Thời gian gần đây, Bảo tàng Hải dương học (thuộc Viện Hải dương học, TP. Nha Trang) đã đổi mới trong công tác truyền thông và trưng bày. Nhờ đó, bảo tàng đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan.
Đẩy mạnh truyền thông trên fanpage
Đầu tháng 4, một nhóm học sinh Trường THCS Yersin (TP. Nha Trang) đến tham quan Bảo tàng Hải dương học. Sau khi tham quan bộ xương cá voi “khổng lồ”, cả nhóm đến tiểu khu rừng ngập mặn để thăm chú cá sấu hoa cà có tên “theSẤU” đang được nuôi dưỡng tại đây. Ngay khi đến nơi, cả nhóm ồ lên khi thấy cái đầu của theSẤU như khúc gỗ mục ngoi lên mặt nước giữa cánh rừng đước thu nhỏ. Em Phan Huy Hoàng cho biết, qua fanpage, các em biết Bảo tàng Hải dương học đang nuôi cá sấu hoa cà, càng thú vị hơn khi con cá sấu này được đặt tên, nhân cách hóa như con người. Chính vì thế, khi có thời gian, cả nhóm đã hẹn nhau đến bảo tàng để “chiêm ngưỡng” theSẤU… Nhiều khách du lịch cũng cho biết, họ biết nhiều thông tin về Bảo tàng Hải dương học khi vào fanpage của bảo tàng. Hay nói cách khác, bảo tàng đã thành công trong việc quảng bá trên fanpage để thu hút khách tham quan đến bảo tàng.
Theo Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình – Phó Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Viện Hải dương học, năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải học online ở nhà, không có điều kiện đi đây đó nên nhiều bạn trẻ chỉ biết chơi game để giải trí. Thời điểm đó, Bảo tàng Hải dương học phải đóng cửa. Chính vì vậy, cán bộ và nhân viên bảo tàng có suy nghĩ cần phải lập fanpage để đưa thông tin đến với người dân Khánh Hòa và khách du lịch, giúp các em nhỏ có thể tiếp cận những thông tin hữu ích hơn về thế giới sinh vật biển. Nghĩ là làm, cán bộ và nhân viên bảo tàng đã bắt đầu đưa thông tin, hình ảnh về các loài sinh vật biển đang được trưng bày, nuôi dưỡng ở đây lên fanpage của bảo tàng. Thời điểm bắt đầu làm, bảo tàng đã nỗ lực rất nhiều để có thể quay phim, chụp hình các sinh vật biển; trao đổi với các cán bộ chuyên ngành để nắm chắc thông tin rồi triển khai viết bài. Các bài viết được yêu cầu phải cô đọng, dễ hiểu, có điểm nhấn và thiết kế bắt mắt… để thu hút bạn đọc.
Từ những bài viết mang tính thông tin đơn thuần, các cán bộ của Bảo tàng Hải dương học nhận thấy, để thu hút sự quan tâm của mọi người cần phải tạo nên sự thân thiện với mọi người. Từ đó, nhân viên bảo tàng nghĩ ra những slogan giới thiệu về hoạt động của bảo tàng rất bắt trend, kiểu như “Cá không ngủ trưa, bảo tàng cũng vậy”. Các sinh vật biển cũng được đặt tên ngộ nghĩnh dựa theo hình dáng, tính cách của từng loài vật như: theSẤU (cá sấu), Nóc quạu… Đi kèm hình ảnh “dìm hàng” là những câu chuyện về đời sống của những “nhân vật” này, từ chuyện ăn uống hàng ngày, việc nghỉ ngơi, tìm kiếm bạn tình… cho đến cả chuyện theSẤU “đi du lịch” đều được các nhân viên của bảo tàng cập nhật lên fanpage. Để thu hút sự quan tâm của du khách, hàng tháng, bảo tàng còn công bố các con vật được du khách yêu thích nhất thông qua lượt tương tác trên fanpage. Trong đó, bài về theSẤU từng đạt cột mốc 1 triệu view trên fanpage của bảo tàng.
Song song đó, bảo tàng đã chủ động xây dựng mối quan hệ với các cơ quan báo chí, truyền thông, thường xuyên gửi thông tin về các sự kiện của bảo tàng đến giới báo chí; quan tâm hơn đến việc tổ chức các sự kiện để thu hút công chúng đến với bảo tàng như: Múa lân dưới nước, ông già Noel tặng quà Giáng sinh, xem nhân viên cho cá ăn… Những sự kiện này đã tạo nên sức hút lớn đối với công chúng, được nhiều cơ quan báo chí và mạng xã hội đưa tin. Việc đẩy mạnh truyền thông trên fanpage đã gợi sự tò mò cho du khách. Với người dân Nha Trang – Khánh Hòa từng đến bảo tàng nhiều lần cũng thấy cần phải quay lại bảo tàng để tham gia sự kiện, tìm hiểu về những sinh vật đang được trưng bày, nuôi dưỡng tại đây. Sau dịch Covid-19, bảo tàng là điểm đến yêu thích của khách tham quan khi đến Nha Trang. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bảo tàng đón hơn 2.000 khách đến tìm hiểu về sự đa dạng sinh vật biển, câu chuyện chủ quyền của biển, đảo, các loài sinh vật biển kỳ thú; những ngày cao điểm như lễ, Tết, lượng khách tham quan lên đến hơn 8.000 lượt khách/ngày. “Tôi thường cùng con trai đến Bảo tàng Hải dương học. Cháu rất thích bộ xương cá voi và những câu chuyện về sinh vật biển ở đây”, chị Nguyễn Ngọc Hương (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết.
Trưng bày theo chuyên đề
Cùng với đổi mới truyền thông, Bảo tàng Hải dương học đã có nhiều đổi mới trong trưng bày. Thay vì trưng bày tất cả những gì đang có, bảo tàng đã chuyển hướng trưng bày theo từng chuyên đề với sự tham gia của nhiều bộ phận chuyên môn. “Trước đây, các thuyết minh viên chỉ việc thuyết minh trên nền trưng bày có sẵn. Thời gian gần đây, khi thực hiện ý tưởng trưng bày các chuyên đề, chúng tôi cho lấy ý kiến tất cả các thành phần liên quan. Từ đó, đưa ra những bộ trưng bày hợp lý nhất, thuận lợi nhất cho việc thuyết minh, tạo sức hút cho khách tham quan”, Tiến sĩ Trương Sĩ Hải Trình cho biết. Đến nay, bảo tàng đã hình thành nên các chuyên đề như: Hiện diện trên Biển Đông (chủ quyền biển, đảo), khu trưng bày tài nguyên biển, đảo Hoàng Sa – Trường Sa và khu trưng bày đa dạng sinh học biển…
Trong thời gian tới, bảo tàng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh. Từ đó, đưa các thông tin về sự đa dạng, kỳ thú của thế giới sinh vật biển, tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ.
Nguồn: baokhanhhoa.vn