Thực tế tại các làng nghề cho thấy, việc được bảo hộ nhãn hiệu đã giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh.
Tạo dựng nhãn hiệu để phát triển nghề truyền thống
Tại Hưng Yên, nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế thúc đẩy việc tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế – xã hội; nhất là tại các làng nghề.
Làng mộc Thuỵ Lân (xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) trong những ngày này tấp nập các chuyến xe vận chuyển đồ gỗ đi muôn nơi. Dù dưới thời tiết oi ả của mùa hè nhưng không khí làm việc của bà con vẫn nhộn nhịp, tiếng cười nói không ngớt xen lẫn tiếng cưa xẻ, đục đẽo.
Anh Nguyễn Văn Trường, chủ cơ sở đồ gỗ Trường Năm, thôn Thuỵ Lân, xã Thanh Long cho biết, mới đây “Mộc Thụy Lân” chính thức có nhãn hiệu của riêng mình và được Nhà nước bảo hộ. Đây là niềm vui lớn với bà con, bởi từ khi “Mộc Thuỵ Lân” có nhãn hiệu được bảo hộ, sản phẩm làm ra được nhiều người tìm đến, đơn hàng ngày càng nhiều hơn so với trước. Gia đình anh Trường hiện có 3 xưởng sản xuất gỗ, những ngày này đơn hàng đã tăng lên khoảng 10% so với trước; mỗi tháng gia đình anh xuất ra thị trường trên 100 sản phẩm các loại.
Với tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, anh Trường cho biết thêm, người làm mộc ở Thuỵ Lân trước chỉ chú tâm đến việc làm sao cho sản phẩm tốt mà chưa chú ý đến phát triển thương hiệu. Do đó, khi có nhãn hiệu tập thể “Mộc Thuỵ Lân”, uy tín và danh tiếng của sản phẩm được khẳng định, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm mộc của địa phương, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Thôn Thụy Lân hiện có hơn 200/340 hộ làm nghề mộc. Trung bình, mỗi gia đình có 1-2 lao động trực tiếp làm nghề, có gia đình 3-4 lao động làm nghề mộc. Thu nhập trung bình của người thợ đạt từ 5-7 triệu đồng/tháng, thợ có tay nghề cao thu nhập tới 10-15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn có hàng trăm lao động gián tiếp khác trong các khâu dịch vụ cung ứng nguyên liệu đầu vào và lưu thông phân phối sản phẩm đầu ra. Với mức thu nhập từ nghề mộc hiện nay, nhiều người lao động có cuộc sống ổn định. Người dân nơi đây không còn ý định bỏ nghề, ai cũng muốn làng nghề được phát triển hơn nữa để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Khác với “Mộc Thuỵ Lân”, nhãn hiệu “Đúc đồng Lộng Thượng” của xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trao chứng nhận nhãn hiệu từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, đến nay bà con hầu như vẫn chưa được hưởng nhiều lợi ích từ sự đổi thay này.
Nghệ nhân Dương Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Lộng Thượng chia sẻ, nghề đúc đồng Lộng Thượng được trao chứng nhận nhãn hiệu xong thì đại dịch COVID-19 hoành hành nên hơn 2 năm qua, làng nghề chỉ hoạt động cầm chừng. Nay trong bối cảnh bình thường mới, làng nghề bắt đầu hoạt động trở lại. Dự kiến, trong những tháng cuối năm 2022, đơn hàng mới bắt đầu nở rộ.
Dù chưa nhận được những thành quả tích cực nhưng ông Dương Văn Hồng hy vọng, với việc sản phẩm có “tem mác”, được bảo hộ sở hữu trí tuệ, sản phẩm đúc đồng Lộng Thượng sẽ thành thương hiệu mạnh, được tiêu thụ rộng rãi. Ông Hồng cũng kỳ vọng trong bối cảnh bình thường, sản xuất đang được khôi phục, làng nghề sẽ hồi sinh và nhờ có bảo hộ thương hiệu đơn hàng sẽ nhiều hơn, thu nhập của người dân làng nghề đúc đồng Lộng Thượng sẽ tăng đột phá.
Bảo hộ nhãn hiệu làng nghề
Thực tế tại các làng nghề cho thấy, việc được bảo hộ nhãn hiệu đã giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất; đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm, tăng thu ngân sách cho địa phương góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 30 sản phẩm tiêu biểu, đặc thù được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội làng nghề và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh Hưng Yên luôn chủ động, tích cực và có nhiều giải pháp để quản lý và phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này. Bên cạnh đó, việc nhãn hiệu làng nghề được bảo hộ sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời tránh được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lấy danh nghĩa, làm ảnh hưởng tới uy tín của làng nghề.
Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1068 ngày 22/8/2019 với quan điểm chỉ đạo: “Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Tại Hưng Yên, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1221 ngày 26/5/2021 phê duyệt “Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó, tập trung rà soát, xây dựng chính sách về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ…
Việc thực hiện Chương trình này đang từng bước tạo môi trường khuyến khích đổi mới, sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiến tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
Nguồn: Công dân & Khuyến học