Những hành vi mạo danh, trục lợi từ Phật pháp nói riêng và tôn giáo nói chung, ngoài đời thật hay không gian mạng, thì cần đều bị nghiêm trị.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Phật giáo có đóng góp quan trọng trong việc hình thành nền tảng tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam, đó là tôn giáo. Phật giáo với những nghi lễ phong tục tập quán tạo nên nét đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Thế nhưng, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một số đối tượng lợi dụng hình ảnh Phật pháp để trục lợi. Người cải trang thành các hình tượng tôn giáo, người mạo danh tu hành mà có những phát ngôn, ứng xử phản cảm. Thậm chí, một số đối tượng còn tự xưng là Phật, thánh để livestream.
Người Việt rất coi trọng đạo Phật. Chính vì thế, các hành vi phản cảm, lợi dụng niềm tin tôn giáo của cộng đồng để nhằm vào các mục đích thiếu lành mạnh, không trong sáng trên mạng xã hội như câu kéo lượt tương tác, bán hàng trên mạng, kêu gọi từ thiện để trục lợi… không chỉ khiến tăng, ni, Phật tử mà cả người dân cũng vô cùng bất bình.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, để những nội dung thuyết giảng Phật pháp đến được với công chúng, Ban Hoằng pháp Trung ương đã phối hợp xây dựng Đề án hoằng pháp trực tuyến, xây dựng phim trường ảo tại một số cơ sở tự viện, mời những giảng sư là hàng giáo phẩm thu hình, thuyết giảng nhằm giúp lan tỏa lời hay ý đẹp đến người dân trên mạng xã hội. Việc xử lý nghiêm các hành vi giả mạo nhà tu hành, giả mạo chức sắc trong Phật giáo để trục lợi là cần thiết để bài trừ các nội dung sai lệch, thiếu chuẩn mực, đảm bảo văn hóa trên môi trường mạng, như trường hợp một Tiktoker đóng giả đức Phật để livestream bán nước hoa gần đây.
“Theo Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, có những quy định cụ thể về những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó hành vi bị nghiêm cấm là xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo. Ngoài ra, việc tiktoker livestream bán hàng còn có hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi, có thể bị xử lý vi phạm hành chính, mức phạt là 10 – 20 triệu đồng đối với tổ chức”, luật sư Lê Ngọc Hà – Trưởng văn phòng luật sư Đa Phúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết.
Một khái niệm quan trọng trong Phật giáo là vô minh, chỉ sự u mê, thiếu hiểu biết, sự thèm khát và bấu víu vào hận thù của con người, cũng để chỉ sự thiếu sáng suốt, không thấy được bản chất của mọi vật thể. Sự vô minh dẫn đến những hành vi sai trái, sai lầm khiến con người tự mang đến nghiệp báo, gieo nhân sai, gặt quả xấu vào mình. Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào cũng nhằm hướng con người tới cái thiện, có tri thức để xây dựng cuộc sống yên vui trong hiện tại. Những hành vi mạo danh, trục lợi từ Phật pháp nói riêng và tôn giáo nói chung, ngoài đời thật hay không gian mạng, thì cần đều bị nghiêm trị để đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh, hướng con người đến những tri thức đúng đắn, lương thiện, trong sáng.
Theo: vtv.vn