Trong thời đại hiện nay, Marketing được đánh giá là một trong những ngành nghề thu hút các bạn trẻ thử sức bởi môi trường làm việc sáng tạo, năng động. Trong bài viết này, chúng mình hãy cùng tìm hiểu qua về khái niệm Marketing là gì, cũng như những yêu cầu và cơ hội việc làm dành cho Marketer tương lai nhé! Cùng bắt đầu với mình ngay nhé!
I. Marketing là gì?
1. Định nghĩa nghề nghiệp
Marketing là quá trình khám phá, tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khách hàng nhằm đem đến tối đa giá trị cho khách hàng bằng nhiều cách khác nhau. Qua đó, doanh nghiệp tạo dựng được mối quan hệ tốt với khách hàng và nhận lại những lợi ích về kinh doanh.
2. Chiến lược 4P trong Marketing
Mô hình Marketing Mix (4P) hay còn gọi là Marketing hỗn hợp được Edmund Jerome McCarthy đưa ra lần đầu tiên vào năm 1960. Đây là một công cụ cơ bản nhất để thực hiện một chiến lược marketing bao gồm 4 yếu tố: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (phân phối), Promotion (xúc tiến).
Hiện nay, mô hình này cũng đã được nâng cấp lên thành 7P: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến), People (con người), Process (quy trình), Physical Evidence (cơ sở vật chất). Tuy nhiên trong bài này, chúng ta sẽ chỉ tìm hiểu kỹ về mô hình 4P cơ bản.
– Product (sản phẩm): Các yếu tố về sản phẩm là tính năng, công dụng, bao bì, thiết kế,… Yếu tố sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng, giúp khách hàng giải quyết được vấn đề cụ thể nào đó. Ví dụ như khách hàng cần dùng máy giặt để giặt đồ, điện thoại để gọi điện, laptop để làm việc online,… Chiến lược sản phẩm trong Marketing là các kế hoạch theo dõi vòng đời sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, kế hoạch tung sản phẩm, thiết kế sản phẩm,…
– Price (giá cả): Giá cả hay chi phí khách hàng bỏ ra khi mua sản phẩm là một yếu tố rất quan trọng. Vì phần lớn khách hàng quan tâm nhiều đến số tiền mình phải bỏ ra cho một sản phẩm/dịch vụ nào đó. Các chiến lược định giá sản phẩm hiện nay là định giá theo chi phí, định giá hớt váng, định giá xâm nhập.
– Place (phân phối): Các yếu tố về phân phối là vị trí và cách phân bố cửa hàng, phân phối sản phẩm đến các địa điểm,… Chiến lược phân phối sản phẩm phải dựa trên hành vi mua hàng của người tiêu dùng để biết được những kênh mua hàng chính cũng như các địa điểm khách hàng thường xuyên đến để mua hàng. Bên cạnh đó, chiến lược phân phối cần gắn chặt với các hoạt động logistic để đảm bảo quá trình vận hành, luân chuyển sản phẩm được suôn sẻ.
– Promotion (xúc tiến): Đây là yếu tố mà nhiều người có thể nhận thấy nhất trong hoạt động Marketing. Promotion gồm các yếu tố quảng cáo, PR, event, khuyến mãi, các kênh truyền thông,… Chiến lược xúc tiến vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp vì đó là kênh thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp và khách hàng. Giúp doanh nghiệp hiểu rõ về mong muốn, hành vi khách hàng cũng như giúp khách hàng nhận được các thông tin khuyến mãi, thông báo từ doanh nghiệp.
3. Vai trò của Marketing trong doanh nghiệp
– Cung cấp thêm thông tin cho khách hàng: Đây là một trong các nhiệm vụ của chiến lược Promotion nhằm giúp đem thông tin các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm đến cho khách hàng qua các kênh truyền thông. Cụ thể như các kênh mạng xã hội, website, OOH, email,…
– Mở rộng cơ hội cạnh tranh: Một doanh nghiệp làm Marketing tốt sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh cao so với các đối thủ trên thị trường. Bên cạnh đó, các chiến dịch Marketing sáng tạo, độc đáo có thể giúp cho doanh nghiệp có một chỗ đứng cao trong khách hàng so với các đối thủ cạnh tranh khác.
– Xây dựng mối quan hệ và lòng tin vững chắc: Thông qua các hoạt động PR trong Marketing và các chương trình chăm sóc khách hàng, hoạt động xã hội,… hình ảnh doanh nghiệp sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong mắt khách hàng. Từ đó xây dựng được sự tin tưởng, niềm yêu quý của khách hàng dành cho các sản phẩm/ dịch vụ cũng như chính thương hiệu doanh nghiệp.
– Dễ dàng tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng: Nhờ kế hoạch Marketing xúc tiến qua các kênh truyền thông mạng xã hội như Facebook, Instagram,… cùng các nền tảng website, ứng dụng điện thoại mà doanh nghiệp ngày nay có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng của mình một cách dễ dàng, hơn rất nhiều so với trước đây.
– Hỗ trợ và nâng cao doanh số bán hàng: Mục tiêu cuối cùng của Marketing chính là thúc đẩy được khách hàng yêu thích và mua sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Vì vậy, một chiến dịch Marketing tốt có thể giúp doanh nghiệp nâng cao doanh số đôi khi tốt hơn cả đội ngũ sales – bán hàng.
– Tạo dựng thương hiệu chuyên nghiệp: Những thông điệp hay, độc đáo, gắn chặt với hình ảnh của doanh nghiệp qua các chiến dịch truyền thông Marketing là một vũ khí chiến lược. Nó có thể giúp cho thương hiệu của doanh nghiệp tạo được một vị trí nhất định trong tâm trí khách hàng, khiến cho họ nghĩ ngay đến thương hiệu khi xuất hiện nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp đang kinh doanh.
– Tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ: Chiến lược Marketing vững vàng, bám sát mục tiêu kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và tận dụng tốt nguồn lực của doanh nghiệp. Tựu chung có thể giúp cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và vững vàng hơn trong tương lai.
4. Tầm quan trọng của chiến lược Marketing
Nhìn chung, chiến lược Marketing đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với cả hai phía doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, chiến lược Marketing có thể giúp tìm kiếm và xác định khách hàng tiềm năng, cùng với đó là tìm hiểu được nhu cầu, mong muốn của khách hàng để từ đó dễ dàng đưa ra các kế hoạch kinh doanh phù hợp, đúng đắn. Bên cạnh đó, nó còn giúp doanh nghiệp nhìn rõ hơn các đối thủ cạnh tranh của mình trên thị trường nhằm đưa ra các hoạt động hiệu quả để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Đối với người tiêu dùng, Marketing giúp họ có thể được đáp ứng các nhu cầu, mong muốn về sản phẩm, được đóng góp ý kiến và phản hồi về sản phẩm, dịch vụ. Điều này giúp cho trải nghiệm mua và sử dụng sản phẩm/dịch vụ của khách hàng được tối ưu hơn. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể được nắm bắt các thông tin cần thiết về sản phẩm/dịch vụ và về doanh nghiệp một cách dễ dàng, nhanh chóng.
II. Phân biệt Marketing với các khái niệm liên quan
1. Marketing và quảng cáo
Marketing và quảng cáo là hai khái niệm mà rất nhiều người bị nhầm lẫn, kể cả những sinh viên đang theo học ngành Marketing. Sự khác nhau giữa chúng nằm ở việc Marketing bao gồm rất nhiều hoạt động từ nghiên cứu khách hàng, xây dựng chiến lược sản phẩm, xúc tiến, giá cả và xúc tiến. Còn quảng cáo chỉ là một phần trong chiến lược xúc tiến.
Vì vậy có thể thấy rằng, Marketing bao hàm cả hoạt động quảng cáo. Nhiều người nhầm lẫn quảng cáo là Marketing bởi vì họ thường chỉ được tiếp cận với thông tin của doanh nghiệp qua các hoạt động quảng cáo trên TV, mạng xã hội.
2. Marketing và bán hàng
Marketing và bán hàng là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Marketing tập trung vào khách hàng, tìm hiểu nhu cầu để tạo ra giá trị cho khách hàng, tạo mối liên hệ tốt với khách hàng khiến cho họ dần yêu thích sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Còn bán hàng thì tập trung vào việc làm thế nào để bán được tối đa sản phẩm để có thể đem về doanh thu cao nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một điều lưu ý là mục tiêu cuối cùng của Marketing cũng là để hỗ trợ tăng doanh số cho bên bán hàng của doanh nghiệp.
3. Marketing và xây dựng thương hiệu
Giống như khái niệm quảng cáo, xây dựng thương hiệu cũng là một phần của Marketing và nó có sự liên quan chặt chẽ đến các hoạt động Marketing. Hay nói một cách khác thì Marketing bao gồm cả mục tiêu xây dựng thương hiệu trong tâm trí của khách hàng. Qua các thông điệp, hình ảnh, video mà các chiến dịch truyền thông truyền tải, khách hàng sẽ hình dung được một bức tranh về thương hiệu và đặc điểm của doanh nghiệp đó. Một chiến dịch Marketing thì luôn phải đi theo đúng định hướng mà doanh nghiệp đã xây dựng từ đầu cho thương hiệu đó.
4. Marketing truyền thống và Marketing hiện đại
Marketing truyền thống chỉ về các hoạt động sáng tạo, truyền thông, quảng cáo sản phẩm, truyền tải thông điệp qua các phương tiện như phát tờ rơi, quảng cáo ngoài trời, hội chợ thương mại, quảng cáo trên TV, báo giấy,… Nó khác với Marketing hiện đại vì không có sự trợ giúp nhiều của công nghệ kỹ thuật số và Internet.
Trong khi đó Marketing hiện đại tận dụng tối đa sự phát triển của Internet và kỹ thuật số để thực hiện các chiến dịch xúc tiến. Hình thức này còn được gọi là Digital Marketing, hình thức Marketing hiện đại mà bất kỳ doanh nghiệp nào ngày nay cũng nên chú trọng và khai thác.
III. Các hình thức Marketing hiện nay
– Outbound Marketing: Đây là hình thức tiếp thị liên quan đến việc truyền tải một thông điệp đến người tiêu dùng thông qua các hình thức tiếp cận chủ động. Nhằm để nâng cao nhận thức về sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, bất kể khách hàng có quan tâm hay không.
– Inbound Marketing: Tập trung vào việc thu hút khách hàng hơn là làm phiền và gián đoạn họ. Inbound được xây dựng dựa trên ba tiêu chí: thu hút, tương tác và thỏa thích. Mục tiêu ban đầu là tạo ra nội dung cùng trải nghiệm có giá trị cộng hưởng với khán giả và thu hút họ đến với doanh nghiệp. Sau đó, tiếp tục thu hút khách hàng thông qua các công cụ trò chuyện như tiếp thị qua email và chatbot,… Cuối cùng làm hài lòng khách hàng bằng cách đóng vai trò là một chuyên gia cố vấn để lắng nghe và đồng cảm với những vấn đề mà họ đang gặp phải.
– Traditional Marketing: Hay Marketing truyền thống là các hoạt động sáng tạo, truyền thông qua các phương tiện truyền thống như phát tờ rơi, quảng cáo ngoài trời, hội chợ, quảng cáo trên TV, báo giấy,… mà không cần nhiều đến sự trợ giúp của kỹ thuật số và Internet.
– Word of Mouth Marketing: Tiếp thị truyền miệng (WOM) là tận dụng sự ảnh hưởng và thuyết phục của chính người tiêu dùng để quảng bá sản phẩm. Mặc dù bạn không thể ép buộc một khách hàng giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp. Song bạn có thể thực hiện các chiến dịch, chương trình để thúc đẩy điều đó như tạo nội dung có thể chia sẻ, có tính lan truyền, cung cấp các chương trình giới thiệu, khách hàng thân thiết,…
– Digital Marketing: Trái ngược với Traditional Marketing, Digital Marketing tận dụng công nghệ và Internet để tiếp cận khán giả theo những cách mới. Loại tiếp thị này bao gồm tất cả các nỗ lực tiếp thị trực tuyến. Các doanh nghiệp tận dụng các kênh kỹ thuật số, chẳng hạn như công cụ tìm kiếm, phương tiện truyền thông xã hội, mạng xã hội, email, website để kết nối với khách hàng của mình.
– Influencer Marketing: Là hình thức Marketing mà doanh nghiệp nhờ vào sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo hoặc review về sản phẩm/dịch vụ đang kinh doanh đến khách hàng mục tiêu của họ. Các Influencer sẽ được trả mức phí tương ứng với mức độ nổi tiếng của họ.
– Search Engine Optimization(SEO): Bao gồm tất cả các chiến lược nhằm đảm bảo doanh nghiệp của bạn được hiển thị trên các trang đầu tiên của công cụ tìm kiếm như Google, Bing,… mà không phải mất chi phí quảng cáo. Với các kỹ thuật SEO và nội dung hữu ích, phục vụ tốt cho người dùng, bạn có thể đưa bài viết của website công ty lên vị trí số một khi người dùng tìm kiếm một từ khóa cụ thể.
– Social Media Marketing: Với các nền tảng như Facebook, Instagram, LinkedIn và Twitter, các doanh nghiệp ngày càng dễ dàng hơn trong việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm/ dịch vụ đang kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tương tác với khách hàng một cách dễ dàng, thân thiện hơn. Chìa khóa thành công đối với hình thức này là nội dung phù hợp và có tính nhất quán.
– Content Marketing: Liên quan đến việc tạo, xuất bản và phân phối nội dung cho đối tượng mục tiêu thông qua các kênh truyền thông mạng xã hội, blog, video, sách điện tử (eBook) và website. Mục tiêu là cung cấp các thông tin đến khách hàng trong hành trình lựa chọn, quyết định mua và sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.
– Event Marketing: Là các kế hoạch tổ chức các sự kiện phục vụ cho mục đích Marketing như hội thảo, triển lãm thương mại, sự kiện ra mắt sản phẩm mới,… Các sự kiện này giúp doanh nghiệp có thể kết nối với đối tượng mục tiêu của họ một cách trực tiếp, thực tế nhằm xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
– Viral Marketing: Là hình thức Marketing theo quy tắc lan truyền thông tin. Cụ thể là các chiến dịch tận dụng khả năng lan truyền, chia sẻ nhanh chóng, mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.
– Trade Marketing: Tiếp thị thương mại liên quan đến việc tập trung thúc đẩy nhu cầu sản phẩm ở cấp độ nhà bán buôn, nhà bán lẻ hoặc nhà phân phối hơn là cấp độ người tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải tiếp tục duy trì nhu cầu mua ở người tiêu dùng cuối bằng các kế hoạch và chiến lược song song.
– Affiliate Marketing: Là một hình thức Marketing chéo trên nền tảng online bằng cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của người khác hoặc nhãn hàng khác thông qua các đường link. Nếu có ai đó đăng ký mua hàng thông qua đường link đấy thì bạn sẽ nhận được một số tiền gọi là tiền hoa hồng.
– Email Marketing: Tiếp thị qua email là hoạt động gửi thông điệp thương mại, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho nhóm khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp có sử dụng email. Nhằm thông tin đến khách hàng một cách cá nhân hóa, thúc đẩy chuyển đổi hành vi mua của khách hàng.
– Brand Marketing: Là các chiến dịch Marketing nhằm định hình nhận thức của công chúng về thương hiệu cùng với tạo kết nối cảm xúc với khách hàng mục tiêu thông qua cách kể chuyện, sự sáng tạo và truyền cảm hứng. Mục tiêu của Brand Marketing là kích thích tư duy, tạo ra các cuộc thảo luận để thương hiệu của doanh nghiệp được ghi nhớ và gắn liền với tình cảm tích cực.
– Video Marketing: Theo một nghiên cứu của Wyzowl năm 2021, 87% nhà tiếp thị cho rằng việc sử dụng video trong chiến lược Marketing của họ làm tăng tỷ lệ ROI. Video có thể nâng cao nhận thức về thương hiệu, tạo chuyển đổi và thúc đẩy giao dịch. Một số ứng dụng Video Marketing còn cho phép bạn phân tích, lưu trữ điểm các khách hàng tiềm năng dựa trên hoạt động của họ.
– Personalized Marketing: Dịch sang tiếng Việt là tiếp thị cá nhân, tiếp thị một hoặc tiếp thị riêng lẻ. Đây là chiến lược tiếp thị mà doanh nghiệp tận dụng công nghệ kỹ thuật số và phân tích dữ liệu để truyền tải thông điệp về sản phẩm, chương trình khuyến mãi cho từng khách hàng hiện tại hoặc khách hàng tiềm năng.
IV. Mô tả công việc của một Marketer
1. Marketer là gì?
Hiểu đơn giản, Marketer là những chuyên gia, người làm việc trong lĩnh vực Marketing. Họ có kiến thức sâu rộng không chỉ về Marketing mà còn về các lĩnh vực khác liên quan đến kinh tế, công nghệ, tâm lý, hành vi con người nhằm phục vụ cho việc lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch Marketing cho công ty, nhãn hàng.
2. Công việc chung của nhân viên Marketing
Trên thực tế, ngành Marketing phân ra rất nhiều vị trí khác nhau và có những đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên nhìn chung, có những công việc mà phần lớn Marketer nào cũng cần phải thực hiện như:
– Đặt mục tiêu và lên kế hoạch cụ thể: Việc đầu tiên và quan trọng nhất mà một Marketer cần phải làm đó là đặt mục tiêu cho chiến dịch hay kế hoạch Marketing. Việc đặt mục tiêu nhìn bên ngoài có vẻ đơn giản nhưng thực chất nó rất khó và cần có sự phân tích sâu để xác định được mục tiêu hiệu quả. Mục tiêu Marketing đặt ra cần phải phù hợp với mục tiêu kinh doanh và phải giúp doanh nghiệp đạt được một kết quả cụ thể nào đó. Sau khi đặt mục tiêu, điều tiếp theo là lên một kế hoạch tổng quan cho chiến dịch nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
– Nghiên cứu, đo lường và phân tích: Để quá trình lập và thực thi kế hoạch được hiệu quả, Marketer cần phải thực hiện nghiên cứu rất nhiều từ nghiên cứu tại bàn, nghiên cứu định lượng đến nghiên cứu định tính, kết hợp với các phòng ban liên quan để thu thập thông tin cần thiết. Sau đó, dựa trên dữ liệu thu thập được để phân tích nhằm đưa ra các quyết định quan trọng.
– Xác định đúng phân khúc khách hàng: Dù làm việc ở mảng nào trong Marketing thì việc xác định phân khúc khách hàng mục tiêu đều đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trước tiên, bạn cần phải tìm hiểu sơ bộ các yếu tố cơ bản, thông tin của khách hàng để tiến hành phân khúc thành các nhóm khách hàng khác nhau. Sau đó, dựa vào các chỉ tiêu đã đề ra chọn một hoặc một vài phân khúc tiềm năng nhất để tập trung cho kế hoạch Marketing của mình.
– Duy trì quan hệ thân thiết với khách hàng: Khách hàng luôn luôn là đối tượng cần phải quan tâm. Do đó, khi lập các kế hoạch và triển khai chiến dịch Marketing, bạn phải có các hoạt động hoặc nội dung tạo sự liên kết, xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng để họ yêu thích thương hiệu hơn.
– Sáng tạo nội dung mới lạ, đa kênh: Một trong những đặc trưng của Marketing là sự sáng tạo, tính độc đáo. Vì vậy trong bất kỳ chiến dịch Marketing nào, bạn cũng cần phải sáng tạo ra nội dung khiến khách hàng cảm thấy thu hút và thú vị. Bên cạnh đó, Marketer còn phải tìm hiểu về nhiều kênh truyền thông khác nhau từ online đến offline để tối ưu điểm chạm của khách hàng với thương hiệu.
– Theo dõi và học hỏi từ đối thủ trong ngành: Muốn biết mình đang làm tốt hay không thì bạn cần phải so sánh với các đối thủ trực tiếp trên thị trường. Bạn nên tìm hiểu về các chiến dịch mà đối thủ đã thực hiện thành công, những điểm mạnh, điểm yếu, điểm mới lạ của họ để có thể học hỏi và đưa ra các chiến lược phù hợp để cạnh tranh.
V. Những kỹ năng cần có của Marketer
1. Khả năng thích nghi và làm việc linh hoạt
Thực tế thì Marketer luôn phải đối diện và thích ứng với sự thay đổi chóng mặt của các xu hướng cùng những cải tiến của công nghệ trên thị trường mỗi ngày. Do đó, khả năng thích nghi và làm việc một cách linh hoạt là điều rất cần thiết. Marketer cần phải biến những điều đó thành cơ hội để phát triển bản thân và thay đổi kế hoạch cho phù hợp với tình hình thị trường một cách nhanh chóng.
2. Kỹ năng phân tích nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường là bước cần thiết trong bất kỳ giai đoạn nào của Marketing từ lập mục tiêu, phân khúc, tìm insight khách hàng,… Nghiên cứu thị trường để tìm hiểu về tình hình thị trường chung, về đối thủ cạnh tranh và chính khách hàng mục tiêu.
Vì vậy, Marketer cần phải luyện tập kỹ năng thu thập thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn, học cách sử dụng các phần mềm phân tích, thống kê. Và áp dụng một cách hiệu quả cho việc lập kế hoạch cũng như đưa ra các quyết định quan trọng.
3. Kỹ năng quan sát và lắng nghe
Để hiểu được khách hàng một cách sâu sắc, ngoài những nghiên cứu định tính hay định lượng, doanh nghiệp còn phải dùng đến các khả năng khác như quan sát và lắng nghe. Marketer có thể quan sát khách hàng bằng nhiều cách khác nhau như quan sát hành vi khách hàng ngay tại địa điểm bán lẻ hoặc thông qua camera giám sát. Ngoài ra, bạn cũng cần phải có khả năng lắng nghe ý kiến của khách hàng và các nhân viên trực tiếp tiếp xúc với khách hàng để tìm hiểu về đặc điểm của nhóm khách hàng mục tiêu.
4. Kỹ năng giao tiếp tốt
Là một Marketer bạn sẽ phải giao tiếp với rất nhiều đối tượng khác nhau từ nhà quản lý, đến nhân viên của các phòng ban như sales, bộ phận sản xuất, chăm sóc khách hàng,… và đặc biệt là với các đối tác, khách hàng của công ty. Do đó, bạn cần có một kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng đàm phán và thuyết phục khéo léo, đem đến sự hài lòng cho người đối diện. Kỹ năng này đặc biệt quan trọng đối với các vị trí Account trong các Agency vì phải gặp mặt, trao đổi với rất nhiều đối tượng khác nhau từ trong đến ngoài công ty.
5. Làm việc nhiệt tình và sáng tạo
Marketing là một công việc vô cùng thú vị tuy nhiên cũng có rất nhiều yêu cầu kèm theo, nhất là sự sáng tạo và nhiệt huyết. Sự sáng tạo giúp cho các kế hoạch và chiến dịch trở nên mới lạ và độc đáo hơn, khả năng sẽ đem về kết quả tốt cho doanh nghiệp. Còn sự nhiệt tình, hăng say sẽ giúp cho bạn đam mê với công việc và không cảm thấy bị đuối sức khi đến mùa “chạy deadline” cho dự án.
6. Kỹ năng làm việc nhóm
Đã là một Marketer thì bạn chắc chắn sẽ làm việc nhóm và phải làm việc nhóm rất nhiều. Bởi vì việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch Marketing gồm rất nhiều giai đoạn khác nhau, cần sự hợp tác và làm việc của rất nhiều người.
Đặc biệt, các buổi brainstorm diễn ra khá thường xuyên để cả team tìm được những ý tưởng hay nhất, sáng tạo nhất. Vì vậy, bạn hãy cố gắng rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm một cách chuyên nghiệp nhất để dễ thích nghi với môi trường công việc.
7. Kỹ năng chốt sale
Kỹ năng này dành cho các bạn làm trong Marketing Agency khi muốn chốt hợp đồng với các nhãn hàng. Bạn sẽ cần thuyết phục các nhãn hàng bằng những điểm mạnh, những thành tích của công ty đã đạt trong những năm qua nhằm để họ lựa chọn công ty của bạn hợp tác thực hiện chiến dịch Marketing.
8. Không ngại khó khăn và chịu được áp lực
Làm Marketing sẽ có những lúc bạn phải chịu áp lực rất lớn về thời gian, về việc đạt mục tiêu đã đề ra và từ cấp trên. Bên cạnh đó, bạn còn phải chấp nhận làm việc ngoài giờ hành chính, làm trong cả ngày nghỉ để đảm bảo tiến độ công việc. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị cho mình một tinh thần không ngại khó khăn, chịu áp lực tốt nếu muốn trở thành một Marketer giỏi.
VI. Cơ hội nghề nghiệp của nhân viên Marketing
Các Marketer hiện nay có rất nhiều cơ hội khi tìm kiếm việc làm, tuy nhiên bạn cần phải thật giỏi thì mới tìm được các công việc tốt. Cơ bản, công việc của Marketer có thể chia ra làm 2 mảng, đó là làm việc cho Client và Agency.
Client là các công ty có thương hiệu, sản phẩm riêng và thường thuê các công ty bên ngoài thực hiện các chiến dịch Marketing của mình. Còn Agency chính là các công ty chuyên cung cấp các dịch vụ lập kế hoạch và thực thi chiến dịch Marketing cho các công ty Client. Nhìn chung thì có thể liệt kê các vị trí nổi bật trong ngành Marketing như sau:
– Nhân viên nghiên cứu thị trường (Marketing Research Executive): Công việc chính của họ là thực hiện tìm kiếm, thu thập và phân tích các thông tin, dữ liệu về sản phẩm, thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh. Nhằm giải thích các vấn đề liên quan cũng như cung cấp cơ sở cho các Marketer lập kế hoạch Marketing và đưa ra các quyết định mang tính chiến lược.
– Hoạch định chiến lược truyền thông (Strategic Planner): Là những người lập các kế hoạch truyền thông cho các sự kiện hoặc chiến dịch của thương hiệu trong từng giai đoạn. Chiến lược truyền thông phải đảm bảo đi theo mục tiêu Marketing và thực hiện đa kênh để đem lại hiệu quả cao.
– Chuyên viên sáng tạo nội dung (Copywriter hay Content Marketing): Là những người làm công việc viết lách, sáng tạo ra các nội dung trên các nền tảng online nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng và thu hút khách hàng chú ý đến các chiến dịch truyền thông của nhãn hàng.
– Chuyên viên thiết kế đồ họa (Graphic Designer): Là những người thực hiện việc thiết kế các ấn phẩm truyền thông như poster, standee, quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên mạng xã hội,… Nhằm thể hiện được nội dung của chiến dịch và thu hút được khách hàng quan tâm đến chiến dịch.
– Nhân viên SEO (SEO Executive): Có nhiệm vụ đưa website của doanh nghiệp lên vị trí cao nhất trong bảng hiển thị kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm như Google, Bing,… Công việc của họ là tìm kiếm từ khóa hiệu quả, thiết lập các bài viết sao cho phục vụ được nhu cầu tìm kiếm của người dùng để được chấm điểm cao.
– Nhân viên quảng cáo (Advertising Executive): Là những người thực hiện việc nghiên cứu các hình thức quảng cáo hiệu quả đối với sản phẩm và thương hiệu của công ty ở các nền tảng khác nhau. Mục tiêu là tiếp cận được càng nhiều khách hàng mục tiêu càng tốt và nâng cao nhận diện thương hiệu đối với khách hàng.
– Quản lý khách hàng (Account Executive): Là những người làm việc trong các Agency và thực hiện công việc trao đổi, tiếp nhận yêu cầu của khách hàng để trình bày lại cho các bộ phận của công ty quảng cáo, đảm bảo cả hai bên hiểu ý và làm việc hiệu quả với nhau.
– Nhân viên Marketing (Marketing Executive): Thường là những người làm việc trong các công ty Client và đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau trong Marketing. Nếu làm việc trong các công ty nhỏ thì họ sẽ phải làm cùng lúc phụ trách nhiều công việc từ nghiên cứu khách hàng, lên kế hoạch truyền thông đến thiết kế ấn phẩm quảng cáo.
– Quản lý thương hiệu (Assistant Brand Manager): Là những người có nhiệm vụ làm cho thương hiệu của công ty hoặc của nhãn hàng trở nên phổ biến, nổi tiếng. Bên cạnh đó phải xây dựng được hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng thể hiện đúng đặc điểm mà công ty muốn hướng tới.
– Trưởng phòng Marketing (Marketing Manager): Là vị trí nhân sự cấp cao hoạch định chiến lượng quảng bá thương hiệu và các sản phẩm/dịch vụ mới của công ty. Trưởng phòng Marketing sẽ trực tiếp quản lý đội ngũ nhân viên Marketing thực hiện các kế hoạch đã lập ra. Đồng thời, họ cũng chịu trách nhiệm trước giám đốc Marketing và ban giám đốc về kết quả khi thực các chiến dịch, kế hoạch này.
– Giám đốc Marketing (Marketing Director): Là người chịu trách nhiệm thiết kế và thực hiện các chiến lược tiếp thị toàn diện nhằm xây dựng thương hiệu của công ty, tăng nhận thức của khách hàng và thúc đẩy bán sản phẩm và dịch vụ. Họ cũng có nhiệm vụ giám sát bộ phận marketing, cung cấp hướng dẫn, phản hồi cho các nhân viên marketing khác. Ngoài ra, giám đốc Marketing còn phải đưa ra ý tưởng, phê duyệt ý tưởng cho các sự kiện tiếp thị hoặc hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp.
VII. Trường đào tạo chuyên ngành Marketing
Tại Hà Nội
– Trường Đại học RMIT
Là trường đại học danh giá nhất tại Việt Nam, được thừa hưởng chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại bậc nhất đạt chuẩn chất lượng giáo dục Châu Âu. Trong quá trình học tập ngành Marketing tại RMIT, bạn sẽ có cơ hội cọ xát với các dự án Marketing thực tế.
Hầu hết thời gian các bạn sẽ được học ngay trên máy tính, được trao dồi các kiến thức thực tiễn về Digital Marketing như: SEO, SEM, Google Ads, Facebook Ads, Email Marketing, Facebook Marketing,…
– Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân (NEU)
Là trường đại học nổi tiếng ở khu vực miền Bắc về đào tạo các ngành kinh tế. Tại khoa Marketing của NEU, bạn sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức liên quan 4 chuyên ngành chính của khoa bao gồm Truyền thông Marketing, Quản trị Marketing, Quản trị Bán hàng và Thẩm định giá.
Ngoài ra, tùy từng chuyên ngành mà các bạn sẽ được rèn luyện những kỹ năng chuyên môn như: nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, phân tích sản phẩm, xây dựng chiến lược truyền thông, Marketing hay biết cách quản trị Marketing, dịch vụ, xây dựng chiến lược giá,…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh
– Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH)
Là một trường đại học uy tín lâu đời, thuộc nhóm đại học trọng điểm quốc gia tại Việt Nam. Khoa Marketing tại UEH là một trong những khoa có chất lượng đào tạo tốt nhất và đạt chuẩn chất lượng đầu ra của trường. Học Marketing tại UEH, bạn sẽ được học các môn: Quản trị Marketing, Marketing toàn cầu, Quản trị và phát triển sản phẩm, thương hiệu, PR, Digital Marketing, Quảng cáo, Quản trị truyền thông tích hợp,…
– Trường Đại học Tài Chính – Marketing (UFM)
Nằm trong top trường đại học có chất lượng đào tạo ngành Marketing tốt nhất tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và miền Nam nói chung. Đây là cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế, tài chính và Marketing.
Chương trình đào tạo ngành Marketing đều đạt chuẩn quốc tế bởi có sự tham khảo, đúc kết từ giáo trình nước ngoài. Tại đây, sinh viên sẽ được học các môn học như: Marketing kinh doanh, Marketing quốc tế, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, quản trị Marketing, Marketing dịch vụ, truyền thông Marketing,…