Theo ThS Vũ Mạnh Cường, truyền thông giáo dục sức khỏe giúp học sinh tránh hành vi nguy cơ với sức khỏe, xây dựng cộng đồng mạnh khỏe, an toàn.
ThS Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) tại buổi tập huấn. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Trong 2 ngày 14 và 15/8, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn thực hiện chương trình sức khỏe học đường và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh năm học 2023-2024.
Chương trình diễn ra tại Trường Đại học Nha Trang với sự tham gia của lãnh đạo Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cùng đại diện các Sở GD&ĐT, các trường học.
ThS Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) thuyết trình chuyên đề Truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học.
Ông Vũ Mạnh Cường nhấn mạnh, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học rất quan trọng. Cả nước có trên 40 nghìn trường học, 20 triệu học sinh ở lứa tuổi “mong manh, nhiều biến động”, cần được chăm sóc sức khỏe.
Trường học cũng là nơi tập trung đông người, cần đảm bảo an toàn, vệ sinh. Học sinh khỏe mạnh, việc dạy và học trong trường cũng diễn ra tốt hơn.
Truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học nhằm trang bị cho học sinh kiến thức về các chủ đề sức khỏe, bệnh tật, dịch bệnh thường gặp. Công tác này cũng giúp các em hiểu rõ cách thức phòng tránh bệnh tật, rèn luyện kỹ năng bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho bản thân.
Học sinh Trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TPHCM rửa tay trước giờ vào lớp học. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Khi đã rõ mục đích của truyền thông truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học, cần xác định ai sẽ thực hiện.
Ông Vũ Mạnh Cường nêu 6 nhân tố chính: Lãnh đạo nhà trường; tập thể giáo viên; các tổ chức, cá nhân trong xã hội; nhân viên y tế trường học; hội phụ huynh; học sinh.
Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của của lãnh đạo nhà trường là nhận thức rõ vai trò của công tác này để có sự quan tâm, triển khai.
“Còn với học sinh, các em từ người tiếp nhận các thông điệp truyền thông lại có thể trở thành người truyền thông. Bởi chính em có thể lan tỏa các thông điệp, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe đến với nhiều người”, ông Vũ Mạnh Cường cho biết.
Hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội, các kênh, phương tiện truyền thông rất đa dạng. ThS Vũ Mạnh Cường cho rằng, nhà trường, thầy cô có thể sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông nhưng phải đảm bảo thông điệp tích cực đến được với học sinh.
Những nhóm nội dung cơ bản truyền thông giáo dục sức khỏe trong nhà trường gồm: Kiến thức (vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, các bệnh phổ biến thường gặp); Hành vi có nguy cơ (hút thuốc lá, sử dụng ma túy, tình dục không an toàn); Thói quen có lợi cho sức khỏe (rèn luyện thân thể, tiêm chủng); Kỹ năng (chăm sóc sức khỏe răng miệng, phòng chống đuối nước, tình dục an toàn).
Tùy vào từng cấp học, nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe sẽ khác nhau, phù hợp với độ tuổi và nhận thức của học sinh. Chẳng hạn, với trẻ mẫu giáo, các thầy cô có thể hướng dẫn các em rửa tay trước khi ăn, vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể, phòng tránh tai nạn thương tích…
Các thông điệp truyền thông về sức khỏe cần đảm bảo yếu tố ngắn gọn, thuyết phục, đơn giản, dễ nhớ và thực tế.
ThS Vũ Mạnh Cường nêu nêu những yêu cầu thông điệp truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học. Ảnh: Mạnh Tùng |
Chương trình tập huấn còn có chuyên đề về hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học; tổ chức bữa ăn học đường; an toàn thực phẩm trong trường học…
Ngày 14/8, tại Trường Đại học Nha Trang, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị tập huấn triển khai công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học và thực hiện quyền trẻ em năm học 2023-2024; Hội thảo Tham vấn việc thực hiện quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học.
Theo: Báo GD&TĐ