Từ ngày 1/11, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám mở chương trình trải nghiệm về đêm áp dụng hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping. |
Chỉ trong chưa đầy 3 năm, ngành văn hóa đã áp dụng công nghệ để bảo tồn và quảng bá di sản thông qua việc số hóa, chuyển hướng tiếp cận công chúng hiệu quả.
Văn hóa thích nghi công nghệ
Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa được xem là nội dung quan trọng của công tác bảo tồn, gìn giữ, mở rộng giao lưu, phát huy các giá trị di sản, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
Quá trình chuyển đổi số trong văn hóa tuy gặp nhiều khó khăn, song vẫn đạt hiệu quả tích cực để hoàn thành mục tiêu “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” được Chính phủ đề ra ngày 12/11/2021.
Mới đây, phát biểu tại tổ thảo luận trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV), Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chủ yếu đi vào công tác xây dựng môi trường văn hóa, tôn tạo bảo tồn phát huy các di sản, từ đó làm nơi để quảng bá văn hóa, bao gồm nguồn lực của Nhà nước và của xã hội.
Tháng 11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra 6 nhiệm vụ, trong đó có nội dung “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Cụ thể hóa nhiệm vụ này, tháng 12/2021 Bộ VH,TT&DL đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay có thể khẳng định, hệ thống cơ chế chính sách chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa đã cơ bản hoàn thiện, hoạt động chuyển đổi số trong văn hóa được triển khai hiệu quả. Công nghệ mới được ứng dụng trong nhiều hoạt động, giúp người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm văn hóa.
Việt Nam hiện có khoảng 41.000 di tích – thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng quốc gia và 9.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, cùng với 8.000 lễ hội. Nếu tất cả được số hóa hoàn thiện sẽ trở thành tài sản vô giá phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch.
Xác định điểm trọng yếu này, một số địa phương đã tiên phong triển khai các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số hóa 3D vào khai thác, quản lý, lan tỏa giá trị di sản.
Đặc biệt tại Hà Nội, hàng loạt bảo tàng không chỉ số hóa tư liệu hiện vật mà còn đưa hệ thống trưng bày 3D trực tuyến. Chỉ cần một “click”, du khách khắp thế giới có thể tham quan hiện vật theo không gian 3 chiều, giúp người xem trải nghiệm siêu thực.
Bên cạnh việc sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, số hóa tư liệu hiện vật, nhiều bảo tàng còn liên kết công nghệ để phát triển các nền tảng số, như hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR code tương tác tại các điểm tham quan, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR)…
Tại di tích Hoàng thành Thăng Long còn cho ra mắt các tour du lịch ban đêm, di tích Nhà tù Hỏa Lò có kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify (ứng dụng nghe nhạc) và Apple Podcasts… Tại Thừa Thiên – Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô còn triển khai app hướng dẫn tham quan.
Tại khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) cung cấp sản phẩm trực tuyến thông qua công nghệ Metaverse. Khu vực Thành nhà Hồ hay di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa) cũng đồng loạt áp dụng công nghệ thực tế ảo đem lại hiệu quả cao.
Nhiều bảo tàng áp dụng công nghệ trực tuyến trên nền tảng Zoom với không gian 3D kết hợp âm thanh. |
Công nghệ tôn vinh giá trị đạo học
Theo Bộ VH,TT&DL, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần thiết mà mỗi quốc gia phải thực hiện trong thời kỳ 4.0. Văn hóa là nền tảng của một quốc gia, là cốt lõi của sự phát triển bền vững nên không thể đi chậm và đi sau các lĩnh vực khác. Bởi vậy, việc chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ bảo tồn, phát triển và lan tỏa các giá trị văn hóa ra thế giới là yêu cầu bắt buộc.
Trong gần 3 năm qua, nhờ áp dụng công nghệ mà văn hóa Việt lan tỏa mạnh mẽ ở các quốc gia, cũng nhờ số hóa mà công tác quảng bá di sản thu hút du lịch đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Lượng khách quốc tế tới Việt Nam tham quan di tích, danh thắng đặc biệt bùng nổ sau đại dịch Covid-19.
Mặc dù, nguồn kinh phí còn hạn hẹp, một số địa phương còn lúng túng, song việc chuyển đổi số vẫn đạt những hiệu quả tích cực, nhiều đơn vị không ngừng quảng bá di sản dựa trên nền tảng công nghệ. Trong đó có thể kể tới chương trình thực cảnh về di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Từ tháng 5/2022, khu di tích này đã triển khai hệ thống vé điện tử, thay đổi mô hình quản lý vận hành tiện lợi, giảm tình trạng ùn tắc như khi còn triển khai bán vé thủ công. Đồng thời, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng không ngừng triển khai các chương trình mới, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, từ ngày 1/11 tới đây di tích chính thức mở chương trình trải nghiệm về đêm.
Theo đó, đơn vị áp dụng công nghệ khiến toàn bộ không gian di tích được “biến hóa” bởi hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping, tạo sự lung linh, huyền ảo và khác lạ.
“Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học sẽ biến thành một màn hình khổng lồ, giúp khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy trong đạo học của người Việt. Mỗi chi tiết đều được chăm chút tỉ mỉ đem lại sự trọn vẹn các giá trị đặc trưng không chỉ của riêng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mà còn cảm nhận được những giá trị nền tảng của đạo học Việt Nam”, TS Lê Xuân Kiêu cho hay.
Có thể thấy, việc áp dụng công nghệ để bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong thời kỳ hội nhập, mà còn là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững. Nhờ công nghệ, câu chuyện văn hóa không những lan xa mà bản sắc còn được tô đậm hơn nhờ “nút chia sẻ” trên các nền tảng mạng xã hội hiện thời.
Nhìn tổng thể việc chuyển đổi số văn hóa chưa diễn ra đồng đều ở các lĩnh vực cũng như các địa phương. Trong các lĩnh vực như: Di sản, du lịch, bảo tàng, thư viện… có nhiều thành tựu áp dụng công nghệ số, nhưng trong các lĩnh vực khác như điện ảnh, sân khấu, văn học, nghệ thuật truyền thống… còn khá hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ.
Nguồn: Báo Giáo Dục và Thời Đại