Khám phá sự diệu kỳ của việc ứng dụng Animation sản xuất phim hoạt hình cùng Giám đốc Plus Studio

“Ngành 3D nói chung và Animation nói riêng còn khá bỏ ngỏ và cần nhiều nhân sự” là lời nhận định của anh Vũ Duy Nam – Giám đốc Plus Studio tại buổi Zoom Talk “Ứng dụng Animation sản xuất phim hoạt hình”, diễn ra vào 09h00 sáng ngày 13/11/2021 vừa qua.

ứng dụng Animation sản xuất phim hoạt hình
Là một trong những sự kiện thuộc chuỗi dự án “NÓI NHỎ NÓI TO – nhỏ to cùng chia sẻ”, Zoom Talk “Ứng dụng Animation sản xuất phim hoạt hình”  đã mang đến thật nhiều kiến thức và góc nhìn mới lạ về Animation cũng như là thị trường 3D tại Việt Nam.
Diễn giả của buổi talk là anh Vũ Duy Nam - cựu sinh viên FPT Arena năm 2008 và đồng thời là cựu giảng viên kỳ Graphic Design và Web Design tại FPT Arena. Anh Nam hiện đang là Giám đốc tại Plus Studio chuyên sản xuất phim hoạt hình 3D.
Diễn giả của buổi talk là anh Vũ Duy Nam – cựu sinh viên FPT Arena năm 2008 và đồng thời là cựu giảng viên kỳ Graphic Design và Web Design tại FPT Arena. Anh Nam hiện đang là Giám đốc tại Plus Studio chuyên sản xuất phim hoạt hình 3D.

Sự diệu kỳ của việc ứng dụng Animation trong sản xuất phim hoạt hình

Trước khi bắt đầu buổi chia sẻ, anh Vũ Duy Nam đã mang đến một ‘bữa tiệc thị giác’ tổng hợp những sản phẩm và quá trình thực hiện những bộ phim hoạt hình 3D mà Plus Studio đã thực hiện trong năm 2021, khiến ai nấy cũng đều phải trầm trồ, thích thú và không thể rời mắt khỏi màn hình.

ứng dụng Animation sản xuất phim hoạt hình

Từ đó, anh Nam dần dẫn các bạn tham dự tiếp cận với những kiến thức căn bản về Animation. Animation được chia thành nhiều nhánh nhưng có 3 nhánh chính đang phổ biến trên thị trường và cơ hội nghề nghiệp khá nhiều, đó là: Animated film (phim hoạt hình), Video game, Motion graphic. Kỹ thuật Animation của 3 hình thức này sẽ khác nhau nhưng chúng đều có một điểm chung ở 12 nguyên tắc Animation.

Những ví dụ thực tế về 3 hình thức: Animated film (phim hoạt hình), Video game, Motion graphic cũng được anh Nam show ra để các bạn tham dự Zoom Talk có thể hiểu một cách trực quan nhất.
Game Animation và Movie Animation là 2 hình thức phổ biến ứng dụng công nghệ Animation và chúng có 8 điều khác nhau cơ bản. Từ những phân tích dựa trên 8 điều cơ bản này, các bạn trẻ sẽ có định hướng để chọn ra hướng đi trong Animation phù hợp nhất với mình.

Quy trình sản xuất film hoạt hình 3D gồm những bước nào? Trả lời câu hỏi này, anh Nam nhận định rằng: “Mỗi một công ty sẽ có quy trình làm việc khác nhau dựa trên khối lượng sản phẩm, khối lượng công việc. Còn tại Plus Studio, quy trình sản xuất film hoạt hình 3D gồm 3 giai đoạn chính: Tiền kỳ, Sản xuất, Hậu kỳ”.

Tiền kỳ (Pre-production) đây là khâu cực kỳ quan trọng, quyết định toàn bộ nội dung và định hướng của phim. Các công việc chính cần thực hiện trong giai đoạn này là: Brainstorming (hội ý, thảo luận để tìm ra ý tưởng lớn cho phim); Scripting (viết kịch bản: outline và kịch bản phân cảnh); Concept Art (định hình nhân vật, bối cảnh trong phim); Storyboarding (vẽ kịch bản phân cảnh); Pre-visualization (thiết lập chuỗi hình ảnh, nhịp phim).
Sản xuất (Production) gồm các công việc: Layout (bố cục, khung hình); Modeling…  và Animation chỉ là một khâu nhỏ nằm trong bước sản xuất phim hoạt hình. Để sản xuất một bộ phim hoạt hình cần rất nhiều con người, rất nhiều bộ phận phối hợp với nhau.
Hậu kỳ (Post-production) gồm: Composting, Sound editing, Video editing. Mỗi công việc trong giai đoạn này là một nghề mà các bạn trẻ có thể theo đuổi.

Một kiến thức mà bất kỳ bạn trẻ nào muốn theo đuổi 3D cũng cần phải nắm vững đó chính là: 12 nguyên tắc chuyển động cơ bản. Đây được coi là kiến thức nền vững chắc và sẽ bổ trợ cho các bạn rất nhiều dù làm Animation cho game hay cho phim. Hãy học và luyện tập thật nhiều để thành thạo 12 nguyên tắc chuyển động này nhé!

Bên cạnh đó, những công nghệ đang được thế giới sử dụng trong sản xuất phim hoạt hình 3D, giúp nâng cao năng suất và chất lượng như: Motion Capture và Unreal Engine cũng được anh Nam giới thiệu nhanh qua những video ngắn. Qua đây chúng ta đã thấy sự ưu việt của việc sử dụng công nghệ trong sản xuất phim hoạt hình. Và xu hướng làm phim hoạt hình 3D trong tương lai sẽ là sử dụng render realtime ứng dụng công nghệ Unreal Engine.

Nghề Animation có tương lai không?

Animation là một phần trong điện ảnh mà bản chất ngành làm phim hoạt hình ở Việt Nam đang bắt đầu hình thành khoảng 4 – 5 năm nay và đang khá phát triển. Hiện tại, cả 3 lĩnh vực Animated film (phim hoạt hình), Video game, Motion graphic khá hot và rất nhiều công ty đang tìm kiếm nhân sự.

Dưới góc nhìn của người làm nghề nhiều năm nay, anh Nam nhận định rằng: “Hiện nay, Graphic Design hay UI/UX khá phổ biến và dễ kiếm việc. Tuy nhiên, vì phổ biến nên sự cạnh tranh cũng khá lớn. Để có một vị trí và mức thu nhập tốt thì bản thân Designer phải thực sự xuất sắc. Còn đối với 3D nói chung và 3D Animation nói riêng thì không những cơ hội nghề nghiệp đang khá nhiều mà dải lương dành cho các vị trí này cũng khá cao. Điểm đặc thù của 3D đó là cần kỹ thuật vì vậy, khi bạn chăm chỉ, làm nhiều, luyện tập nhiều thì sẽ lên tay và từ đó cơ hội nghề nghiệp cũng sẽ rộng mở hơn”.

Anh Nam cũng cho biết thêm: “Sắp tới, 3D sẽ được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid thì các hoạt động quảng cáo, thương mại điện tử… phải chuyển sang hình thức digital marketing để viral trên các trang mạng xã hội. Minh chứng là xuất hiện xu hướng idol ảo trên social media, đặc biệt xuất hiện nhiều trên Tiktok. Ngoài ra, 3D Animation không chỉ ứng dụng trong các hoạt động quảng cáo, game mà còn ứng dụng trong cả lĩnh vực điện ảnh. Đây cũng là cơ hội, là thị trường công việc, thị trường nghề nghiệp cho chúng ta”. 

Qua những chia sẻ của anh Vũ Duy Nam về ứng dụng Animation trong sản xuất phim hoạt hình, tất cả các bạn tham dự Zoom Talk đã có cho mình câu trả lời về tiềm năng phát triển, cơ hội nghề nghiệp của ngành 3D tại Việt Nam và dần hình thành hướng đi cho mình để từ đó trang bị những kỹ năng sao cho phù hợp.

Q&A về Animation

Cuối buổi talk là phần hỏi-đáp giữa diễn giả và tất cả các bạn tham dự Zoom Talk. Câu hỏi đầu tiên cũng là thắc mắc chung của rất nhiều bạn trẻ đó là: “Em không học chuyên vẽ có làm được Animation không?” 

Anh Nam trả lời: “Animation được chia thành 2D, 3D và Motion Graphic. Nếu học về 2D Animation thì bạn phải vẽ tay được, còn với 3D Animation thì 3D không phải là vấn đề chính mà chủ yếu sẽ là: phần mềm, chuyển động, keyframe…”

Buổi talkshow lần này là sự giao thoa của nhiều thế hệ trong nghề Animation, có những bạn là sinh viên đang học graphic design, có bạn đã bước đến kỳ học làm phim hoạt hình, có cả những bạn đang làm việc trong ngành, vừa muốn mở rộng hiểu biết của mình về ngành, vừa để củng cố niềm tin và con đường mình chọn.

Tiếp theo là câu hỏi của bạn Trần Tuấn: “Em hiện đang làm tại cty chuyên về diễn hoạt 2D Animation, vậy cho em hỏi là phần mềm Moho có phải là top phần mềm chuyên về 2D animation không? và Moho ngoài chuyên về 2D animation thì Moho còn được dùng vào lĩnh vực nào khác?”

“Moho đúng là một trong những top phần mềm chuyên về 2D Animation. Tuy nhiên, đừng quá quan tâm đến phần mềm mà kiến thức và kỹ năng mới là phần chúng ta nên quan tâm chính” – Anh Nam chia sẻ.

Một lời khuyên mà anh Nam dành cho các bạn đang theo học tại FPT Arena đó là nên học hết, học đủ 4 kỳ, sau đó mới chọn nghề. Các bạn vẫn còn trẻ, còn cả tương lai và quãng đường phía trước thì nên học đủ để biết rằng liệu ngành nào mới là ngành phù hợp, đừng quá sốt ruột trong việc kiếm tiền. Trong quá trình học, các bạn vẫn có thể làm thêm các job freelance để nâng cao tay nghề và kiếm thêm thu nhập.

Những câu hỏi, thắc mắc liên tục được gửi về cho BTC đều được diễn giả giải đáp

Câu hỏi của bạn Duy Nghĩa: “Giữa maya và blender nên bắt đầu tìm hiểu phần mềm nào trước vậy anh?”. 

Theo anh Nam: “Nên bắt đầu từ phần mềm mà các giảng viên tại FPT Arena đang dạy. Khi đã thành thạo một phần mềm rồi thì việc làm quen với các phần mềm khác cũng sẽ nhanh và đơn giản hơn nhiều”.

Một câu hỏi khá hay về tương lai của ngành Animation sau đại dịch, theo anh Nam: “Sau đại dịch này thì hầu hết những hoạt động truyền thông quảng cáo offline sẽ phải chuyển sang các hoạt động digital marketing trên nền tảng online. Để đạt được hiệu quả thì chắc chắn sẽ cần hình ảnh, TVC ấn tượng và thu hút. Điều này sẽ mở ra thật nhiều cơ hội cho các bạn học về Multimedia và sẽ bùng nổ hơn nữa trong thời gian tới. Việc của các bạn là hãy học chắc kiến thức, vững kỹ năng để đón nhận sự bùng nổ này”.

Cho đi kiến thức và nhận lại những lời cảm ơn là món quà tinh thần quý giá mà BTC “NÓI NHỎ, NÓI TO – Nhỏ, to cùng chia sẻ” nhận được sau mỗi buổi Zoom Talk kết thúc. Bạn Hoàng Xuân Bách gửi gắm: “Cảm ơn anh Nam và các anh/chị về kiến thức hôm nay ạ”. Bạn Thảo Nguyễn chia sẻ: “Em cảm ơn anh Nam nhiều, những chia sẻ hôm nay của anh rất thú vị và bổ ích”. Còn đối với bạn Hoàng Khôi: “Buổi talk thật sự bổ ích với những người muốn bắt đầu tìm hiểu về Animation như em, cảm ơn anh Nam và BTC nhiều ạ. Hy vọng được trở thành một thành viên của Plus Studio trong tương lai ạ”.

Những lời cảm ơn, những trái tim của các bạn tham dự gửi về trên phần Zoom chat chính là động lực to lớn của BTC. Cảm ơn các bạn.

Vậy là một buổi Zoom Talk nữa đã khép lại và series “NÓI NHỎ, NÓI TO – Nhỏ, to cùng chia sẻ” cũng đang đi đến những hành trình cuối cùng. Các bạn hãy nhớ follow fanpage của FPT Arena Multimedia để không bị bỏ lỡ các kiến thức chất lượng từ người thật, việc thật, trải nghiệm thật như thế này nhé! Hẹn gặp lại tất cả các bạn.

Nguồn: arena.fpt.edu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *