Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng buộc phải tuân thủ luật pháp nước sở tại. Nhiều nước đã cấm một số nền tảng xã hội nếu vi phạm pháp luật.
Nền tảng xã hội xuyên biên giới hoạt động trên mạng Internet được sử dụng bởi người dùng từ nhiều quốc gia. Các nền tảng này cung cấp cho người dùng các tính năng như chia sẻ thông tin, kết bạn, trò chuyện và tham gia các cộng đồng trực tuyến.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện TikTok ở Việt Nam và xử lý nghiêm sai phạm. Đây là động thái mới nhất từ phía cơ quan quản lý nhà nước đối với tình trạng vi phạm trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới diễn ra trong thời gian vừa qua. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, có 6 vi phạm của Tiktok, cũng như các vi phạm của Facebook Reels và Youtube Shorts.
6 vi phạm về nội dung trên mạng xã hội
+ Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại gây nguy hiểm với trẻ em
+ Sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view.
+ Không quản lý các thần tượng TikTok sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, thậm chí tạo trend.
+ Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái
+ Không có biện pháp kiểm soát các nội dung vi phạm bản quyền
+ Để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả
TikTok là một nền tảng xã hội xuyên biên giới được hàng tỷ người trên thế giới sử dụng trong đó có hàng chục triệu người Việt Nam sử dụng, để chia sẻ và xem video được ra mắt vào năm 2017 bởi ByteDance – là một công ty công nghệ đa quốc gia có trụ sở chính tại Bắc Kinh. TikTok còn được sử dụng để tạo các video và các video lặp lại ngắn, đồng thời là mạng xã hội lớn thứ sáu hiện nay trên thế giới.
Kiên quyết xử lý các vi phạm trên mạng xã hội
Việc TikTok không thể kiểm soát độ tuổi người sử dụng, cũng như kiểm duyệt nội dung đang là một vấn đề nghiêm trọng có ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, đặc biệt là giới trẻ.
Có lẽ nhiều độc giả còn nhớ hình ảnh một phụ nữ ngồi trên băng chuyền hành lý tại sân bay, hay trào lưu “săn mây” trên máy bay của một số TikToker, đã tạo ra trào lưu gây mất an ninh, an toàn hàng không. Đó chỉ là một vài hành động của những người muốn nổi tiếng trên mạng xã hội này, nhưng nguy hiểm hơn, do TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em, các hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…
Theo đánh giá, với lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi ngày trên các nền tảng MXH như TikTok như hiện nay, nếu các MXH đối phó, không hợp tác chủ động chặn lọc triệt để bằng các thuật toán thì việc chặn gỡ nội dung vi phạm sẽ kém hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, hiện nay trong các quy định của pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ các quy định cũng như quy trình thủ tục để thực hiện các biện pháp an ninh mạng. Bao gồm cả không giới hạn cái việc chặn các ứng dụng mà vi phạm pháp luật. Nên việc đó là việc sẽ phải làm với đầy đủ các quy trình thủ tục. Những cái cuộc kiểm tra tới đây như đã nói sẽ góp phần củng cố việc đó.
“Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, trong đó có việc đánh giá về tác động, ảnh hưởng đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Thông điệp được đưa ra Đó là Tất cả các nền tảng xuyên biên giới, không tuân thủ pháp luật sẽ không được chào đón, tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh.
Hiện nay, Singapore và Trung Quốc đang buộc Tiktok sử dụng nền tảng không cho trẻ em dưới 13 tuổi đăng ký sử dụng. Cách đây mấy hôm, cơ quan quản lý dữ liệu của Anh vừa phạt TikTok 12,7 triệu bảng Anh (hơn 370 tỉ đồng) vì để hơn 1,4 triệu trẻ em dưới 13 tuổi ở nước này dùng ứng dụng mà không có sự đồng ý của người lớn.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 23/3 vừa qua, Giám đốc điều hành Shou Zi Chew của TikTok đã thừa nhận không cho con ông này dưới 13 tuổi sử dụng ứng dụng này.
Ảnh minh hoạ
Năm 2021, sau nhiều năm xây dựng, Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nhằm siết lại hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như Google, Facebook, Youtube. Theo đó các nền tảng này buộc phải gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo vi phạm của Bộ Thông tin – Truyền thông. Kết quả của Nghị định này khá tích cực, hiện FB đang hợp tác chặt chẽ với Bộ TT&TT để gỡ bỏ các nội dung không phù hợp. Ở nhiều nước, do sức ép từ Chính phủ các nền tảng như YouTube, Facebook đã chủ động gỡ bỏ nhiều nội dung phản văn hóa và ra mắt công cụ bảo vệ trẻ em khỏi thông tin xấu độc.
Các nước mạnh tay quản lý thông tin xấu độc
Châu Âu hiện đang là một trong những khu vực quản lý hoạt động của các nền tảng mạng xã hội chặt chẽ và nghiêm khắc nhất với những tiêu chuẩn chặt chẽ về pháp lý, tài chính buộc các tập đoàn công nghệ lớn phải tuân thủ. Tháng 4 năm ngoái, Luật dịch vụ kỹ thuật số được Liên minh châu Âu thông qua, yêu cầu các tập đoàn và các nền tảng công nghệ lớn như Tiktok, Facebook, Twitter phải tăng cường hành động và chịu trách nhiệm pháp lý nhiều hơn trong việc đấu tranh chống lại các thông tin có nội dung xấu, độc. Nếu vi phạm các qui định của khối họ có thể phải chịu mức phạt lên 6% doanh thu hàng năm toàn cầu của mình. Chẳng hạn như với Meta, công ty mẹ của Facebook, điều đó có thể đồng nghĩa với mức phạt lên tới 7 tỷ USD dựa trên số liệu doanh thu năm 2021.
Tại khu vực châu Á, Singapore là một trong những quốc gia quyết liệt trong việc sử dụng pháp lý một cách mạnh mẽ để tuyên chiến với thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Theo luật tăng cường an toàn trực tuyến, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu cho các nền tảng mạng xã hội phải xóa bỏ những nội dung xấu độc. Nếu sau khi được yêu cầu, các mạng xã hội này từ chối gỡ bỏ thì nước này có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet chặn quyền truy cập của người dùng ở Singapore đối với các mạng xã hội này. Ngoài ra, họ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore, khoảng 715 nghìn USD.
Ấn Độ là một trong những quốc gia mạnh tay nhất đối với các nền tảng mạng xã hội nhằm phòng tránh các tổn hại đến người dùng. Không chỉ ban hành những quyết sách nghiêm ngặt nhằm quản lý việc chia sẻ thông tin xấu độc, giới chức quốc gia này sẵn sàng đóng cửa với hàng trăm nền tảng mạng xã hội, bất kể nguồn lợi nhuận mang lại là bao nhiêu. Năm 2021, nước này đã đưa ra các quy định về thắt chặt quản lý nội dung kỹ thuật số trên các mạng xã hội nhằm ngăn chặn việc phát tán thông tin xấu, độc. Cụ thể, các mạng xã hội buộc phải gỡ xuống những nội dung xấu độc trong vòng 24 giờ kể từ khi có khiếu nại.
Các nền tảng mạng xã hội đang cho nhiều người không gian để giải trí. Không thể phủ nhận những video ngắn, dễ xem, dễ nhớ về phòng chống dịch COVID-19 được lan tỏa qua các nền tảng xã hội, nhất là các thông điệp tích cực, đã tác động nhanh đến cộng đồng trong thời gian diễn ra đại dịch.
Nhưng giờ đây xu hướng và hành vi người dùng, cũng như việc các nền tảng xã hội sử dụng công nghệ để tối đa hóa người dùng và tối đa hóa lợi nhuận đã buộc chính phủ nhiều nước, trong đó có Việt Nam phải có hành động chấn chỉnh kịp thời. Đó là chưa kể các lý do khác liên quan đến an ninh.
Ở Việt Nam, cách đây mấy năm, mạng xã hội đã bị một số thế lực xấu sử dụng để thông tin lệch lạc, dẫn dắt dư luận và kích động một số nhóm người vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước khi Quốc hội thảo luận dự thảo Luật đặc khu. Vì thế, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới khi hoạt động ở Việt Nam, thì buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế và nội dung quảng cáo. Việc quản lý chặt chẽ các nền tảng mạng xã hội theo đúng pháp luật là việc phải làm trước khi các nền tảng này gây ra các hậu quả nghiêm trọng hơn nữa.
Ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra quan điểm để làm rõ hơn về vấn đề này.
Theo: vtv.vn