Cuộc đua Habeco – Sabeco: Hai đối thủ chung một nỗi lo ‘suy giảm’

Mạnh tay chi đậm cho việc quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, trong khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, chi phí đầu vào tăng cao, áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu,… khiến hai ông lớn ngành bia Việt Nam đó là Sabeco và Habeco có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.

Cuộc đua Habeco - Sabeco: Hai đối thủ chung một nỗi lo 'suy giảm'

Cuộc chiến ngành bia: So kè 2 ‘ông lớn’ Habeco và Sabeco

Kinh doanh sụt giảm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), kết thúc quý II, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sabeco đạt 8.312 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của công ty giảm xuồng còn 2.487 tỷ đồng, tương đương mức giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng mạnh gần 40% từ mức 253,4 tỷ đồng lên 354,4 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.536 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong quý II doanh nghiệp tiếp tục chi mạnh tay hơn cho chi phí bán hàng (dành đến 1.221 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi) và chi phí quản lý doanh nghiệp. Kết thúc quý II/2023, Sabeco lãi ròng 1.210 tỷ đồng, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 14.526 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 2.214 tỷ đồng, giảm 27% so với con số 3.029 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.

Kết thúc quý II/2023, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Sabeco tăng 8,5% từ 1.621 tỷ đồng lên 1.759 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng cộng tài sản của Sabeco là 33.646 tỷ đồng, với 26.098 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 7.547 tài sản dài hạn. Tài sản ngắn hạn bao gồm: hơn 2,1 tỷ đồng tiền mặt; gần 966 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng; 2.773 tỷ đồng các khoản tương đương tiền (bao gồm tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn ban đầu không quá 3 tháng ); 18.638 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn (là khoản tiền gửi ngân hàng có thời hạn trên 3 tháng, dưới 1 năm); hơn 983,6 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Đáng chú ý, hàng tồn kho tại ngày 30/6/2023 của Sabeco là 2.430 tỷ đồng, tăng 10,8% so với đầu năm.

Nợ phải trả của Sabeco là 8.123 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tới 7.638 tỷ đồng và nợ dài hạn 484,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty tại ngày 30/6/2023 là 25.523 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm.

Không khá hơn, Habeco cũng rơi vào tình trạng sụt giảm kết quả kinh doanh trong quý II/2023. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN), doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Habeco đạt 2.087 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ, dẫn tới lợi nhuận gộp cũng giảm nhẹ chỉ đạt 530 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 617 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của Habeco đạt 225 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

So với đối thủ cùng ngành, Habeco kiểm soát tốt hơn về chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính, điều này giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 225 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2022. Kết thúc quý, Habeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 188,3 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Habeco có doanh thu thuần đạt 3.333 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,6%. Lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến 30/6/2023, tổng cộng tài sản của Habeco đạt. 7.282 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 1.837 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 5.445 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% so với đầu năm.

Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Habeco tăng mạnh, đạt gần 545 tỷ đồng, tăng thêm 106 tỷ đồng

Nhiều rào cản

Lý giải về sự sụt giảm, Sabeco cho rằng trong nửa đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận thấp hơn năm ngoái do cạnh tranh gay gắt giữa các hãng bia quốc tế trên thị trường, kinh tế trong nước suy thoái do bất ổn kinh tế toàn cầu và việc tiếp tục tập trung Nghị định 100, cùng với ảnh hưởng của chi phí đầu vào, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cao hơn.

Xét trên diễn biến thực tế của thị trường, giới chuyên gia trong ngành cho biết, ngành bia Việt Nam sau một thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giãn cách xã hội từ đại dịch Covid-19, chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100 về xử phạt người uống rượu bia sẽ tiếp tục là rào cản lớn cho sự phục hồi của ngành bia trong năm nay.

Cùng với đó, giá cả nguyên vật liệu dùng để sản xuất dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Ngoài ra là mối đe dọa từ các đối thủ bia nhập khẩu, bia ngoại, bia sản xuất bởi các tập đoàn đa quốc gia như Heineken, Carlsberg,… Điểm mạnh của các nhà sản xuất này là nhận được sự hỗ trợ rất lớn về kinh nghiệm, nguồn lực tài chính, nhân lực, kỹ thuật, nguyên liệu và các hoạt động nhằm duy trì, phát triển thương hiệu cũng như thị trường. Chưa kể đến trên thị trường hiện nay còn có thêm các đối thủ cạnh tranh từ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ, với các sản phảm bia chai và bia lon giá thấp.

Đặc biệt, thói quen chi tiêu của người Việt đang có xu hướng giảm. Trong thời kỳ kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhất là với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.

Một yếu tố được cho là sẽ ảnh hưởng dài hạn tới các DN rượu bia là dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, trong đó có liên quan tới thay đổi phương pháp tính thuế và điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá, rượu, bia. Điều này cũng gây ra áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, ngành bia cũng có quyền hy vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ nhờ vào các hoạt động mở cửa và khuyến khích du lịch của Nhà nước. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi trong 7 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người. Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy tiêu thụ ngành bia nói riêng và ngành nước giải khát nói chung.

Nguồn: vietnamfinance.vn