Việt Nam nằm trong top đầu khu vực Đông Nam Á về vi phạm bản quyền trực tuyến, thách thức sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo và công bằng xã hội.
Tràn lan vi phạm bản quyền trên môi trường số
Năm 2022, theo nghiên cứu của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia và Philippines về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số, nhưng tính theo đầu người, Việt Nam đứng số 1 với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp. Vi phạm bản quyền diễn ra với nhiều hình thức khác nhau và trên mọi nội dung, từ tải nhạc bất hợp pháp, xem phim trên web phim lậu cho đến sử dụng hình ảnh chưa được sự đồng ý… Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trên môi trường số, việc bảo vệ tác phẩm gốc khỏi bị sao chép hoặc sử dụng sai mục đích trên mạng Internet ngày càng trở nên phức tạp.
Những bộ phim truyền hình bị xé nhỏ, cắt vụn, cùng ghi chú gây sốc để câu view. Hiện tại có khoảng 200 trang web chiếu phim vi phạm bản quyền, với hàng trăm triệu lượt xem mỗi năm, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng từ tiền quảng cáo. Để đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước, tội phạm liên tục nghĩ ra nhiều hình thức mới để đánh cắp bản quyền như livestream, streaming và loại hình mới nhất là review phim.
Có hơn 4 triệu lượt xem lậu giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam
Ở lĩnh vực thể thao, tất cả các giải thể thao trên thế giới đều có thể được xem lậu qua 70 trang web vi phạm bản quyền. Riêng giải Ngoại hạng Anh, trong quý đầu năm nay có hơn 4 triệu lượt xem lậu tại Việt Nam. Một hình thức táo tợn xuất hiện những ngày gần đây, là tội phạm còn tấn công vào trang web của cơ quan nhà nước, để kết nối tới các trang cá độ bóng đá.
Thay đổi tên miền liên tục, tạo ra hàng trăm website trong cùng một thời điểm là cách mà các đơn vị phi pháp đang làm…. Trong khi đó, quy trình báo cáo vi phạm, gỡ bỏ các website này mất từ 1 đến 3 tuần. Một bộ phận người sử dụng internet vô tình tiếp tay cho tội phạm càng trầm trọng hơn khi chia sẻ, phát tán những đường link trang web vi phạm.
Vì sao vụ việc web lậu Phimmoi vẫn chưa xét xử?
Đối với lĩnh vực quyền tác giả, hiện luật có đủ 3 hình thức xử lý vi phạm, đó là: hành chính, dân sự và hình sự. Phạt hành chính thì không đủ sức răn đe. Nhưng xử lý hình sự thì vô vàn vướng mắc, nhất là trên môi trường số.
Ví dụ, khi một hình ảnh cá nhân, 1 bài hát, hay 1 bộ phim bị phát tán trên mạng, làm thế nào để tính toán những thiệt hại về kinh tế và tinh thần mà tác giả phải chịu? Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể.
Năm 2019, K+, BHD và Hiệp hội điện ảnh Mỹ đã cùng nhau nộp đơn tố giác tội phạm đối với trang web lậu Phimmoi. Đây là vụ kiện hình sự đầu tiên. Nhưng gần 4 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được xét xử.
Vụ án Phimmoi bị khởi tố, nhưng bị can thì chưa
Tháng 8/2021, trang web chiếu phim lậu có tên Phimmoi bị khởi tố hình sự. Nhưng quy mô thu nhập bất chính của trang web này là bao nhiêu thì lại chưa thể xác định được. Đây là vướng mắc lớn nhất. Phimmoi không thu phí của người dùng, mà kiếm tiền từ quảng cáo. Nhưng các nhãn hàng cũng như dòng tiền trả quang cáo đều từ nước ngoài, không có đại diện thương mại tại Việt Nam.
Cũng theo quy định, muốn xử lý hình sự thì phải chứng minh thiệt hại của chủ tài sản. Nhưng hiện lại chưa có hướng dẫn về cách tính thiệt hại thế nào với phim chiếu mạng. Truyền hình K+, đơn vị sở hữu nhiều bộ phim bị chiếu lậu trên Phimmoi từng tính toán, với kho phim lên tới cả chục nghìn, trung bình mỗi phim gắn 3 quảng cáo, thì mỗi tháng phimmoi thu gần 15 tỷ đồng bất chính. Nhưng chưa ai công nhận cách tính này vì chưa có quy định chính thức.
Sau 4 năm, vụ án bị khởi tố, nhưng bị can thì chưa. Kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ đâu đó vì vô vàn vướng mắc trong thực thi bản quyền trên môi trường số.
Doanh thu thất thoát vì vi phạm bản quyền có thể trên 450 triệu USD
Để khắc phục những bất cập, một quy định rất mới được nêu trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022, đó là: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet. Đây được xem là bước tiến rất quan trọng, bởi các web lậu dù sử dụng bất cứ tên miền quốc tế nào, đặt máy chủ ở đâu, ẩn giấu thông tin ra sao thì vẫn phải sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp trung gian tại Việt nam, cụ thể là các nhà mạng.
Các dịch vụ đó là:
1. Dịch vụ lưu trữ trên internet
Các web lậu sử dụng các dịch vụ lưu trữ như: thuê chỗ để đặt máy chủ, sao chép nội dung vi phạm lên hệ thống lưu trữ. Các nội dung này sẽ được lưu trữ trên một ổ cứng của một máy tính nhất định, được gọi là máy chủ (server), được cung cấp và quản lý bởi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ (Hosting).
2. Dịch vụ truyền dẫn
Các web lậu sử dụng hệ thống phân giải tên miền do các nhà mạng cung cấp để hỗ trợ người dùng internet truy cập trực tiếp vào nội dung đã lưu trữ trên máy chủ
3. Dịch vụ truy cập và kết nối Internet
Các web lậu thông qua các nhà mạng cung cấp dịch vụ truy cập và kết nối Internet, người dùng có thể truy cập vào các tên miền có chứa các nội dung vi phạm.
4. Dịch vụ truyền tải nội dung
Các web lậu sử dụng dịch vụ truyền tải nội dung từ các đơn vị trung giang để hỗ trợ người dùng gia tăng tốc độ truy cập vào nội dung vi phạm.
Theo báo cáo của Media Partners Asia, tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam chiếm gần 20% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu không kiểm soát được tình hình này, chỉ 5 năm nữa, số người truy cập nội dung vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới khoản doanh thu có thể bị thất thoát ở mức trên 450 triệu USD. Gây thất thu thuế cho nhà nước, làm giảm uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Và thiệt hại lâu dài chính là người dùng, khi những người sáng tạo chân chính bị mất cơ hội tái đầu tư cho các nội dung có chất lượng.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là Luật sư Nguyễn Thu Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Theo: vtv.vn