Doanh nghiệp càng đầu tư vào truyền thông thương hiệu sẽ thu hút được nhiều ứng viên tài năng, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí tuyển dụng
Thương hiệu tuyển dụng không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) thu hút và giữ chân những nhân sự xuất sắc, còn là yếu tố quan trọng quyết định uy tín, niềm tin từ phía khách hàng, đối tác và cộng đồng. Vì thế, các DN luôn nỗ lực xây dựng thương hiệu tuyển dụng chất lượng và hiệu quả để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.
Chiến lược dài hơi
Khi quyết định quay về Việt Nam làm việc, Lê Tấn Vũ (26 tuổi, du học sinh tại Úc) đã lên mạng xã hội (MXH) tìm hiểu về các thương hiệu tuyển dụng tại Việt Nam.
Tốt nghiệp ngành tài chính quốc tế, Vũ đã thực tập tại một ngân hàng (NH) lớn của Úc. Khi Techcombank sang Úc “chiêu mộ nhân tài”, Vũ đã đến tìm hiểu và nhanh chóng bị thuyết phục bởi cách họ xây dựng thương hiệu. “Tôi ấn tượng nhất là khả năng chuyển đổi số của NH này. Họ đã đi những bước mà các NH lớn của Úc đã làm và chứng minh hiệu quả. Đó chính là nền tảng để những nhân sự NH làm việc hiệu quả hơn trong môi trường số hóa. Tôi sẽ về Việt Nam giữa năm nay để làm việc cho nhà băng Việt Nam này” – Vũ cho biết.
Còn chị Lý Ngọc Thiên Hương (33 tuổi, TP HCM) thì việc chọn một DN có vốn đầu tư nước ngoài để làm việc không phải do thu nhập cao mà chị bị thu hút bởi cách DN chăm sóc sức khoẻ tinh thần người lao động (NLĐ). Chị Hương tốt nghiệp kỹ sư môi trường tại Thái Lan nhưng về Việt Nam làm việc cho 3 DN nội trước khi đầu quân cho một DN của Đức đầu tư tại Việt Nam. Là một người yêu thích các hoạt động bảo vệ môi trường nên chị chọn DN này.
“Mức lương cũng không chênh lệch nhiều nhưng cách quản lý nhân sự của DN đến từ châu Âu khá khác biệt. Tôi được chọn hình thức làm việc từ xa hoặc lên văn phòng tùy yêu cầu công việc. Tôi cũng được tạo điều kiện để di chuyển xanh, không sử dụng phương tiện gây ô nhiễm. Tất cả đều làm việc và sinh hoạt hướng tới bảo vệ môi trường” – chị Hương bày tỏ.
Bà Vũ Thị Xuân Thu, Trưởng Ban Nhân sự – Sun Group, cho biết quy trình tuyển dụng truyền thống không còn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Với Sun Group, tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân tài là chiến lược dài hơi, bài bản và bền vững. Thành quả đó thể hiện qua việc tập đoàn là thương hiệu tốp 50 Nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất với sinh viên Việt Nam năm 2023.
“Sun Group luôn quan tâm đặc biệt đối với nhóm lao động tương lai của Việt Nam. Đây là những nỗ lực xây dựng thương hiệu tuyển dụng “Người khai mở” suốt những năm qua. Chúng tôi đã định hình môi trường làm việc tốt tại Việt Nam và đã trở thành “thỏi nam châm” với đa thế hệ NLĐ, trao cơ hội cho lao động trẻ phát triển nhằm đào tạo lớp lãnh đạo, nguồn nhân lực kế cận” – bà Vũ cho hay.
Để người lao động tự hào
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Hà Nội của Adecco Việt Nam, cho biết hiện nhiều DN tuyển nhân sự vào được vài tháng lại ra đi. Quy trình tuyển dụng theo kiểu cũ đang bào mòn chi phí tuyển dụng và cả chi phí cơ hội của DN.
Thực tế những nhân sự giỏi, cao cấp luôn được săn đón nên rất khó tuyển nếu thương hiệu tuyển dụng của DN không đủ mạnh. Vì vậy, nếu muốn thu hút họ, DN cần có chiến lược tiếp thị để chứng minh công ty là nơi làm việc tự hào. “Để làm được điều đó, DN cần xây dựng văn hóa DN. Từ đó, NLĐ sẽ có tinh thần làm việc nhiệt huyết, nỗ lực vì môi trường làm việc cho phép họ phát triển bản thân thay vì cạnh tranh bằng chế độ phúc lợi. Mấu chốt của một thương hiệu tuyển dụng mạnh nằm ở chỗ tạo cho ứng viên cảm nhận được niềm tự hào đó” – bà Hà nói.
Bà Doãn Thị Đoan, nhà sáng lập CareerLab, cho rằng để xây dựng một chiến lược thương hiệu tuyển dụng chất lượng, bước đầu tiên DN cần nghiên cứu thị trường lao động và đối thủ cạnh tranh để khám phá nhu cầu, mong muốn và kỳ vọng của ứng viên cũng như nhân sự hiện tại. Ở bước này, DN phải đánh giá vị thế và ưu thế cạnh tranh của DN mình so với đối thủ trong ngành nghề. Từ đó, định rõ thông điệp thương hiệu tuyển dụng như giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn và văn hóa DN. Tạo ra một thông điệp thương hiệu tuyển dụng rõ ràng, độc đáo và lôi cuốn.
“Chọn và sử dụng các kênh truyền thông là bước quyết định sự thành bại của một chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng. Các DN cần xác định các kênh phù hợp với đối tượng mục tiêu, bao gồm website, MXH, blog, video, podcast và sự kiện. Xây dựng và phát hành những nội dung thương hiệu tuyển dụng, bao gồm cả câu chuyện thành công và lời chứng thực để lôi cuốn ứng viên” – bà Đoan nói.
Một xu hướng xây dựng thương hiệu tuyển dụng đang được nhiều DN khai thác triệt để qua các clip ngắn vui nhộn, hài hước, kịch tính trên nền tảng TikTok. Cách làm này được nhiều chuyên gia truyền thông đánh giá “một mũi tên, trúng nhiều đích”. Theo bà Đoan, DN vừa quảng bá sản phẩm, dịch vụ, vừa tiếp thị bán hàng, vừa xây dựng thương hiệu tuyển dụng trực quan, sinh động. Chỉ trong vài năm gần đây, đã có nhiều DN thành công với chiến lược xây dựng hình ảnh trên nền tảng này, tạo ra một môi trường làm việc mà ở đó, NLĐ đều là “người nổi tiếng” trên TikTok.
Theo khảo sát của LinkedIn mới đây, hơn 75% người tìm việc nghiên cứu về thương hiệu và danh tiếng nhà tuyển dụng trước khi quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển; trên 50% người được hỏi cho rằng sẽ không làm việc cho công ty mang nhiều tai tiếng và bị đánh giá xấu trên MXH, ngay cả khi nhà tuyển dụng đó đưa ra mức lương cao hơn.
Nguồn: Báo nld