Chủ sở hữu thương hiệu Pin Con Thỏ thu về hơn 1 tỷ mỗi ngày, lập kỷ lục về lợi nhuận

Trong năm 2023, CTCP Pin Hà Nội (Habaco) đạt doanh thu 432 tỷ đồng, tương ứng trung bình mỗi ngày công ty thu về gần 1,2 tỷ đồng và lập kỷ lục lãi ròng 51 tỷ đồng.

Pin Con Thỏ là một trong những thương hiệu “vang bóng một thời”, gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây là sản phẩm của CTCP Pin Hà Nội – Habaco (HNX: PHN) có tiền thân là Nhà máy Pin Văn Điển, thành lập đầu năm 1960. Đến năm 2003, công ty này tiến hành cổ phần hóa.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu Pin Hà Nội cả năm 2023 đạt 432 tỷ đồng, tương ứng trung bình mỗi ngày, công ty thu về gần 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 8% so với năm 2022.

Điểm tích cực là giá vốn hàng bán trong năm qua đã giảm 15% về còn 322 tỷ đồng, chủ yếu do giá kẽm giảm. Nhờ vậy, lợi nhuận gộp được cải thiện, đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng 23%.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Pin Hà Nội đạt 64 đồng và 51 tỷ đồng, tăng lần lượt 37% và 41%. Đây cũng là mức đỉnh lợi nhuận của Habaco từ khi thành lập tới nay.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Pin Hà Nội tăng 26 tỷ so với đầu năm lên hơn 173 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tăng 5 tỷ lên gần 27 tỷ, công ty không sử dụng nợ vay. Ngoài ra, Habaco không vay nợ dài hạn.

Năm 2024, Habaco đặt mục tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt 353,2 triệu viên pin các loại. Doanh thu tiêu thụ pin là 438,7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 60,3 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của Pin Hà Nội đã có sự thay đổi đáng kể từ tháng 12/2019 sau khi Tập đoàn Hóa chất Việt nam (Vinachem) thoái toàn bộ vốn thông qua hình thức đấu giá cổ phần.

Sau đợt thoái vốn trên, GPBI trở thành cổ đông lớn nhất của Pin Hà Nội. Đây là nhà sản xuất pin tiêu dùng và pin sạc hàng đầu châu Á và là công ty thành viên của Gold Peak Industries – công ty đa quốc gia chuyên về sản xuất pin có trụ sở chính đặt tại Hong Kong. Gold Peak Industries niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong từ năm 1984, theo Zing.

Ngoài ra, trong cơ cấu cổ đông còn có Vinachem nắm 2%, ông Phạm Văn Nghĩa – Chủ tịch HĐQT PHN nắm 5% và còn lại là các cổ đông khác.

 

 

Hiện, doanh nghiệp này có sản lượng xuất khẩu ổn định qua các thị trường Lào, Campuchia và đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Ấn Độ, Đông Âu, Trung Á, châu Phi, Nam Phi, Mỹ…

Tại thị trường nội địa, công ty tập trung phân phối sản phẩm tới các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PHN đang có giá 49.500 đồng/đơn vị, tính từ đầu năm 2023 đến nay đã tăng hơn 25%. Kể từ khi niêm yết 2019, Habaco luôn đều đặn chia cổ tức với tỷ lệ trong khoảng 30-40% mỗi năm.

Dù kết quả kinh doanh rất tích cực, cổ tức được trả ở mức cao, đều đặn qua các năm, nhưng mã cổ phiếu PHN thường xuyên không có giao dịch.

Theo một báo cáo mới của Công ty tư vấn McKinssey, thị trường pin và ắc quy trên thế giới sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới: Cho đến năm 2030 nhu cầu pin và ắc quy (tính theo công suất điện) sẽ tăng từ 700 GWh/năm hiện nay lên 4.700 GWh/năm, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm, theo An ninh Tiền tệ.

Trong đó, nhu cầu cho các phương tiện giao thông chiếm phần lớn nhất là 4.300 GWh, phần còn lại thuộc về các ứng dụng như ắc quy lưu trữ năng lượng và pin cho các thiết bị điện tử giải trí.

Như vậy, theo nghiên cứu mới này nhu cầu pin và ắc quy sẽ tăng nhanh hơn rõ rệt so với các dự báo từ trước đến nay.

Theo phân tích của Modor Intelligence, thị trường pin Việt Nam dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ CAGR hơn 7% trong giai đoạn 2022-2027. Các yếu tố như giá pin lithium-ion giảm và nhu cầu ngày càng tăng đối với pin axit-chì dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường pin Việt Nam trong giai đoạn dự báo. Phân khúc ắc quy axit-chì dự kiến sẽ chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn dự báo.

Nguồn: Báo phunumoi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *