Thương hiệu trang sức của Pháp Van Cleef & Arpels đã mở một cửa hàng mới tại Đại lộ Madison (Manhattan) trong năm qua. Chanel cũng mở lại cửa hàng flagship Beverly Hills, đồng thời tăng diện tích lên gấp đôi, đạt gần 2.800 m2. Còn Gucci đang mở rộng khắp nước Mỹ, với mạng lưới hiện tại gồm 8 cửa hàng ở Texas và một tại trung tâm Detroit.
Tất cả những động thái này là một phần trong làn sóng phát triển mạnh mẽ tại thị trường Mỹ của các thương hiệu xa xỉ đến từ châu Âu và những nơi khác. Họ đang làm nhiều cách, từ việc ký hợp đồng thuê lại những địa điểm rộng lớn, cung cấp thêm dịch vụ ẩm thực, cũng như “hạ cánh” ở những địa điểm mới lạ hơn, nhằm tiến vào thị trường mới.
Tại góc Đại lộ Số 5 (Fifth Avenue) giao với Phố 57 (57th Street), mặt tiền của Tiffany trông vẫn nguyên vẹn như lúc nữ minh tinh Audrey Hepburn mặc chiếc váy đen cổ điển đeo chuỗi ngọc đứng trước cửa hàng, trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s vào năm 1961. Nhưng bên trong, trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng đã được cải thiện vượt bậc sau khi thương hiệu chi hơn 500 triệu USD và dành 4 năm để cải tạo không gian.
Mọi thứ đều tỏa sáng lấp lánh, từ sàn đá cẩm thạch, tủ trưng bày kim loại cho đến trần nhà. Thoạt nhìn, những cửa sổ hình vòm trông giống như những màn hình led cao 7 m chiếu hình một chú chim kim cương đang bay qua công viên trung tâm.
Thang máy ở phía sau đưa người mua sắm đến 10 tầng khác nhau, một dành cho bạc, một dành cho vàng, một dành cho các “kiệt tác”.
Khuôn viên hiện tại đã được mở rộng thêm 3 tầng cao nhất của tòa nhà, với tầm nhìn ra Đại lộ Số 5. Khu vực này dành riêng cho các cuộc hẹn. “Chúng tôi gọi nó là viên kim cương áp mái”, Alexandre Arnault, con trai của tỉ phú Bernard, người sở hữu LMVH đồng thời đã mua Tiffany’s vào năm 2021, nói đùa.
Tiffany có lẽ là ví dụ điển hình về xu hướng đặt cược lớn vào bất động sản bán lẻ của ngành xa xỉ thời điểm hiện tại. Theo The Economist, LVMH cũng đã mua thêm một số mặt tiền trên phố Bond ở London và đại lộ Champs-Elysées ở Paris. Bên cạnh đó, một loạt giao dịch đã phát sinh tại Đại lộ Số 5 của New York.
Vào tháng 12, Prada đã mua lại cửa hàng hiện tại của mình, 724 Fifth, và mua lại 720 Fifth, cửa hàng bên cạnh, với tổng số tiền là 835 triệu USD. Vào ngày 22/1, Kering – công ty sở hữu Gucci, thông báo rằng họ đã mua không gian bán lẻ ở số 715-717 Fifth với giá 963 triệu USD. LVMH được đồn là đang để mắt tới 745 Fifth, không gian bên cạnh Louis Vuitton.
Những giao dịch này đang được sắp xếp với tốc độ chóng mặt và với mức giá kỷ lục. Từ cái bắt tay chào hỏi đến khi bàn giao đôi khi chỉ mất vài tuần.
Các thương vụ của Kering và Prada toàn bộ đều được thanh toán bằng tiền mặt. Trong đó, hợp đồng mua bán mà Kering ký kết có thể xem là giao dịch bất động sản bán lẻ trên đường phố lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ.
Tại sao phải vội đến vậy? Will Silverman thuộc Ngân hàng Đầu tư Eastdil Secured, chỉ ra sự tăng trưởng trong doanh số bán hàng xa xỉ và những thay đổi về lãi suất đã dẫn đến xu hướng này.
Hàng hóa cao cấp bắt đầu bay khỏi kệ trong đại dịch Covid-19, khi mọi người tràn ngập tiền mặt và không có nơi nào để đi, và cơn sốt vẫn chưa nguôi ngoai kể từ đó. Những chiếc túi xách đẹp từng là đặc quyền của một số ít giờ đây đã được nhiều người mua. Thật vậy, năm ngoái doanh số bán hàng thời trang và đồ da của LVMH cao hơn 40% so với năm 2021.
Hàng xa xỉ vẫn có xu hướng được bán trực tiếp, có nghĩa là các nhà bán lẻ đang chi những khoản tiền đáng kinh ngạc để thu hút mọi người đến cửa hàng của họ. Và sự xuất hiện của đông đảo khách hàng đồng nghĩa với việc họ cần nhiều không gian hơn cho các phòng riêng sang trọng để bán hàng cho nhóm khách trung thành của mình.
Silverman lưu ý: “Manhattan có thể ngày càng cao, nhưng không thể rộng hơn được nữa. Nguồn cung không gian bán lẻ cao cấp thực sự hữu hạn”.
Chỉ điều này thôi cũng có thể đủ để thu hút các nhà bán lẻ mua hàng thay vì thuê và việc mua bất động sản trở thành lựa chọn rõ ràng một khi lãi suất được tính đến. Hầu hết các thương vụ bất động sản này được tài trợ bởi cả vốn chủ sở hữu và khoản vay thế chấp.
Ở Mỹ, lãi suất vay thế chấp đối với các tòa nhà thương mại là khoảng 6-7%. Chi phí vốn cổ phần vẫn cao hơn. Trong khi chi phí thuê hàng năm có thể lên khoảng 8% giá trị của tòa nhà.
Một số công ty xa xỉ cho rằng trả mức giá thuê này là lựa chọn không hề khôn ngoan. Vì kiếm được nhiều tiền nên họ có thể phát hành trái phiếu với lãi suất chỉ cao hơn một chút so với trái phiếu chính phủ Đức. Trái phiếu gần đây nhất của LVMH đã được đăng ký vượt mức 3,5%. Vì vậy, không gian bán lẻ xa xỉ không khó mua đến vậy đối với các “ông lớn” của ngành.\
Nguồn: Báo phunumoi