Ngày 16/1 vừa qua, Ogilvy – Công ty đa quốc gia về dịch vụ quảng cáo, marketing và quan hệ công chúng đã công bố kết quả cuộc nghiên cứu “The Support Gap: How Financial Services Brands Can Win with Gen Z?” (Tạm dịch “Khoảng cách hỗ trợ: Làm thế nào mà các thương hiệu dịch vụ tài chính có thể lấy lòng GenZ?”).
Trong cuộc nghiên cứu này, ngoài việc phân tích cách các công ty tài chính tiếp cận tệp khách hàng mục tiêu là giới trẻ, Ogilvy còn tiết lộ cả xu hướng tiêu dùng của thế hệ GenZ (những người sinh từ năm 1997 đến 2012).
GenZ – Thế hệ chi tiêu theo cảm xúc, bình thường hóa việc mua sắm hàng xa xỉ
Ogilvy cho biết GenZ là thế hệ có mức chi tiêu theo cảm xúc cao nhất, chiếm đến 58%. Thế hệ này đang trải qua mâu thuẫn lớn trong vấn đề tài chính và phúc lợi.
Họ mong muốn đạt được thành công về tài chính nhưng lại có thói quen chi tiêu quá mức, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang, dẫn đến nợ thẻ tín dụng và nợ quá hạn. Gần 33% người lao động GenZ không tiết kiệm được gì để chuẩn bị cho việc nghỉ hưu trong hai năm qua.
Ảnh minh họa |
Xu hướng chi tiêu theo cảm xúc phổ biến nhất với GenZ (58%) và sau đó là Millennials (52%). Tuy nhiên, xu hướng này giảm dần theo độ tuổi, chỉ còn 19% ở những người từ 59 tuổi trở lên.
Người tiêu dùng trẻ tuổi cho biết họ cảm thấy phấn khích khi mua sắm theo cảm xúc, cảm giác này có nét tương đồng với những cảm xúc khác như khi đạt được phần thưởng (53%), lúc được thư giãn (49%) và cảm giác hài lòng tức thời (42%).
GenZ có xu hướng bình thường hóa thời trang xa xỉ. Họ coi đây là công cụ chính trong việc thể hiện cá tính, xây dựng các mối quan hệ xã hội. Khoảng 73% GenZ cho biết họ thích tận hưởng việc tiêu tiền để có cuộc sống chất lượng cao hơn là để tiền trong tài khoản tiết kiệm.
Ngập trong nợ nần vì các khoản vay trả góp và thẻ tín dụng
Hơn 50% các bạn trẻ là GenZ ở Mỹ đã chậm trả ít nhất 1 tháng các khoản vay trả góp cá nhân. Với GenX (những người sinh năm 1965 đến 1980) và thế hệ Boomers (những người sinh năm 1943 đến 1964), con số tương đương lần lượt là 22% và 10%.
Có thể thấy, thế hệ GenZ và Millennials đang tích lũy nợ qua các khoản vay trả góp và thẻ tín dụng. Dư nợ tín dụng ở Mỹ đã đạt mức kỷ lục là 1,08 nghìn tỷ USD vào quý 3 năm 2023, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1999, với số dư nợ tăng đột biến 154 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Việc gia tăng nợ quá hạn một lần nữa phản ánh mối quan hệ không lành mạnh với tiền bạc của thế hệ GenZ và Millennials.
Tình trạng bi quan trong tình hình tài chính của người trẻ nói chung cũng được phản ánh trong cuộc nghiên cứu của công ty tài chính Freddie Mac (Mỹ) vào năm 2022: 34% GenZ thừa nhận bản thân không có khả năng mua một căn nhà cho riêng mình. Thế hệ GenZ bây giờ được gọi là “thế hệ đi thuê”. Và 68% các bậc phụ huynh ở Mỹ, có con trên 18 tuổi đã phải dùng tiền tiết kiệm hoặc tiền trong quỹ khẩn cấp để hỗ tài chính cho con cái.
GenZ nên làm gì để thoát khỏi tình trạng này?
Học cách phân bổ dòng tiền cá nhân và kiểm soát chi tiêu là cách duy nhất giúp GenZ không rơi vào cảnh nợ nần vì chi nhiều hơn thu. Ngoài ra, cũng vì thói quen chi tiêu bạt mạng đã nhắc tới trong bao quát số liệu, GenZ là đối tượng khách hàng rất tiềm năng của các dịch vụ hỗ trợ tài chính.
Nếu chưa biết phải làm sao để kiểm soát chi tiêu hiệu quả, bạn có thể tham khảo quy tắc 6 chiếc lọ của Harv Eker – Tác giả của 2 cuốn sách Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth).
Theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ để duy trì thói quen tiết kiệm, đồng thời có một lối sống cân bằng (không hưởng thụ quá mức nhưng cũng không phải sống quá khổ, quá tằn tiện).
Harv Eker khuyên bạn nên chia thu nhập hàng tháng thành 6 chiếc lọ, tương đương với 6 khoản quỹ chi tiêu:
Ảnh minh họa |
1. 55% thu nhập cho Quỹ nhu cầu thiết yếu: Chi phí sinh hoạt, ăn uống, di chuyển,…
2. 10% thu nhập cho Quỹ giáo dục: Mua sách, đăng ký tham gia các khóa học cải thiện kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực nghề nghiệp bạn đang theo đuổi.
3. 10% thu nhập cho Quỹ trải nghiệm: Mua các sản phẩm chăm sóc bản thân hoặc mua trải nghiệm mới (đi du lịch, dùng bữa tại các nhà hàng sang trọng,…)
4. 10% thu nhập cho Quỹ tự do tài chính: Hay còn có tên gọi khác dễ hiểu hơn chính là quỹ hưu trí – khoản tiền giúp bạn sống thảnh thơi, an tâm lúc về già.
5. 10% thu nhập cho Quỹ tiết kiệm dài hạn: Khác với quỹ tự do tài chính, quỹ tiết kiệm dài hạn là khoản tiền phục vụ cho các nhu cầu lớn trong cuộc sống của mỗi cá nhân như mua nhà, mua xe, kết hôn,…
6. 5% thu nhập cho Quỹ giúp đỡ người khác: Đây là khoản quỹ để bạn đi làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè…
Harv Eker khuyên mọi người nên chia lập 6 tài khoản ngân hàng khác nhau tương đương với 6 chiếc lọ trên và chia thu nhập vào từng tài khoản vào ngày đầu mỗi tháng để tránh việc khoản quỹ này “lẹm” vào khoản quỹ kia.
Trong trường hợp bạn chưa đủ tự tin để duy trì các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống (chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại), Harv Eker khuyên bạn có thể cân nhắc dồn 5% thu nhập cho Quỹ giúp đỡ người khác vào Quỹ nhu cầu thiết yếu. Ông cũng nhấn mạnh rằng để duy trì thói quen tiết kiệm và có một lối sống cân bằng, khoản Quỹ giúp đỡ người khác là đầu mục duy nhất mà bạn nên cắt bỏ trong thời gian ngắn hạn.
Nguồn: Báo phunumoi