18 bước để tự tạo phông chữ cá nhân

Đã có rất nhiều bài viết về thiết kế chữ: từ lịch sử của chữ viết đến các bài hướng dẫn tạo ra các tác phẩm đồ họa chữ chuyên nghiệp. Nhưng chính xác là bạn cần bắt đầu từ đâu nếu muốn tự tạo ra một phông chữ của riêng mình? Tất cả điều đó sẽ có trong bài viết của Jamie Clarke – cựu trưởng nhóm thiết kế Microsoft tại Anh – ở ngay sau đây

1. Hãy bắt đầu với một bản tóm tắt

Bạn có thể bắt đầu với cảm xúc ngẫu hứng của mình. Tuy nhiên, thiết kế kiểu chữ có thể là một cuộc hành trình dài nên bạn cần nghiêm túc trong việc xác định tầm nhìn rõ ràng cho mục đích công việc. Một bản liệt kê ngắn gọn ngay từ đầu cho những yếu tố đặc trưng của phông chữ thì rất cẩn thiết để xác định mình đang thiết kế đúng hướng hay không.

Bạn sẽ cần phải nghiên cứu và tìm cách trả lời các các câu hỏi cơ bản mà bất kì nhà thiết kế nào cũng đã trải qua. Phông chữ sẽ được sử dụng trong trường hợp nào? Trong những dự án đặc biệt hay chỉ đơn giản phục vụ cá nhân? Nó sẽ giải quyết vấn đề gì? Làm thế nào để phông chữ của bạn phù hợp với một bối cảnh thiết kế tương tự? Điều gì làm cho nó độc đáo?

Câu trả lời cho những câu hỏi này hết sức rộng lớn. Ví dụ bạn sẽ tạo ra một phông chữ đặc biệt để tạo ra một hệ thống ghi số tốt hơn cho các tài liệu kĩ thuật và các thông báo đại chúng. Chỉ khi bạn biết phông chữ của bạn sẽ được sử dụng trong thực tế như thế nào, bạn mới có thể thực sự bắt tay vào thiết kế.

2. Lựa chọn các yếu tố cơ bản

Có một số yếu tố cơ bản mà bạn cần cân nhắc lựa chọn sớm. Phông chữ của bạn sẽ là một phông serif hay sans serif ? Nó sẽ dựa trên việc mô phỏng chữ viết tay hay là sử dụng các yếu tố hình học nhiều hơn? Thiết kế của bạn sẽ ưu tiên việc hiển thị nội dung (text face), khiến người đọc thoải mái với kích cỡ nhỏ và phù hợp với các tài liệu dài, hay nó sẽ là ưu tiên thể hiện phong cách (display face) giúp bạn dễ dàng thể hiện trí tưởng tượng và làm việc tốt với các cỡ chữ lớn hơn?

Mẹo: Thiết kế một phông chữ sans serif có thể được thử thách cho người mới bắt đầu, bởi vì khả năng thể hiện đặc trưng cho phông chữ thuộc dạng này cần một sự quan sát tinh tế hơn nhiều phông chữ dạng serif.

3. Những sai lầm sớm

Bạn cần tỉnh táo để tránh một vài sai lầm sau đây.

– Bạn có thể quyết định bắt đầu bằng cách số hóa chữ viết tay của bạn. Đây có thể là một bài tập thực hành hữu ích. Tuy nhiên, bởi vì chữ viết tay rất cá nhân, nên bạn sẽ rất khó để có thể tái sử dụng phông chữ của bạn cho các trường hợp khác.

– Đừng tạo thiết kế của bạn dựa trên phác thảo một kiểu chữ hiện có. ‘Helvetica với đôi cánh’ không phải là một kiểu chữ tốt hơn hoặc giúp bạn phát triển kỹ năng để trở thành một nhà thiết kế thực thụ. Điều đáng tiếc mà tôi muốn nói ở đây là những phông chữ như thế lại thường xuyên được gửi đến các xưởng đúc. Và rõ ràng là nó sẽ không thành công.

4. Sử dụng đôi tay của bạn

Phần lớn các bạn khi cần đến phông chữ cá nhân đều biết cách vẽ dạng chữ (letterform) trên máy, nhưng ngay cả khi bạn là một bậc thầy về vẽ đường cong Bezier, tôi vẫn muốn bạn xác định dạng chữ của mình bằng tay trong những mẫu đầu tiên. Dựng các mẫu kí tự trên máy tính trong trường hợp này có thể là một việc rất vụng về và tốn thời gian.

Hãy cố gắng tạo ra hình dạng duyên dáng trên giấy cho vài ký tự đầu tiên trước khi tinh chỉnh chúng bằng máy tính. Các kí tự sau đó sau đó có thể được xây dựng bằng cách kết hợp các mẫu chữ trong máy, các đặc điểm quan trọng trong bản tóm tắt của bạn, chẳng hạn như điểm dừng và độ rộng nét chữ.

Mẹo: Các nét vẽ tay thì mượt mà tự nhiên, các đường cong thì chính xác hơn trong một vòng cung tạo bởi cánh tay và cổ tay. Để tận dụng điều này, bạn nên di chuyển giấy chứ không phải điều chỉnh lại vị trí hay lấy lại trục quay.

5. Những kí tự nên bắt đầu trước tiên

Thiết kế một số ký tự đầu tiên có thể giúp định hình phong cách cho phông chữ của bạn và chúng cũng có thể được sử dụng để tạo cho các kí tự khác một sự hài hòa. Thường được gọi là “các ký tự điều khiển”, chúng là các chữ cái ‘n’ và ‘o’ trong bộ chữ Latin viết thường và là ‘H’ và ‘O’ trong bộ chữ cái Latin viết hoa. Trong khóa học của Đại học Reading, chúng tôi bắt đầu xây dựng bộ kí tự từ các kí tự trong từ “adhesion”, sau đó thử nghiệm mẫu với các tỉ lệ khác nhau.

6. Giờ là lúc đến với chiếc máy tính của bạn

Có nhiều cách khác nhau để đưa bản vẽ của bạn vào máy tính. Một số người thích các các chương trình tự động, còn tôi thích tự dựng bản vẽ của tôi bởi vì tôi muốn toàn quyền kiểm soát vị trí các điểm trên đường cong. Hầu hết các phần mềm đòi hỏi một bản vẽ rõ nét để làm việc với hiệu quả, vì vậy khi bạn hài lòng với một phác thảo kí tự, cố gắng phác thảo nó với một ngòi bút cứng để có được một bờ nét vẽ tốt và làm đầy hình dạng sau.

Mẹo: Bạn có thể sử dụng máy ảnh của điện thoại để chụp các phác thảo và gửi nó vào máy tính của bạn. Ngày nay, hầu hết chúng đều có chất lượng đủ cao.

7. Lựa chọn phần mềm phù hợp

Giống như tôi, nhiều người vốn chuyên thiết kế đồ họa sẽ lựa chọn Adobe Illustrator để bắt đầu vẽ phông chữ. Đối với các bản vẽ cá nhân và thử nghiệm, điều này là tốt. Tuy nhiên, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng đây không phải là một công cụ tốt để tạo phông chữ. Bạn sẽ không cần phải nghĩ về khoảng cách giữa các chữ cái và từ như trước kia.

Các phần mềm tiêu chuẩn công nghiệp hiện nay là FontLab Studio (Mac và Windows), nhưng các phần mềm mới như Glyphs và Robofont đang thu hút các chuyên gia. Các chương trình này không hề rẻ, nhưng Glyphs có một phiên bản ‘Mini’ trên Mac App Store, với một số chức năng loại bỏ mà người mới bắt đầu không cần tới. Cả hai cũng cung cấp 30 ngày dùng thử miễn phí. Bạn cũng có thể xuất thành quả của mình dưới định dạng phông chuẩn cho nhiều hệ điều hành khác nhau.

8. Sử dụng phần mềm

Tôi đã sử dụng Glyphs. Các nút công cụ được bố trí tốt và có hướng dẫn chi tiết. Nhưng cũng giống như bất kỳ phần mềm khác, bạn cần một chút thời gian làm quen. Giao diện làm việc khá gần với Illustrator, tuy nhiên tôi thấy việc kiểm soát và xử lý các điểm trên đường cong Bezier xác hơn nhiều trong Glyphs.

9. Thử nghiệm với một đoạn văn bản

Khi bạn đã tạo ra được một vài chữ cái, bạn có thể bắt đầu kiểm tra hiển thị của chúng bằng cách gõ vài từ và sử dụng chế độ xem văn bản. Đây lại là một trong những lợi thế chính của Glyphs: bạn có thể chỉnh sửa hình dạng của các kí tự ngay trong một đoạn văn bản để tạo ra sự là hài hòa giữa các kí tự với nhau. Sau đó bạn có thể bắt đầu việc điều chỉnh khoảng cách giữa các chữ, nhịp điệu lên xuống và tinh chỉnh các yếu tố tổng thể như cỡ chữ, dạng chữ và chiều rộng của kí tự, vân vân và vân vân.

10. Để ý các từ

Nhà thiết kế chữ vĩ đại Matthew Carter đã từng nhận xét thế này “Kiểu chữ là một nhóm xinh đẹp của các chữ cái, không phải là một nhóm các chữ cái đẹp”. Vì vậy, bạn cần xem xét thiết kế của mình khi chúng ở trong một dòng hay đoạn văn càng sớm càng tốt.

Khi bạn đã tạo ra một vài ký tự, bạn có thể nhập chúng vào Adhesion Text, một công cụ trực tuyến đưa ra một loạt tổ hợp từ thường dùng trong tự điển chứa các kí tự mà bạn vừa tạo ra. Mở InDesign và đưa các tổ hợp từ này vào một khung văn bản. Bạn cần kiểm tra với các kích thước phông chữ khác nhau để so sánh. Cuối cùng, bạn xuất phông chữ của bạn ra và đưa nó vào văn bản để kiểm tra mục tiêu của mình.

Mẹo: bạn nên sử dụng các phần mềm quản lý phông như Font Book, FontExplorer để việc này dễ dàng hơn. Trên máy Mac, đưa phông chữ của bạn thẳng vào /Library/Application Support /Adobe/Fonts/  và chọn nó trong danh sách là bạn có thể ngay lập tức kiểm tra ảnh hưởng đến việc hiển thị của dòng và đoạn văn của các sản phẩm Adobe .

11. Nghiên cứu các kiểu chữ khác

Để tạo ra một phông chữ đáng tin cậy, bạn cần phải nghiên cứu phông chữ tốt khác. Đánh giá chúng bằng tư duy phản biện và góc nhìn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, sẽ giúp bạn hiểu lý do tại sao tác giả lựa chọn mẫu thiết kế này. Hãy chú ý quan sát việc các hình dạng đã làm việc với nhau một cách nhất quán như thế nào. Từ đó tạo được điểm đặc biệt và giá trị cho phông chữ mà bạn tạo ra.

Đây là chủ đề cho một bài viết hoàn toàn khác và có rất nhiều sách tốt giúp bạn làm được điều đúng đắn trên con đường này. Lời khuyên của tôi dành cho bạn là hãy quan sát những phông chữ tương tự phông chữ của bạn, và phông chữ được chấp nhận rộng rãi trong số đó là một ví dụ không thể bỏ qua.

12. Bạn đã thử cỡ chữ nhỏ chưa?

Điều quan trọng ở đây là bạn cần đánh giá phông chữ của bạn với các cỡ chữ khác nhau, với những văn bản mẫu khác nhau. Tùy thuộc vào những tiêu chí mà bạn đặt ra ở bước một mà bạn ưu tiên thử vỡi cỡ chữ nào. Ví dụ nếu bạn cần một phông chữ dễ đọc, hãy thử với cỡ chữ nhỏ. Ngược lại, bạn nên chú ý cách hiển thị văn bản khi đọc ở khoảng cách xa.

Một sự thay đổi về kích cỡ chữ có thể tạo ra sự phiền hà không đáng có. Quan sát hình dạng của chữ cái của bạn ở kích thước khác nhau là một bài tập tốt để thực hành.

13. In phông chữ lên giấy

Hãy in sản phẩm của bạn lên giấy và quan sát nó. Việc loại bỏ sự hạn chế của điểm ảnh và đèn nền sẽ giúp bạn đánh giá phông chữ kĩ hơn từ góc độ khác nhau. Đối với tôi, các kĩ tự méo mó, lạc nhịp, cao thấp không đều, nét chữ không đều,.. dễ dàng được phát hiện khi chúng được in ra.

Việc ghi chú và phác thảo điều chỉnh cũng trở nên dễ dàng hơn. Một lợi ích khác của in ấn là có thể giúp bạn theo dõi sự tiến bộ của mình, từ đó có thể xác định được việc bạn còn cách đích bao xa.

14. Không chỉ là từ A đến Z

Phông chữ của bạn có thể chỉ là một tập hợp hạn chế kí tự vì nó được dùng cho một dự án cụ thể hay đơn thuần cá nhân. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là làm cho nó được sử dụng bởi các nhà thiết kế khác, cho một loạt các dự án khác, bạn cần phải làm cho nó linh hoạt và có một bộ ký tự lớn mà thông thường là các dấu mũ, các dấu phụ ghi âm, chữ số, chữ ghép và nhiều hơn thế nữa.

15. Phong cách, dạng chữ và độ rộng

Một dạng chữ có độ rộng lớn sẽ thường che dấu những chi tiết nhỏ mà bạn đã cố gắng tạo ra. Khi nhà thiết kế được lựa chọn một phông chữ đặc biệt, cô ấy có thể sẽ chọn một phông chữ có màu sắc kèm theo. Phông chữ của bạn liệu có dạng chữ nghiêng thực sự? Bạn đã thiết kế dạng chữ béo chưa? Hãy ghi chú điều này trong bản tóm tắt của bạn và thường xuyên nhắc nhở mình bám theo.

16. Bạn đã sẵn sàng cho các ngôn ngữ khác chưa?

Bạn đã tạo ra một cái gì đó mà bạn đang khá tự hào. Bạn đã bắt đầu với một kiểu chữ Latin? Ok. Vậy còn 250 triệu độc giả sử dụng Cyrillic ở Đông Âu và Trung Á? Hoặc 220 triệu độc giả chỉ biết chữ Devanagari ở Ấn Độ và Nepal?

Có một thị trường ngày càng tăng về các kiểu chữ phi Latin và hầu hết các phông chữ hiện tại đang bỏ qua thị trường đó. Một câu hỏi phổ biến mà tôi cũng đã tự hỏi mình là: “Có thể thiết kế những mẫu tự tốt cho một ngôn ngữ mà người thiết kế không biết đọc hay không?” Câu trả lời dứt khoát là có. Dù phải mất rất nhiều nghiên cứu, học hỏi về lịch sử và văn hóa, gặp gỡ người bản ngữ và khám phá những ví dụ lịch sử, nhưng một số lượng lớn các phông chữ tuyệt vời đã được tạo ra theo cách này trong nhiều thập kỉ qua.

17. Thử nghiệm

Khi bạn tạo ra được một cái gì đó hữu ích, bạn sẽ muốn bắt đầu thấy cách nó được sử dụng như thế nào trong môi trường mà bạn đã đặt ra trong tóm tắt ban đầu . Hãy thử sử dụng phông chữ của bạn vào một số dự án thiết kế trước đây, thay cho kiểu chữ gốc. Tạo một số tác phẩm nghệ thuật cụ thể dưới áp lực như công việc thật, hoặc có thể nhờ một người bạn thiết kế kiểm tra và phản hồi chân thực về sản phẩm của mình.

18. Đọc thêm

Trọng tâm của bài viết này là nhấn mạnh những thứ hữu ích nhất mà tôi đã học được trong khóa học thiết kế phông chữ. Vì vậy, nó có thể thiết sót rất nhiều và đôi chỗ không hợp lý. Bạn có thể tham khảo các trang sau đây để mở rộng kiến thức của mình về lĩnh vực vô cùng thú vị và giàu tiềm năng phát triển trong tương lai.
– I Love Typography – Hướng dẫn khởi đầu tốt, nếu bạn có đam mê

– Thinking with Type – Một nguồn tài nguyên tốt cho những ai hứng thú với thiết kế chữ.

– Typographica.org – Nơi thảo luận về danh sách tham khảo tốt

– Type Cooker – Các bài luyện tập về chữ

– Typeface design – Nơi trưng bày những sản phẩm cuối cùng từ các khóa học  của Đại học Reading

– 8 Faces – Phỏng vấn các nhà thiết kế hàng đầu về nghệ thuật sắp chữ và kí tự.

– Adhesion text  – Độ bám dính văn bản –  Dịch vụ tạo từ online

– Diacritics Project – Tất cả những điều bạn cần biết khi thiết kế phông chữ với trọng âm

Nguồn: arena.fpt.edu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *