“Nhiều chủ cửa hàng đã thay mới mẫu mã biển hiệu, còn một số đơn vị kinh doanh khác cũng bổ sung thêm biển phụ để khách hàng dễ nhận biết…”. – Đây là những “biến tướng” mới đang diễn ra trên tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân – Hà Nội) mà phóng viên ghi nhận được.
Đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dài khoảng 1,5 km từ nút giao Tôn Thất Tùng đến sông Lừ. Tháng 5/2016, Hà Nội quy định đường Lê Trọng Tấn là tuyến đường kiểu mẫu ở Thủ đô, với hệ thống biển hiệu thiết kế đồng bộ, chiều cao 1,1 m; chiều rộng tối đa bằng chiều rộng công trình, vị trí mép dưới biển hiệu là 3,0-3,2 m, màu sắc có 2 gam màu cơ bản là nền xanh hoặc đỏ và chữ màu trắng. Kinh phí thiết kế biển hiệu do thành phố Hà Nội tài trợ.
Tính đến nay sau 7 tháng đi vào hoạt động nhưng theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến phố kiểu mẫu này hiện nay số lượng các cơ sở kinh doanh “phá mẫu”, thay đổi mẫu biển hiệu theo chuẩn ngày càng nhiều. Cụ thể là một số hộ kinh doanh tự chỉnh sửa biển mẫu để làm biển của thương hiệu. Còn những cửa hàng vẫn sử dụng biển đồng phục thì bổ sung thêm biển phía dưới, thậm chí cả biển đèn Led để khách dễ phân biệt loại hình kinh doanh như đơn vị kinh doanh chăm sóc sức khỏe – xoa bóp, tẩm quất (318 – Lê Trọng Tấn), công ty TNHN đầu tư XDTM Khang Cát (270 – Lê Trọng Tấn…). Nhiều cửa hàng lắp một lúc 2 biển hiệu chồng lên nhau, làm biển quảng cáo chữ nổi hoặc treo cả các tấm pano, áp phích quảng cáo quán ăn dọc theo mặt tiền ngôi nhà, đặc biệt là các cửa hàng kinh doanh thời trang, ăn uống… đã thiết kế lại biển hiệu với màu sắc khác hoặc bổ sung thêm các biển nổi bật hơn khiến diện mạo “đồng phục” trở nên rối loạn.
Chia sẻ với phóng viên, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh trên tuyến phố này đều cho biết, không thể phủ nhận tính văn minh, trật tự nhưng những “đồng phục” biển hiệu với hai màu xanh, đỏ, viền và chữ màu trắng có thể làm giảm hiệu quả kinh doanh của người dân tại đây.
Chủ một quán cafe trên tuyến phố này cho biết, mình đang có ý tưởng thiết kế không gian quán cafe với chủ đề chào đón Noel và năm mới nhưng việc treo bảng tên thuần màu là không phù hợp với bên trong quán. Vì thế, sắp hết hạn hợp đồng, chủ quán cà phê này mong làm sao các cơ quan chức năng có những quy định mềm để việc trang trí biển hiệu hấp dẫn hơn.
Còn các đơn vị kinh doanh theo chuỗi, các đơn vị kinh doanh đã có sẵn bộ nhận dạng thương hiệu, đại đa số đều bày tỏ quan điểm sẽ không lựa chọn thuê ở khu vực này bởi họ sẽ rất khó để cho khách hàng biết rằng họ vừa mở một cửa hàng mới, vì không ai nhận ra họ. Thậm chí việc áp dụng đồng phục biển hiệu kiểu mẫu như thế này rất dễ làm cho khách hàng có thể nghĩ là có người vừa nhái một thương hiệu nổi tiếng.
Theo luật sư Nguyễn Đắc Thực – Giám đốc công ty luật Minh Thư, tôi được biết đây là ý tưởng mới đang được quận Thanh Xuân triển khai thí điểm, sau một thời gian thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm tiếp thu ý kiến của nhân dân, báo chí… để tiếp tục nhân rộng trên một số tuyến phố khác của quận. “Mặc dù quy định với mong muốn đem lại những điều tốt đẹp hơn. Song theo tôi, để phù hợp với thực tiễn, các cơ quan chức năng nên sớm có những điều chỉnh để vừa đảm bảo văn minh đô thị, nhưng vẫn đáp ứng được điều kiện kinh doanh của người dân trên địa bàn” – luật sư Nguyễn Đắc Thực ý kiến thêm.
Theo: panoquangcao.net