Thoạt nghe thì thấy đạo Phật và thiền không liên quan gì đến kinh doanh, tuy nhiên, triết lý của đạo Phật là hướng thiện, làm điều tốt, không giả dối và cũng là triết lý cơ bản của xây dựng và phát triển thương hiệu.
Một người tử tế cũng như một thương hiệu tử tế, luôn thể hiện thái độ tôn trọng khách hàng, nhân viên, môi trường và luôn hành xử có trách nhiệm với xã hội.
Về cơ bản, thiền giúp con người tu tâm dưỡng tính để sống tốt hơn, sống mạnh khỏe hơn. Ý nghĩa của thiền trong xây dựng thương hiệu cũng giống như vậy: Bạn phải làm sao cho thương hiệu của mình hoàn thiện qua từng ngày, làm cho sản phẩm tốt hơn, chất lượng cao hơn. Thiền giúp bạn nhìn sâu vào bản chất của sản phẩm, của người tiêu dùng và cả của thị trường.
Một ví dụ, nếu như Apple chỉ nghĩ làm sao để có sản phẩm tốt hơn IBM thì chẳng bao giờ có máy tính Apple với hệ điều hành Macintosh, nếu Steve Jobs chỉ muốn sản xuất sản phẩm tốt hơn Nokia thì chẳng bao giờ có sự đột phá của iPhone bằng việc bỏ đi những gì được cho là bắt buộc phải có ở điện thoại di động như bàn phím, con lăn. Steve đã xóa bỏ toàn bộ những gì đã trở thành lối mòn, rồi nghiên cứu xem người tiêu dùng cần gì và phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu đó.
Khi bạn là người tạo dựng thương hiệu, dù nó chưa lớn, chưa được nhiều người biết đến thì nó cũng đã là “đứa con máu thịt” của bạn, nên bạn phải luôn tìm cách làm cho thương hiệu phát triển, và đó cũng là cách bạn hoàn thiện chính mình, trở về với thiền.
Nếu tìm hiểu về thiền, bạn sẽ hiểu được về “tâm quan sát” hay chánh niệm, nghĩa là bạn luôn cảm nhận được những việc mình làm là đúng hay sai, và nếu biết mình sai thì bạn sẽ tìm cách sửa sai.
Xây dựng thương hiệu cũng vậy, chắc chắn có những quyết định sai lầm, có những chỗ chưa hoàn thiện, có những khách hàng không hài lòng, có những nhân viên chưa hạnh phúc, có vài sản phẩm bị lỗi, hệ thống phân phối chưa hoạt động nhịp nhàng,… nhưng nếu người chủ thương hiệu có “tâm quan sát” sẽ nhìn sâu được vào bản chất của vấn đề và giải quyết tận gốc rễ để thương hiệu hoàn thiện hơn và phát triển.
Sản phẩm luôn là phần quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu, nếu sản phẩm có chất lượng tốt, luôn đổi mới kiểu dáng, giá thành phải chăng sẽ là tiền đề thành công cho mỗi thương hiệu.
Việc quảng bá chỉ nên được thực hiện khi sản phẩm thật sự khác biệt và vượt trội về chất lượng. Một thương hiệu lừa dối khách hàng bằng những sản phẩm chứa nhiều chất độc hại hoặc tàn phá môi trường thì sớm muộn gì cũng phải trả giá.
Thiền giúp ta cân bằng cuộc sống, giúp ta nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống. Nhiều người thường hay nhầm lẫn phương tiện và mục đích nên dễ bị sa đà vào những giá trị bề ngoài. Mục đích của cuộc sống là sống hạnh phúc, sống vui vẻ, không hối tiếc, và có nhiều phương tiện để đạt tới mục đích đó.
Tiền là một phương tiện rất quan trọng, nó là thước đo đánh giá một thương hiệu cũng như một con người. Nếu người nào đó giỏi giang, họ sẽ kiếm được nhiều tiền vì những người khác, công ty khác sẵn sàng trả giá cao cho sự giỏi giang đó.
Trong xây dựng thương hiệu cũng vậy, nếu một thương hiệu tốt, được nhiều người biết đến, sản phẩm bán được nhiều, doanh thu cao thì chắc chắn phải có lãi cao và có tiền.
Còn nếu thương hiệu tốt, doanh số tốt mà lợi nhuận không có thì cần phải xem lại tính hiệu quả của hệ thống quản lý, có thể có những lỗ hổng trong quản lý làm chi phí sản xuất tăng cao hay đang chi quá nhiều tiền cho marketing làm thâm hụt lợi nhuận.
Trong marketing hiện đại, các thương hiệu đang khai thác tối đa những tình cảm cũng như những suy nghĩ tốt đẹp trong mỗi con người. Thương hiệu dầu lửa BP tài trợ cho các hoạt động về môi trường, tăng cường sự an toàn cho công nhân và đối tác, trồng thêm nhiều cây xanh cho địa phương nơi họ khai thác. Vinamilk lập quỹ “6 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam”, mì Gấu Đỏ trích 10 đồng trên mỗi gói mì bán được để tài trợ cho trẻ em nghèo bị bệnh hiểm nghèo, The Body Shop được người yêu động vật khắp thế giới ủng hộ vì thông điệp kiên quyết không thử nghiệm sản phẩm trên động vật.
Nếu thương hiệu của bạn ngoài chất lượng sản phẩm tốt còn mang đến sự bình an, khơi gợi tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, sự chia sẻ và tạo cho người tiêu dùng cảm giác đã làm được điều tốt đẹp cho môi trường và xã hội thì chắc chắn sẽ được ủng hộ và thành công.
Bản chất của con người là “nhân chi sơ, tính bổn thiện” nhưng do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và môi trường sống, tính thiện bị mai một hoặc biến đổi thành tính ác khi không kiểm soát được bản thân.
Khi thương hiệu khơi gợi được tính thiện tiềm tàng trong mỗi con người thì sự gắn kết giữa thương hiệu và người tiêu dùng sẽ bền vững.
Nguồn: doanhnhansaigon