Thường bị chỉ trích vì là một trong những “ông trùm” gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới, Coca-Cola đang thực hiện những bước cải cách mạnh mẽ nhằm thân thiện với môi trường hơn. Đây cũng chính là xu thế mới của nhiều nhãn hàng lớn trên toàn cầu.
“Bộ cánh mới” của Coca-Cola
Trong tuần này, tất cả các phiên bản Coca-Cola 591 ml được giao đến các đại lý bán lẻ ở Mỹ sẽ có phần vỏ được làm từ 100% nhựa tái chế. Đây là cột mốc quan trọng mới của gã khổng lồ nước giải khát trên hành trình đạt mục tiêu đến năm 2030, có một nửa danh mục sản phẩm được sản xuất từ vật liệu tái chế.
Theo ông Kurt Ritter, phó chủ tịch phụ trách phát triển bền vững của Coca-Cola ở Bắc Mỹ, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và mong muốn tìm kiếm các sản phẩm có bao bì có thể tái sử dụng hoặc làm từ vật liệu có thể tái chế.
“Với tư cách là một công ty nước giải khát lớn trên toàn cầu, chúng tôi hiểu rằng mình cần có trách nhiệm dẫn đầu và đổi mới”, ông chia sẻ.
Vào năm 2021, Coca-Cola lần đầu tiên giới thiệu nhựa PET tái chế (rPET) ở bao bì của Dasani tại một số bang ở Mỹ, sau đó triển khai rộng rãi trên toàn quốc vào năm 2022.
Một năm sau đó, ông lớn nước giải khát đã thực hiện một sự thay đổi lớn khi loại bỏ nhựa PET màu xanh lá – một chất phụ gia khó tái chế của chai Sprite. Điều này buộc bao bì mang tính biểu tượng của loại nước này phải thay đổi từ màu xanh lá cây sang trong suốt.
Theo ông Ritter, Coca-Cola ước tính các mẫu chai mới sẽ giảm khoảng 37 triệu kg nhựa được sử dụng trong chuỗi cung ứng của hãng tại Mỹ, tương đương với khoảng hai tỷ chai nhựa bình thường.
Coca-Cola đặt mục tiêu hoàn thành việc triển khai mẫu chai mới trên toàn nước Mỹ vào cuối mùa hè này. Bên cạnh đó, thương hiệu nước suối Smartwater của công ty cũng có kế hoạch ra mắt những mẫu chai làm từ 100% nhựa tái chế tại New York và California vào quý IV năm nay.
Xu thế chuyển đổi xanh liệu có giải quyết được vấn đề môi trường?
Không chỉ Coca-Cola, những năm gần đây, nhiều nhãn hàng lớn đã thực hiện nhiều chiến dịch nhằm thay đổi trong khâu sản xuất và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.
Tháng 4/2022, PepsiCo đã cho ra mắt dòng chai mới làm từ 100% nhựa tái sinh với sản phẩm nước ngọt Pepsi tại thị trường Việt Nam.
Đối thủ của Coca-Cola đang đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các bao bì của hãng có thể tái chế hoặc phân hủy được và đến năm 2040, đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn bộ chuỗi giá trị thông qua sáng kiến pep+ Renew đầu tiên trong ngành thực phẩm và đồ uống.
Một ông lớn khác của ngành hàng tiêu dùng – Unilever cũng đã đẩy mạnh chiến lược quản lý rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm của hãng như Dove, Lifebuoy, Sunsilk, Comfort, v.v. đều sử dụng nhựa tái chế trong bao bì sản phẩm. Ngoài ra, tập đoàn còn phối hợp với nhiều địa phương, thực hiện chiến dịch thu gom và phân loại rác thải nhựa nhằm hướng đến một vòng tuần hoàn nhựa bền vững.
Có thể thấy, các nhãn hàng vẫn đang không ngừng thay đổi để tạo nên một môi trường xanh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự thay đổi này mới ở mức “tối thiểu” và chưa thực sự giải quyết được vấn đề ô nhiễm nhựa của môi trường.
Theo thống kê của tổ chức Break Free From Plastic, Coca-Cola, PepsiCo, hay Unilever đều là những thương hiệu nằm trong top 5 doanh nghiệp xả thải nhựa ra môi trường nhiều nhất năm 2023. Đặc biệt, Coca – Cola đã 6 năm liên tiếp đứng đầu danh sách này dù có nhiều sự thay đổi trong việc giảm thiểu nhựa dùng một lần trong các sản phẩm của hãng.
“Tái chế nhựa sẽ không bao giờ tạo ra tác động đáng kể đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa”, bà Emma Priestland, điều phối viên chiến dịch toàn cầu của Break Free From Plastic, chia sẻ. Bởi nhựa vốn không được sản xuất để tái chế vô thời hạn và dù ở hình thái nào thì cuối cùng nó vẫn có tác động xấu với môi trường.
Vì vậy, bà cho hay các nhãn hàng cần cố gắng hơn nữa trong việc giảm thiểu lượng nhựa sử dụng trong khâu sản xuất và tìm kiếm những giải pháp để thay thế hoàn toàn nhựa, hướng tới một môi trường thực sự xanh.
Nguồn: tiepthigiadinh