VTV.vn – Trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh đã diễn ra tọa đàm “Ngoại giao Văn hóa qua Điện ảnh – Điện ảnh hỗ trợ quảng bá thương hiệu quốc gia”.
Tham gia buổi tọa đàm có Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper, bà Emmanuelle Pavillon – Grosser -Tổng lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh, ông Kim Donghyun – Đại diện Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và diễn viên Đỗ Hải Yến.
Điện ảnh không chỉ là một nền công nghiệp mang lại việc làm, doanh thu, lợi nhuận và thuế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, phát triển du lịch, công nghiệp. Các khách mời đã chia sẻ kinh nghiệm của những quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Pháp, Mỹ và Hàn Quốc đồng thời đưa ra những sáng kiến giúp điện ảnh Việt Nam có thể phát huy vai trò quảng bá thương hiệu quốc gia nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper chia sẻ tại tọa đàm
Theo GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông, điện ảnh có sứ mệnh tiên phong trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. “Bộ phim Đông Dương đã giúp thế giới biết về vẻ đẹp kiều diễm của Vịnh Hạ Long. Phim Người Mỹ thầm lặng đã nhắc đến vẻ đẹp xưa của Sài Gòn. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh giúp Phú Yên đón nhiều khách du lịch. Những bộ phim lấy bối cảnh về hang động, sông núi hữu tình ở Quảng Bình, Ninh Bình… đều có sức hút mạnh mẽ”, ông dẫn chứng.
Việt Nam có bề dày văn hóa lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh trải dài khắp đất nước nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài. Việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa khai thác được hết hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Tổng lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon – Grosser (áo hồng) lắng nghe chia sẻ của đại diện TP Hồ Chí Minh
Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper cho rằng, Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp, chính phủ cần có những chính sách, chiến lược để biến phim ảnh trở thành kênh hiệu quả để quảng bá thiên nhiên, thắng cảnh, văn hóa, ẩm thực con người Việt Nam ra thế giới. “Hàn Quốc hiện nay có thể truyền thông điệp đến khán giả toàn cầu theo cách mà họ muốn. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển thì cần phải tìm hiểu xem thế giới đang cần gì. Việt Nam có thể quan sát những quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Mỹ để học hỏi”, Đại sứ Marc E. Knapper gợi ý.
Từ cách làm của điện ảnh Pháp, bà Emmanuelle Pavillon – Grosser khuyên Việt Nam nên có một ủy ban về điện ảnh, xem đây là cơ quan hỗ trợ giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến điện ảnh. Ủy ban cũng sẽ cung cấp các cơ sở dữ liệu về hình ảnh, clip, thông tin về các bối cảnh cũng như phong tục tập quán, sản phẩm văn hóa hấp dẫn của từng địa phương để các nhà sản xuất có thể tham khảo và khai thác. “Cần có một quỹ tài chính, nguồn lực dành riêng để hỗ trợ cho các đoàn phim khi quay ở các địa điểm trong thành phố. Ví dụ ở Pháp, chúng tôi cũng có những quỹ riêng để hỗ trợ cho các đoàn phim khi quay ở Paris”, bà lưu ý.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức tặng hoa cho các khách mời
Ông Kim Donghyun nhận định, cần có những chính sách hỗ trợ, đào tạo những bạn trẻ trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Việt Nam cần những câu chuyện hay mang đậm văn hóa bản địa để đưa ra thế giới. Ông Kim Donghyun cũng khuyên Việt Nam nên tham gia các LHP quốc tế nhiều hơn để giới thiệu, quảng bá các bộ phim của mình.
Nguồn: Báo vtv.online