GD&TĐ – Năm 2012, tôi viết một bài trên báo Văn nghệ, đề cập đến vấn đề quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, trong bài đặt câu hỏi:
Ảnh minh họa: INT. |
Năm 2012, tôi viết một bài trên báo Văn nghệ, đề cập đến vấn đề quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, trong bài đặt câu hỏi: “Việt Nam đã xuất khẩu gạo và hàng dệt may đứng hàng đầu thế giới, còn văn học Việt Nam, tại sao không?”.
Từ khi viết bài báo đó, tôi âm thầm đi tìm con đường xuất khẩu văn chương Việt, dù rất đơn độc và thậm chí bị chế nhạo.
Tôi hỏi một số nhà văn giỏi ngoại ngữ, từng đi nước ngoài nhiều, họ bảo: “Thế giới không quan tâm văn học Việt Nam đâu! Quảng bá cũng chẳng ăn thua”.
Tôi đi tìm một số dịch giả nổi tiếng ở Việt Nam, đi tìm một số vị chức sắc trong ngành văn hóa để hỏi, họ đều nói: “Cần có tiền, rất nhiều tiền mới làm được!”.
Muốn có tiền, thì phải “chạy chọt” rất cực, thời gian sẽ kéo dài không biết đến bao giờ, trong khi mọi người ai nấy đều vội vã đi kiếm danh lợi cho bản thân, cho một nhóm của họ, nên hầu như việc tìm tiền từ kinh phí Nhà nước cấp, hay từ các nhà hảo tâm để quảng bá văn học Việt Nam xem ra bất khả!
Tôi bỏ tiền túi để đi tới hơn hai mươi quốc gia khác để tìm hiểu xem họ quảng bá văn học nước họ thế nào. Tôi tìm các dịch giả nước ngoài và hỏi họ, thì có người bảo cần có quan hệ, cần có người đại diện văn học.
Một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam và nước ngoài được nhóm dịch giả Hà Nội kết nối, dịch và giới thiệu tác phẩm trên báo, tạp chí văn nghệ trong nước và quốc tế. Ảnh: Facebook Kiều Bích Hậu. |
Cho đến một hôm, tôi gặp nhà thơ, dịch giả, đồng thời là người đồng sáng lập một nhà xuất bản ở châu Âu – nhà thơ Sándor Halmosi (Hungary) và hỏi anh ấy xem cần làm thế nào để quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Nhà thơ Sansdor Halmosi đã đặt bàn tay lên ngực trái, nhìn vào mắt tôi và bảo: “Chỉ cần có tình yêu!”.
Tôi sững sờ mất vài giây, và rồi như chợt được khai sáng, câu hỏi lớn mang theo trong tâm bao lâu nay đã có lời giải. Mỗi đất nước sẽ có cách làm riêng của mình, dựa vào điều kiện riêng của mình. Và tôi nhận ra rằng, tôi có thể làm ngay điều này mà không cần phải đợi bất cứ điều kiện gì. Chỉ cần có tình yêu mà thôi. Điều cốt yếu lại nằm trong chính bản thân tôi: Tôi có thực sự yêu việc này hay không? Tôi có can đảm chọn sứ mệnh “xuất khẩu văn học” Việt Nam ra nước ngoài hay không?
Và thế là tôi quyết định thành lập “Ngân hàng Hạnh phúc”, kêu gọi cộng đồng các nhà văn mở “Tài khoản Yêu thương”.
Muốn người khác làm điều gì cho mình, mình cần phải làm chính điều đó cho người khác. Tâm niệm điều này, tôi liên hệ với các nhà văn quốc tế, mời họ gửi tác phẩm của họ cho tôi để dịch và xuất bản ở Việt Nam. Thật ngạc nhiên là các bạn rất hào hứng với điều này, họ lập tức gửi những tác phẩm tâm đắc nhất cho tôi, và tôi dịch tác phẩm cho họ chăm chỉ ngày đêm, sau đó lại cất công liên hệ tới các đơn vị báo chí chuyên sâu về văn hóa, văn nghệ của Việt Nam để gửi gắm tác phẩm mình đã dịch.
Khi tác phẩm được đăng, bạn văn nước ngoài vô cùng hạnh phúc. Họ cũng đáp lại đề nghị của tôi, dịch và đăng tác phẩm của tôi cũng như của các đồng nghiệp Việt Nam khác.
Khỏi nói nhà văn Việt Nam và chính tôi hạnh phúc tới cỡ nào khi nhìn thấy đứa con tinh thần của mình dưới hình hài một ngôn ngữ khác, xuất bản ở nước khác, sánh ngang với tác phẩm của các nhà văn thế giới và được bạn đọc các quốc gia khác đón nhận.
Nhiều bạn văn và bạn đọc nước ngoài, chưa từng đặt chân đến Việt Nam, qua việc dịch, biên tập, đọc tác phẩm văn học Việt Nam, cảm nhận tâm hồn người Việt, đã sinh lòng yêu mến và thiết tha muốn đến thăm Việt Nam dù chỉ một lần. Công việc ngày một nhiều lên, mạng lưới kết nối rộng ra, tôi đã thành lập nhóm nữ dịch giả Hà Nội để có thêm những người chung tay xây “Ngân hàng Hạnh phúc”.
Cứ như vậy, cộng đồng các nhà văn Việt Nam ngày một kết nối sâu rộng hơn với cộng đồng các nhà văn thế giới qua việc trao đổi dịch và xuất bản tác phẩm văn chương của nhau.
“Tài khoản Yêu thương” được mở trong “Ngân hàng Hạnh phúc” ngày một nhiều lên. Những tài khoản cứ mỗi ngày nạp thêm nhiều Hạnh phúc và tất cả chúng tôi đều tự hào về điều đó.
Nguồn: Báo Giáo Dục & Thời Đại