Quảng cáo – xúc tiến thương mại trong nền kinh tế Thị trường
Thứ nhất, đối với thương nhân:
Nhờ có quảng cáo, các thương nhân có thể đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng, tạo ra nhu cầu đối với sản phẩm, tăng sức mua, mở rộng thị phần của mình trên thị trường, nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp bằng cách tạo ra một sự hiện diện thương hiệu trong tâm trí khách hàng bằng việc nâng cao tần suất và mật độ quảng cáo cho sản phẩm của mình của thương nhân.
Ngoài ra, quảng cáo còn góp phần hỗ trợ cho việc bán hàng của thương nhân, giảm được một lượng lớn chi phí phải bỏ ra trong việc phân phối sản phẩm vì khách hàng sẽ tự tìm đến mua sản phẩm của thương nhân. Nếu các thương nhâ làm tốt công việc truyền tải thông tin về sản phẩm, gây được ấn tượng tốt cho người tiêu dùng về sản phẩm của mình thì thương nhân đó có thể sẽ khai thác được thị trường đó một cách hiệu quả nhất.
Quảng cáo thương mại cũng giúp duy trì thương hiệu của thương nhân trong mắt người tiêu dùng, nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hình ảnh của thương nhân trước các thương nhân khác.
Thứ hai, đối với người tiêu dùng:
Quảng cáo đem đến cho người tiêu dùng những thông tin cần thiết về sản phẩm, dịch vụ; mang đến cho họ sự lựa chọn có thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ hay không; giúp họ biết đến thương hiệu, giá cả, địa điểm mua bán sản phẩm…
Quảng cáo thương mại đã góp phần định hướng cho người tiêu dùng sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Hoạt động quảng cáo mang đến cho người tiêu dùng sự lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ thông qua việc tiếp cận với các thông tin về sản phẩm từ quảng cáo thương mại.
Thứ ba, đối với xã hội:
Quảng cáo là phương tiện truyền tải thông tin chủ yếu về hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng. Chính vì thế, khi nguồn thông tin quảng cáo được đưa tới khách hàng sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của họ, thương nhân sẽ bán được nhiều hàng hóa hơn, có thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao tổng sản phẩm quốc nội. Quảng cáo thương mại cũng góp phần hình thành nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng và thương nhân.
Hoạt động quảng cáo phát triển mạnh sẽ dẫn đến việc hình thành ngành nghề quảng cáo với tư cách là một hoạt động thương mại độc lập. Chính ngành nghề này sẽ thu hút được một lượng lớn lao động góp phần tạo ra thu nhập cho các thương nhân, người lao động hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng và tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Đối với nền kinh tế : Đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh thương mại mạnh mẽ như hiện nay, vai trò của quảng cáo thương mại là không thể phủ định. Sự phát triển của ngành công nghiệp quảng cáo đã chỉ ra rằng quảng cáo đóng một vai trò ngày càng quan trọng. Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà còn với các nhà phân phối, người tiêu dùng và công chúng. Quảng cáo thương mại là một hình thức xúc tiến thương mại, đóng vai trò là cầu nối giữa người bán hàng và người mua, người sản xuất với người tiêu dùng. Góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa dịch vụ trên thị trường, gián tiếp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh ( thông qua việc nhấn mạnh đặc điểm và những lợi ích của một nhãn hiệu cụ thể hoặc thông qua việc so sánh tính ưu việt của sản phẩm với các sản phẩm cùng loại) và tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế thị trường của quốc gia đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Quảng cáo Vừa là hoạt động xúc tiến Thương mại vừa là một ngành trong nền công nghiệp Văn hóa mà được Đảng Nhà nước chủ trương phát triển trong Văn kiện Đại hội XIII vừa qua