Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra tại phiên chất vấn tại Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nêu câu hỏi, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền thông chính sách, nhưng cơ chế đặt hàng đang gặp khó do các thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Khi nào hoàn thành sửa các quy định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với các cơ quan báo chí và có giải pháp căn cơ, lâu dài gì để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin”, đại biểu Nghĩa đặt vấn đề.
Trả lời đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết báo chí trước kia “có nguồn thu gần như 100% dựa trên quảng cáo cho nên không quan tâm nhiều đến chuyện đặt hàng”. Đến nay, truyền thông xã hội, các mạng xã hội lấy đi “70% nguồn thu của báo chí từ quảng cáo, chỉ còn 30%” nên các cơ quan báo chí mới thấy vấn đề đặt hàng là quan trọng.
Tuy vậy, việc tiến hành đặt hàng truyền thông gặp vướng ở 3 thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng Hùng thẳng thắn: “Chúng tôi đã nhận ra vấn đề là ban hành thông tư, nhưng vào thực tế lại khó thực hiện”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay sẽ sửa 3 thông tư này trong quý I/2024; ban hành hướng dẫn để các cơ quan báo chí chủ động thực hiện việc định mức kinh tế kỹ thuật. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp Bộ Tài chính sửa quy định liên quan ban hành giá theo hướng giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa.
Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng Hùng cho rằng: “Phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của báo chí, thay vì chỉ dựa trên quảng cáo thì phải thêm phần đặt hàng của cơ quan chủ quản, bởi cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản nên chủ quản phải có trách nhiệm, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động”.
Bộ trưởng Hùng nêu thêm 2 giải pháp, đầu tiên là “phát triển các sản phẩm chất lượng cao, mang tính phân tích, có thu phí”. Tiếp theo, ông cho hay: “Mạng xã hội thu đến 70% quảng cáo nhưng dùng nhiều sản phẩm của báo chí, vi phạm bản quyền báo chí nên trong sửa đổi thể chế sắp tới, Bộ có đưa vào quy định là mạng xã hội khi dùng sản phẩm báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí”.
Cũng trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu các biện pháp về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ông cho hay trong lĩnh vực này “chúng ta có bước tiến lớn so với các nước khác”.
“Năm 2018, tỷ lệ tháo gỡ thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới chỉ đạt 10% – 20%, nhưng đến năm 2023, nâng lên 90% – 95%. Năm 2018, tỷ lệ thông tin xấu độc về các lãnh đạo chủ chốt có lúc tới 70%, còn giờ xung quanh 1%”.
Về các thông tin xấu độc liên quan người dân, Bộ trưởng Hùng cho hay các mạng xã hội sẽ phải tự rà quét, tháo gỡ và “bất kỳ mạng xã hội nào hoạt động ở Việt Nam phải có cơ chế nhận phản ánh của người dân, chính quyền các cấp để thực hiện tháo gỡ”, ông Hùng khẳng định.
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc mức quốc gia và sắp tới sẽ ban hành quy định các địa phương có trung tâm này để hỗ trợ người dân. Khi đó, các địa phương chủ động tháo gỡ tin xấu độc, nếu gặp khó sẽ đề xuất để Bộ hỗ trợ.
Theo VietNam Finance