VTV.vn – Đây là khẳng định của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tại Hội thảo nhóm chuyên gia về phòng chống tác hại thuốc lá diễn ra ngày 10/10.
Hình minh họa.Loạn thần vì sử dụng thuốc lá điện tửHệ lụy khôn lường của thuốc lá điện tử
Hội thảo do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và Quỹ Bloomberg Philanthropies tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTHTL cho biết, Việt Nam luôn xác định phòng chống tác hại thuốc lá là vấn đề y tế công cộng được quan tâm hàng đầu. Việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt nam là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua. Các bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ giới Việt Nam. Hơn 75% các ca tử vong ở Việt Nam hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính.
Được sự hỗ trợ và đồng hành của Quỹ Bloomberg Philanthropies trong 10 năm qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hành lang pháp lý cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã dần hoàn thiện, đánh dấu bằng sự ra đời của Luật PCTHTL năm 2012 với các quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá, các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và tạo nguồn kinh phí bền vững cho công tác PCTHTL tại Việt Nam.
Với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, Quỹ PCTHTL đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị- xã hội để thực hiện công tác PCTHTL. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận:
Hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá ngày càng được đẩy mạnh tại các tỉnh/thành phố trong cả nước. Mạng lưới về PCTHTL được thành lập với hơn 20 bộ ngành và các tổ chức chính trị xã hội, 63 tỉnh, thành phố. Ngày càng có nhiều các cơ quan, tổ chức, các trường đại học, các viện nghiên cứu tham gia vào hoạt động PCTHTL. Công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc được tổ chức trên toàn quốc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; Các sự kiện truyền thông tại cộng đồng đã được các địa phương chủ động lồng ghép vào các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch; Nhiều sáng kiến được triển khai như mô hình “Gia đình có sức khỏe-không khói thuốc” và “Tổ ấm không khói thuốc”, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với các phong trào” thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”, cùng các sự kiện cộng đồng không khói thuốc: sự kiện Festival Huế không khói thuốc, Lễ hội “Đền Hùng không khói thuốc”, Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản không khói thuốc, Festival Biển Hạ long không khói thuốc…
Hiện tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong nam giới từ 15 tuổi trở lên giảm từ 42,3% (năm 2020) xuống 38,9% (năm 2022). Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong học sinh độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022).
“Những kết quả trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như những nỗ lực của Bộ Y tế, của Quỹ PCTHTL trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Những thành quả này có phần hỗ trợ rất lớn của Quỹ Bloomberg Philanthropies và các tổ chức quốc tế và trong nước cho các hoạt động PCTHTL tại Việt Nam – PGS Khuê nhấn mạnh.
Bên cạnh những thành công nhất định trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn như: Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật PCTHTL còn chưa được thường xuyên, giá thuốc lá rẻ, bày bán khắp nơi; Vi phạm quảng cáo, trưng bày tại điểm bán còn phổ biến; Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao, đặc biệt là nam giới, tỷ lệ hút thuốc lá trong nữ giới gia tăng, sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đang đe dọa những thành quả hoạt động PCTHTL của Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.
Tại Hội thảo PGS.TS Lương Ngọc Khuê bày tỏ và mong muốn Quỹ Bloomberg Philanthropies và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và Luật PCTHTL, đặc biệt là vấn đề tăng thuế thuốc lá; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tác hại của các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới trên cả các phương tiện truyền thông truyền thống và mạng xã hội. Tiếp tục tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực hiện các chính sách giảm cung và giảm cầu đối với các sản phẩm thuốc lá. Tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực cho Quỹ PCTHTL và mạng lưới cán bộ tham gia công tác PCTHTL của Việt Nam…
Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại thuốc lá điện tử đang có xu hướng tăng nhanh trong đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ. Theo các chuyên gia, cần phải có sự phối hợp liên ngành trong phòng chống tác hại thuốc lá và cần tạo ra một phong trào rộng khắp. Tại Hội nghị, ngoài nghe các báo cáo về tình hình phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam và các vấn đề liên quan, các đại biểu đã thảo luận và tìm giải pháp 5 nhóm vấn đề là: Thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc; Cai nghiện thuốc lá và thuốc lá mới; Cảnh báo sức khỏe; Quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; Thuế và giá thuốc lá.
Nguồn: VTV.VN