Khám phá ngay những chia sẻ từ Dương Bảo Kim – Director/Producer Hwang Cho, team đứng sau Video Viral đình đám “Chị ong nâu thất tình” có rất nhiều sản phẩm khác cũng “chất lừ” không đụng hàng đã khiến những người tham gia cảm thấy hào hứng xen lẫn tò mò. Cùng FPT Arena Multimedia khám phá bí quyết nào sau những sự thành công ấy tại Zoom Talk “360 độ cho 1 video chất lượng” được tổ chức vào tối 05/11 nhé!
Zoom Talk diễn ra gần 3 giờ đồng hồ trở thành “vùng đất màu mỡ” cho những ai đam mê về sản xuất video, clip học hỏi và tiếp thu thêm kiến thức. Nội dung xuyên suốt của buổi talk đưa ra quy trình sản xuất 1 video, cách xây dựng kịch bản nội dung, các yếu tố tạo nên một video chất lượng và viral.
Diễn giả của Zoom Talk lần này là Dương Bảo Kim (Kim Dương) – Director/Producer tại Hwang Cho đồng thời cũng là cựu sinh viên của FPT Arena. Là chuyên gia sáng tạo có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực truyền thông, nhiếp ảnh và quay phim, Kim Dương luôn kết hợp giữa công nghệ và sự sáng tạo trong việc quay video.
“Đầu xuôi đuôi lọt”
Đối với ngành nghệ thuật nói riêng và những ngành khác nói chung, việc chuẩn bị từ A-Z chu đáo và chi tiết cho việc sản xuất một video là điều cần thiết. Để làm một video thuận lợi từ lúc bắt đầu đến lúc hoàn thiện, những người làm/người sản xuất cần phải lên một quy trình chỉn chu và cẩn thận, bất cứ công đoạn nào trong quá trình sản xuất video đều có thể ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm (video không tạo được sự viral, khách hàng feedback xấu…).
Để làm một video, quy trình sản xuất của nó gồm 4 bước cơ bản: Brief (tiếp nhận thông tin liên quan đến video), pre-production (tiền kỳ), production (sản xuất), post-production (hậu kỳ).
Trong bước Brief – “phát súng” đầu tiên cho việc thực hiện một video, nhà sản xuất cần nắm thông tin ngắn gọn về sản phẩm, khách hàng, dự án, tên công ty. Bên cạnh đó là lên nội dung video và ý tưởng để nắm bắt được sơ bộ yêu cầu của khách hàng về sản phẩm. Chú trọng đến các thông tin khác như có yêu cầu gì đặc biệt không, có KOLs không. Một điều nữa không thể thiếu chính là timeline sản xuất và mức budget sản xuất để sau cùng có thể sản xuất ra một sản phẩm tốt nhất, phù hợp với khách hàng ngay từ những shot đầu tiên.
Giai đoạn Pre-production, nhà sản xuất cần chuẩn bị mọi thứ và đưa ra quyết định cho ngày quay. Bao gồm việc xem xét đến budget – chính là việc “cân đo đong đếm” số tiền có trong khả năng chi trả trong quá trình sản xuất, phân chia kinh phí, chọn nhân sự, tuyển diễn viên, chọn tone màu, tone make, set background, bối cảnh… Nói tóm lại đây là một khâu quan trọng quyết định sự chỉn chu và thành công cho các bước tiếp theo. “Làm sản xuất nói chung cũng “nhàn” vì hay liên quan đến tiền, do đó, một cái đầu lạnh là thiết yếu” – là điều mà Kim Dương nhấn mạnh.
Bước thứ 3 chính là Production – giai đoạn sản xuất chính. Đây là giai đoạn thực hiện hóa tất cả những ý tưởng kịch bản có sẵn, giai đoạn quyết định chất lượng “đứa con tinh thần” của cả một ekip, do đó cần phải tập trung tối đa năng lượng và sức lực cho giai đoạn này. Đây có thể gọi là bước gian nan và khó khăn nhất, vì “biến” luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bước “chốt sổ” – giai đoạn cuối cùng của việc sản xuất video chính là post-production (hậu kỳ). Bước này bao gồm việc hoàn thiện video dựa trên kịch bản đã quay và source đã sẵn có. Ngoài ra còn có việc chỉnh sửa theo yêu cầu và feedback của khách.
Trong giai đoạn này, có bạn hỏi rằng nếu gặp trường hợp khách có yêu cầu khá “dị” và khá “rối” thì mình có thể xử lý theo hướng nào?. Kim Dương cũng đã khuyên bạn rằng nên giới hạn số lần feedback với khách hàng (thỏa thuận chỉ nhận deal sửa tối đa 3 lần), hay ngay từ đầu sẽ thống nhất với khách về yêu cầu cụ thể trong giai đoạn brief, để từ đó sau khi hoàn thiện mình sẽ có căn cứ để “feedback ngược” và có cơ hội thỏa mãn khách cao ngay trên set.
Video là phải kích thích cả nghe và nhìn!
Khởi động phần chia sẻ tiếp theo bằng một trò chơi trắc nghiệm trực tuyến với sự ganh đua hết sức gay cấn khi bảng xếp hạng liên tục thay đổi vị trí. Minigame là những câu hỏi liên quan tới việc sản xuất video, hầu hết các bạn tham gia đều trả lời nhanh và chính xác dù thời gian chơi rất ngắn.
Trong phần này, bạn Vũ Đức Lâm đến từ A1.2111M có đặt câu hỏi “Làm sao để viết được một kịch bản?”. Kim Dương cho biết “Nên viết theo cấu trúc 3 hồi – mở đầu, phát triển kết thúc. Xuyên suốt quá trình viết cần chú ý xác định xem nhân vật là ai, vấn đề là gì, cao trào xảy ra như thế nào, xử lý cao trào, kết thúc vấn đề. Và nếu bạn là sinh viên FPT Arena thì đến kỳ 3 các thầy cũng sẽ dạy nên các bạn cứ tìm hiểu trước để có nền và thỏa mãn đam mê nhé”.
Hay câu hỏi về “edit video cần bao nhiêu lâu?” – Kim Dương chia sẻ rằng “Tất nhiên điều đó còn tùy vào dạng video (video tiktok, video TVC…) và cả trình độ nữa. Vậy nên các bạn hãy cố gắng rèn luyện kỹ năng và thực hành nhiều để quen tay nhé”.
Tiền ít thì liệu có “make it high quality”?
Kinh phí – “budget” khi quay video là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng và luôn luôn được cân nhắc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra cho những team mới hay những dự án không có nhiều kinh phí là liệu ít tiền có thể quay được những video chất lượng hay không? Câu trả lời là hoàn toàn được.
Kim Dương cũng chỉ ra những yếu tố song hành và quyết định khi quay video với budget thấp – nhân sự chính là yếu tố quan trọng nhất. Chỉ cần nhân sự tâm huyết thì dù có low budget cũng có thể đảm bảo được chất lượng như high budget. Bên cạnh đó là thiết bị cũng là yếu tố cần đảm bảo đủ, tận dụng được trên những cái có sẵn nhưng cũng không nên để quá thiếu.
Bên cạnh đó âm thanh cũng là yếu tố quan trọng và cần được đảm bảo trong khi quay cũng như lên hình. Với bối cảnh thì nên sử dụng bối cảnh có sẵn không mất phí, tận dụng tối đa và cũng cần phải hợp với kịch bản (chung cư, không gian công cộng, công viên, quán cà phê…). Đó là những kinh nghiệp “xương máu” mà Kim Dương đã đúc kết được từ chính những dự án mà mình thực hiện.
Từ những trải nghiệm của Kim Dương mà những ai tham gia tại Zoom Talk cũng đều gửi đến người chia sẻ những câu hỏi mong được trả lời ngay. Có bạn có đặt câu hỏi rằng “Tại sao làn da của các diễn viên trên phim nhìn lại rất mịn và ảo ví dụ như bên Trung Quốc?”. Kim Dương trả lời rằng “Thực chất ánh sáng là yếu tố quan trọng đi kèm với tính chất da của diễn viên. Như họ trong quá trình quay họ tiến hành đánh sáng lớn, đánh sáng qua tản, bên cạnh đó là một phần do can thiệp của hậu kỳ. Ví dụ như phim của bên Hàn Quốc họ hay dùng đèn công suất lớn, do vậy làn da các diễn viên thường mịn và mướt”.
Còn bạn Vũ Trương có hỏi rằng “Quay xong Video, bộ phận nào sẽ kiểm tra video (Ví dụ: bối cảnh, lời thoại) có giống với kịch bản hay không?” và Kim Dương khẳng định “Trong từng shot quay director đã cần xem sửa và check kỹ càng, thậm chí là “bán” luôn cho khách ngay khi vừa quay xong nếu shot ổn. Và hơn hết, giai đoạn tiền kỳ cần phải có sự thống nhất và duyệt qua yêu cầu trước với khách hàng để tạo được sự đồng thuận cao.”
Hoặc là câu hỏi “Làm thế nào để có góc quay chuẩn?”. Câu trả lời ở đây là “tùy vào ý đồ của đạo diễn. Ví dụ như phim Ròm góc quay hơi nghiêng. Chính vì vậy người quay nên xem phim nhiều để học cách chọn góc quay cho đẹp khi có ý định thực hiện bất cứ một video nào”.
Hay là “Làm thế nào để vượt qua cảm xúc tiêu cực khi đặt tâm huyết mà sản phẩm không được đón nhận?”. Một lời khuyên mà Kim Dương dành cho các bạn đó là “hãy kiên trì mỗi ngày bên cạnh việc xác định mục tiêu – target để làm động lực cố gắng hơn từng ngày cho bản thân. Ví dụ như Tiktok bạn nên up 2-5 video/ngày ở Tiktok để “có thể” mở ra cơ hội video được lên xu hướng, được nhiều người biết đến và quan tâm. Do vậy, cố gắng và kiên trì không ngừng là điều tối quan trọng”.
Sau Zoom Talk, bạn Đỗ Thùy Linh đến từ A1.2006E bày tỏ niềm vui: “Đây chính là một chủ đề mà em luôn cảm thấy hứng thú và mong muốn tìm hiểu từ lâu. Hôm nay diễn giả nói rất hay và chủ đề cũng vô cùng thú vị, em nhất định sẽ thật chăm chỉ tham gia các Zoom Talk lần sau ạ.”
Bạn Thiên Tài hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh có chia sẻ rằng: “Em thật sự cảm thấy thú vị về chủ đề của Zoom Talk. Người chia sẻ vô cùng thu hút và thú vị. Em rất mong chờ những Zoom Talk tiếp theo”.
Vậy là Zoom Talk “360 độ cho 1 video chất lượng” đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp. Lời cuối cùng diễn giả cũng như BTC gửi gắm tới các bạn rằng: Hãy là chính mình – Hãy xem nhiều, nghe nhiều, làm nhiều để theo đuổi đam mê của mình, bạn nhé!
Nguồn: arena.fpt.edu.vn