Khó khăn trong tìm đầu ra cho sản phẩm là vấn đề không ít bạn trẻ gặp phải khi khởi nghiệp, đặc biệt là lực lượng thanh niên nông thôn. Thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, bán hàng trực tuyến mang lại hiệu quả rõ rệt.
Từ lúc khởi nghiệp với sản phẩm từ xoài, anh Đặng Thế Truyền (huyện Cam Lâm) xác định sẽ hướng đến phát triển sản phẩm dựa vào các kênh quảng bá trực tuyến. Do đó, mô hình khởi nghiệp của anh được lấy tên Camlamonline. Anh Truyền cho biết, sản phẩm khởi nghiệp khi đã được chứng nhận chất lượng bởi cơ quan chức năng và các kênh truyền thông chính thống, để mở rộng thị trường, việc truyền thông trên các nền tảng số, bán hàng trực tuyến trên các kênh này đóng vai trò rất lớn. Ngoài báo chí, truyền hình, các nền tảng mạng xã hội có độ phủ thông tin rất rộng. Vì thế, anh thường quảng bá sản phẩm qua các kênh như: Facebook, Tiktok, Instagram, Youtube… bằng các clip, hình ảnh đẹp về sản phẩm, quy trình sản xuất, vùng trồng. Việc quảng bá qua những kênh này thường không tốn phí, hoặc nếu trả phí cũng không quá nhiều, hiệu quả lại cao. Anh Truyền cũng có thể bán hàng trực tuyến qua các công cụ này.
Vừa qua, tại hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do Tỉnh đoàn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức, chúng tôi ấn tượng với hình ảnh chị Lê Thị Phương Trinh (huyện Khánh Sơn) vừa bán các mặt hàng nông sản đặc trưng của huyện cho khách đến mua trực tiếp, vừa liên tục thực hiện livestream quảng cáo sản phẩm online trên Facebook với các thiết bị được đầu tư bài bản. Đại diện nhóm thanh niên khởi nghiệp “Du lịch sinh thái Khánh Sơn”, chị Trinh cho biết, sản phẩm chính của nhóm là dịch vụ du lịch sinh thái, gần đây kết hợp với quảng bá, bán nông sản đặc trưng của huyện. Để quảng bá hình ảnh và sản phẩm đến người dân, du khách ở mọi nơi, gần 2 năm qua, nhóm đều thực hiện trên mạng xã hội Facebook, đang xây dựng kênh trên ứng dụng Tiktok. Từ khi hoạt động, nhóm luôn chú trọng làm các clip về cảnh đẹp Khánh Sơn để đăng tải trên mạng, thu hút nhiều người xem. Nhờ vậy, lượng khách chính sử dụng dịch vụ và mua sản phẩm của nhóm đều đến từ mạng xã hội. Qua quá trình phát triển dịch vụ, nhóm nhận thấy, với sản phẩm khởi nghiệp hiện nay, các nền tảng mạng xã hội là kênh quảng bá, bán hàng khá hữu hiệu, chi phí thấp, nhưng cũng cần có quá trình xây dựng kênh, đồng thời chất lượng sản phẩm và dịch vụ phải như quảng cáo, nếu không sẽ rất dễ bị tác dụng ngược.
Vừa bán hàng trực tiếp, chị Lê Thị Phương Trinh vừa livestream bán hàng trực tuyến trên kênh Facebook. |
Anh Trần Anh Tuấn – Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hiện nay, các thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đa phần chưa hiểu rõ, chưa tiếp cận được cũng như biết cách truyền thông hiệu quả cho các sản phẩm trên mạng xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã phối hợp tổ chức nhiều đợt tập huấn cho thanh niên về ứng dụng truy xuất nguồn gốc và mã số mã vạch, sản xuất sản phẩm hàng hóa tại địa phương; cách sử dụng công nghệ để tăng cường hoạt động kinh doanh, phát triển và xây dựng thương hiệu trực tuyến; hướng dẫn mở fanpage Facebook, xây dựng group, chạy quảng cáo trên Facebook; xây dựng kênh Tiktok, làm nội dung trên Tiktok để phù hợp với thị hiếu và tiếp cận được khách hàng tiềm năng; xây dựng kênh Youtube… Từ đó, các thanh niên có thể tận dụng được lợi thế nhanh nhạy, dễ nắm bắt thị trường của mình, tạo ra các kênh, sản phẩm truyền thông phù hợp, tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, tạo được nhiều đầu ra cho sản phẩm. Với xu thế mua bán trực tuyến ngày càng chiếm tỷ lệ lớn, các bạn trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là lực lượng thanh niên nông thôn cần cập nhật, ứng dụng công nghệ số để quảng bá, phát triển sản phẩm, thay vì chỉ dựa vào các hình thức truyền thống trước đây. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chú trọng vào việc hỗ trợ tiếp cận các nền tảng, ứng dụng số trong tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.
Theo: Báo điện tử khánh hòa