Việc đặt tên khôn khéo có thể khiến khách hàng ghi nhớ và ấn tượng sâu sắc về thế mạnh của sản phẩm mà chưa cần đến công cụ quảng bá nào khác.
Steve Rivkin, bậc thầy trong lĩnh vực marketing, đồng tác giả cuốn sách Khác biệt hay là chết đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích giúp doanh nghiệp quảng bá, định vị hình ảnh một cách tốt nhất. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, một hàng hóa, dịch vụ khi mới chỉ là ý tưởng trên giấy đã phải cho thấy đâu là nét nổi bật sẽ được khách hàng chú ý, nhớ đến.
Trong đó, tên gọi thương hiệu chính là yếu tố đầu tiên tiếp xúc với người tiêu dùng, khiến họ cảm thấy nó có thú vị, dễ nhớ hay gợi nhắc đến tính năng đặc biệt nào hay không.
Cái tên không chỉ đơn thuần để gọi, đó là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện sự khác biệt của mình mà chưa phải viện đến chiến lược quảng bá nào khác. Vì vậy, Steve Rivkin luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt tên thương hiệu. Có nhiều cách để tìm ra cái tên “độc đắc” cho thương hiệu, song, 3 công thức “vàng” dưới đây được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất và trên thực tế, không ít đơn vị đã gặt hái thành công.
Dấu ấn đặc trưng của doanh nghiệp thể hiện ở ngay tên gọi
Không nhiều hãng gan dạ đặt tên như “Apple” vì “quả táo” chẳng có một chút gợi nhắc gì về sản phẩm công nghệ thông minh. Thay vào đó, bạn nên tìm cái tên ngắn gọn, có thể ngay lập tức làm nổi bật tính năng, sự độc đáo của sản phẩm.
Chẳng hạn như, muối biển là mặt hàng nhiều người mặc nhiên cho rằng tất cả đều như nhau thì vẫn có thể được những bộ óc kinh doanh sắc sảo phân biệt hóa thành công. Real Salt là hãng chuyên sản xuất muối ăn dành được nhiều chú ý nhờ tên gọi của mình. Theo nhà sản xuất, cách làm muối ở đây không giống như phần lớn các công ty khác khi doanh nghiệp không thêm bất cứ thứ gì và tách gì ra khỏi đó, khiến sản phẩm này chứa tới 60 loại khoáng chất vi lượng tốt cho sức khỏe. Thông điệp “chân chính” mà chữ “real” mang lại khiến sản phẩm này trở thành một loại muối mà mọi người muốn sử dụng cho bữa ăn của mình. Kết quả là Real Salt xuất hiện trên bàn ăn các nhà hàng cao cấp, tại nhiều hệ thống siêu thị phân phối, cửa hàng tạp hóa và cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe khác trên khắp nước Mỹ.
Nhiều hãng muối biển khác cũng nổi tiếng nhờ cách đặt tên, có thể kể đến Australian Pink (màu hồng Australia) – loại muối dịu nhẹ, có hình tinh thể tuyết mảnh mai; Bolivian Rose (đóa hồng Boliovian) – loại muối được tinh chế thủ công ở dãy núi Andes, có màu của các loại khoáng chất trong đất hay Cyprus Black (màu đen đảo Síp) – muối trắng biển Địa Trung Hải được trộn lẫn với than củi. Rõ ràng, ngay từ tên gọi, người nghe đã có những hình dung đặc biệt, cụ thể về tính chất của những loại muối này, khiến họ cảm thấy chúng rất đặc trưng.
Lặp từ khiến khách hàng nhớ tên sản phẩm
Tên thương hiệu với thông điệp khác biệt sẽ góp phần mang lại thành công cho sản phẩm. Nhưng đây không phải là cách duy nhất, bởi có nhiều thương hiệu khác có những cái tên không tuân theo công thức này nhưng vẫn gây ấn tượng vì sự thú vị, dễ nhớ của cấu tạo âm thanh. Các nghiên cứu ngôn ngữ học cho thấy, những cái tên có phụ âm, nguyên âm lặp đi lặp lại sẽ khiến mọi người dễ nhớ hơn.
Bạn có thể bắt gặp nhiều sản phẩm có tên gọi “bắt tai” như vậy quanh mình, chẳng hạn Coca-Cola, BlackBerry. Não bộ con người vốn tồn tại cơ chế trí nhớ ngắn hạn với những thứ mới lạ và dài hạn với những thứ thân quen, tiếp xúc nhiều. Những tên gọi lặp đi lặp lại này sẽ dễ dàng được não bộ ấn tượng, tạo nên cảm giác quen thuộc cho người nghe và lọt vào khu vực trí nhớ dài hạn. Có thể liệt kê hàng chục thương hiệu phổ biến khác áp dụng công thức đặt tên này như Dunkin’ Donuts, Green Giant, Rice-A-Roni, Weight Watchers, KitKat.
Tự tạo từ ghép mới cho thương hiệu của mình
Một cách đặt tên thương hiệu thú vị khác mà bạn có thể tham khảo là tự tạo nên một từ vựng mới bằng cách ghép các từ có sẵn. Trên thực tế, trong ngôn ngữ, chúng ta bắt gặp không ít những từ mới được tạo thành bằng việc ghép hai từ có sẵn để tổng hợp các nét nghĩa của chúng, chẳng hạn “brunch” (bữa ăn giữa buổi sáng và trưa) là sự kết hợp của “breakfast” (bữa sáng) và “lunch”(bữa trưa). Tương tự, trong kinh doanh, Microsoft chính là ví dụ điển hình của cách ghép để tạo nên từ mới của cụm “software for microprocessors” (phần mềm cho bộ vi xử lý).
Những cái tên thương hiệu được sáng tạo từ việc ghép từ này có hai ưu điểm lớn. Thứ nhất, một từ mới hoàn toàn dễ đăng ký thương hiệu hơn so với từ có sẵn thông thường vì bạn không bao giờ phải lo lắng việc trùng lặp. Thứ hai, một cái tên ngắn gọn lại gây ấn tượng cho người nghe về ít nhất hai nội dung cốt lõi mà các từ gốc gợi đến. Chẳng hạn, cái tên “Amtrak” là cách ghép của “American track” khiến người nghe biết ngay đây là một công ty vận tải đường sắt xuyên nước Mỹ, món đồ uống “Frappuccino” nổi tiếng của Starbucks là một hỗn hợp của “frappe” (sinh tố đá xay) và cappuchino. Sự sáng tạo này khiến bạn vừa có một từ mới bản quyền, vừa mang đến một lượng thông tin cốt lõi để thuyết phục những khách hàng của mình bỏ tiền ra trải nghiệm.
Theo: Mai Thương/Nguồn: VnExpress