Phụ tùng ô tô trôi nổi gắn mác thương hiệu nổi tiếng rồi bán cho người tiêu dùng là hành vi nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của người sử dụng xe và xã hội.
Ô tô là loại phương tiện giao thông có giá trị và yêu cầu độ an toàn cao. Tại các đô thị lớn, lưu lượng tham gia giao thông của ô tô ngày càng gia tăng. Điều này cũng hình thành thói quen sử dụng, kiểm tra và thay thế phụ tùng thường xuyên của người sử dụng.
Mỗi ngày, gara xe của anh Nguyễn Thế Hiển nhận sửa chữa và thay mới hàng chục phụ tùng trên các dòng xe thông dụng. Lọc gió, lọc dầu, ác quy, gạt mưa… là những phụ tùng thường xuyên và dễ phải thay thế theo định kỳ.
Anh Hiển cho biết: ”Các sản phẩm phụ tùng thay thế càng phổ thông thì mức độ làm giả càng lớn như lọc gió, lọc dầu, nước mát…”.
Không chỉ các loại phụ tùng xe cơ giới, xe đạp hay xe máy mới bị làm giả. Thực tế cho thấy, đang có một số lượng lớn phụ tùng các loại xe ô tô được làm giả, làm nhái dưới nhiều thương hiệu khác nhau và được bày bán công khai ở thị trường truyền thống, trên các nền tảng online thông qua các trang thương mại điện tử.
Cùng một dòng sản phẩm phụ tùng thay thế cho ô tô, cùng là hàng “giống hệt hãng” chỉ khác nhau là lợi nhuận các sản phẩm “giống hệt hãng” này khi đi từ kho buôn tới các cửa hàng bán lẻ đã tăng lên gấp đôi. Và cũng chỉ có những người bán hàng mới biết, đâu là hàng hãng và đâu là hàng “giống hệt hãng”… Thị trường truyền thống đã mỗi nơi một giá, còn trên các kênh bán hàng online, các sàn thương mại điện tử lại có nhiều mức giá không tưởng.
Mới đây, Đội quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Hai Bà Trưng đã triệt phá 2 vụ sản xuất và kinh doanh mua bán phụ tùng ô tô giả với nhiều thủ đoạn tinh vi. Chủ hàng phụ tùng giả cho biết, phụ tùng làm giả, làm nhái lại được tiêu thụ chạy hơn so với sản phẩm chính hãng bởi giá rẻ hơn nhiều và có nhiều thợ sửa xe, gara ô tô đặt hàng.
Người dùng bỏ tiền thật nhưng lại mua hàng giả bởi chúng đã được đặt với cái tên mới, thay vì hàng nhái thì là hàng OEM – hàng gia công thương hiệu để tăng giá trị. Còn với những đơn vị sản xuất, nhà nhập khẩu chính hãng, câu chuyện về lợi nhuận kinh tế, quyền lợi và uy tín của sản phẩm đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo quy định hiện hành, phụ tùng, linh kiện ô tô sẽ chỉ được lưu hành trên thị trường nếu đáp ứng 5 quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho linh kiện, phụ tùng xe mô tô, ô tô và xe gắn máy. Có nhiều cách phân biệt phụ tùng giả dựa vào bao bì, logo, nhãn mác hoặc mã số mã vạch, ký tự trên phụ tùng nhưng với công nghệ làm giả tinh vi như hiện nay, để không trở thành nạn nhân, đôi khi chủ xe chỉ trông chờ vào lương tâm của các chủ gara và các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.
Thiết bị phụ tùng ô tô ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của người sử dụng xe, cũng như an toàn cho xã hội nói chung vì thế người dân cần cẩn trọng hơn trong việc mua bán sử dụng các sản phẩm này, còn doanh nghiệp thì cũng cần phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho chính mình. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý và ngăn chặn kịp thời tình trạng này.
Theo: vtv.vn