạn chế tài xế làm việc cho đối thủ

Hợp đồng giữa ShopeeFood và các tài xế đã bỏ điều khoản hạn chế cạnh tranh trong đó không cho phép tài xế làm việc cùng lúc cho một ứng dụng đối thủ.

ShopeeFood, một trong những nền tảng dịch vụ giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á, mới đây đã điều chỉnh một quy định gây tranh cãi trong đó hạn chế các tài xế làm việc cho nền tảng đối thủ. Trước đó, quy định của ShopeeFood buộc các tài xế giao đồ ăn phải dùng một chiếc điện thoại khác nếu muốn đăng nhập vào một ứng dụng của đối thủ để kiếm thêm thu nhập, theo Rest of World.

Nội dung quy định được thay đổi vào ngày 27/3 sau khi Rest of World liên hệ với Sea, công ty mẹ của ShopeeFood, để tìm hiểu về vấn đề. Trong một thông báo gửi tới các tài xế ShopeeFood mà Rest of World có được. ShopeeFood nói rằng, “điều chỉnh này nhằm tạo điều kiện tích cực cho tài xế”.

shutterstock_2173715337-1600x900
(Ảnh: Shutterstock).

Các tài xế công nghệ trên toàn thế giới thường tìm kiếm việc làm qua lại giữa nhiều ứng dụng đối thủ để tối đa thu nhập. Dù vậy, ở Việt Nam, ít nhất ba nền tảng lớn từng hạn chế các tài xế làm điều này tuỳ từng thời điểm. Tài xế và các chuyên gia lao động nói với Rest of World rằng họ nhìn nhận điều này là thiếu công bằng.

Rest of World đã xem hợp đồng của ba tài xế ShopeeFood. Tất cả đều có điều khoản hạn chế cạnh tranh trong đó cấm tài xế làm việc cho các nền tảng đối thủ khi đang duy trì hợp đồng với ShopeeFood, nền tảng giao đồ ăn lớn thứ 2 Việt Nam với mạng lưới trên dưới 50.000 tài xế. Điều khoản trong hợp đồng cũng nói rằng tài xế không được gia nhập các nền tảng đối thủ trong 12 tháng sau khi hợp đồng với ShopeeFood chấm dứt hoặc kết thúc.

Hung, một tài xế giao hàng của ShopeeFood ở  Hà Nội, nói với Rest of World, rằng anh biết đến điều khoản của ShopeeFood và đã cài ứng dụng của đối thủ trên chiếc điện thoại thứ 2 của mình. Anh sẽ đăng nhập vào các ứng dụng khác mỗi khi bị ShopeeFood hạn chế. Bằng cách này, anh có thể đảm bảo nguồn thu nhập ổn định trong khi đợi tài khoản ShopeeFood của mình được khôi phục.

“Tôi phải mua 2 điện thoại. Nếu họ phát hiện một ứng dụng đối thủ, tôi sẽ bị cấm vĩnh viễn”, anh chia sẻ.

Ứng dụng Baemin cũng có các điều khoản hạn chế cạnh tranh. Trong khi đó, bộ quy tắc của Grab cũng được cho là có nhiều nội dung hạn chế tài xế làm việc hoặc quảng bá cho các nền tảng khác, theo Do Hai Ha, người đang làm việc cho một dự án nghiên cứu tại Viện Internet Oxford.

Screenshot 2024-03-29 at 05.59.36
(Ảnh chụp màn hình, nguồn: Rest of World).

Quy tắc ứng xử của Grab cấm tài xế mặc đồng phục Grab để đón khách bên ngoài ứng dụng. Nó cũng nói rằng “các tài xế đồng ý không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào… gây gián đoạn hoạt động của Grab hoặc âm mưu với các tài xế khác hoặc bên thứ ba với ý định thực hiện các hành vi nói trên”. Bà Ha nhận định các điều khoản này hạn chế khả năng làm việc cho các đối thủ của tài xế.

“Từ góc nhìn của các nền tảng, họ đầu tư cho các tài xế đến mức độ họ kỳ vọng sẽ được sử dụng lao động độc quyền”, bà Ha nói. Về phía người lao động, “điều khoản hạn chế cạnh tranh chỉ hợp lý khi các nền tảng đảm bảo thu nhập hợp lý cho tài xế, nếu không mọi thứ sẽ trở nên bất hợp lý”.

Nam từng là một tài xé của Grab ở TP.HCM trong 2 năm cho tới khi ứng dụng này cấm anh vĩnh viễn vào năm 2019. Nam tin rằng anh bị cấm vì đã cài ứng dụng Gojek trên điện thoại.

“Tôi cài gì họ cũng biết”, Nam nói. Anh chia sẻ rằng mình biết Grab cấm tài xế làm việc cho các ứng dụng đối thủ nhưng không nghĩ họ sẽ thực hiện quy định này.

“Tôi nghĩ họ chỉ cấm tôi vài ngày thay vì cấm vĩnh viễn”, Nam hiện tại đang là tài xế cho ứng dụng Be.

Trong các nhóm Facebook của tài xế ShopeeFood hay Grab, nhiều người cũng cảnh báo những người muốn cài nhiều ứng dụng nên dùng 2 điện thoại để tránh bị phát hiện. Nhiều tài xế đăng ảnh chụp màn hình cho thấy ứng dụng Grab yêu cầu được cấp quyền xem các ứng dụng được cài trên điện thoại để “phòng tránh lừa đảo”. Rest of World chưa kiểm tra một cách độc lập sự xác thực của các ảnh chụp màn hình này.

Dù vậy, theo điều khoản trên Google Play, cả Grab Driver và ShopeeFood Driver đều thu nhập hành vi sử dụng ứng dụng của người dùng, trong đó có cả các ứng dụng mà họ cài đặt. Ở trường hợp của ShopeeFood, đây là điều kiện bắt buộc và được dùng trong “tính năng của ứng dụng”. Với Grab, đây là điều kiện tuỳ chọn và được ứng dụng này dùng để “hạn chế lừa đảo, bảo mật và tuân thủ”.

Trong hợp đồng cập nhật của ShopeeFood, điều khoản phi cạnh tranh được thay thế bằng các quy định mới. Hợp đồng yêu cầu tài xế tuân thủ theo bộ quy tắc ứng xử. Dù vậy, hiện chưa rõ bộ quy tắc này được áp dụng như thế nào.

Le, một tài xế ShopeeFood tại thành phố Biên Hoà, nói với Rest of World rằng anh đang cân nhắc sẽ đăng ký thêm Grab. Chính sách thay đổi đang khiến anh bớt lo lắng khi cài đặt nhiều hơn 1 ứng dụng. “Nếu họ cho phép, tôi sẽ làm việc cho 2 ứng dụng”, anh chia sẻ.

Nguồn: tiepthigiadinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *