Với mẫu mã bắt mắt, ngày càng nhiều thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử với lầm tưởng đây là một giải pháp thay thế cho thuốc lá truyền thống để bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, số lượng người trẻ sử dụng thuốc lá điện tử cũng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực giảm sử dụng thuốc lá ở nước ta.
Chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc lá điện tử” trên Google là có thể nhận về hàng chục triệu kết quả. Tại các nền tảng mạng xã hội mà giới trẻ hay sử dụng, như TikTok, Facebook, Zalo, việc quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gần như tự do và ít bị kiểm soát. Tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, một số group chuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thuốc lá thế hệ mới có tới hàng chục nghìn thành viên, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ.
Bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Phó trưởng ban Kiểm soát Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nhận định: Các sản phẩm thuốc lá mới làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu ở giới trẻ, cản trở nỗ lực giảm sử dụng thuốc lá. Bởi, các sản phẩm này tiếp cận chủ yếu đến người trẻ, chưa sử dụng thuốc lá bao giờ. Hình thức, dòng sản phẩm tiếp cận đối tượng tiềm năng, đối tượng mục tiêu của ngành công nghiệp thuốc lá là trẻ em. Vì thế, làm tăng tỷ lệ sử dụng.
Thực tế, hiện nay trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, đóng gói như sữa, kẹo, thỏi son…, nhiều hương vị có thể gây nghiện và giá rẻ. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên, giảm độ tuổi bắt đầu hút, tăng tỷ lệ nữ hút thuốc lá tại Việt Nam, “nữ hóa” việc hút thuốc lá đây là một nguy cơ rất lớn.
Theo bà Trang, có 3 ngộ nhận về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng bao gồm an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống, giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống; là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút thuốc nhằm mục tiêu bỏ thuốc và không nhắm tới giới trẻ.
Tất cả các ngộ nhận này đều là sai lầm. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường mà thị trường đang sử dụng, đang chấp nhận được kinh doanh và sử dụng hiện nay. Thậm chí, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị, tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng và không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường.
Cũng theo bà Trang, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường. “Thuốc lá điện tử cũng giống như thuốc lá điếu thông thường, sử dụng nhiều, thường xuyên sẽ mắc các bệnh mãn tính. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn có nhiều tác hại cấp tính với sức khỏe, có thể gây tử vong. Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử đã được ghi nhận rất nhiều, đặc biệt ở Mỹ” – bà Trang khẳng định.
Trao đổi về quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế, bà Trang cho hay, nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam là “Không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe”.
“Từ năm 2020-2022 Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công vấn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, kiến nghị Bộ Công thương không đề xuất thí điểm kinh doanh thuốc lá mới. Quan điểm của Bộ Y tế là không cần thiết và không nên ban hành chính sách thí điểm đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bởi, đây là sản phẩm có hại chứ không có lợi ích cho Nhà nước, xã hội và người dân trong việc thí điểm” – bà Trang nêu quan điểm.
Bà Trần Thị Thu Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Phó trưởng ban Kiểm soát Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đề xuất, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới và ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá mới tại Việt Nam, chú trọng đến trẻ em, với sự phối hợp liên ngành. Tăng cường và nỗ lực hơn trong phòng, chống buôn lậu thuốc lá mới, kinh doanh quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng. Cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha). Đề xuất Quốc hội ban hành Luật, Nghị quyết về chính sách cấm thuốc lá mới.
Theo Đại Đoàn Kết