Ngày 16/6, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua việc thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử chung nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống thông tin sai lệch lan truyền trên các nền tảng, như Facebook, Google, Twitter và các mạng truyền thông xã hội khác.
Bộ quy tắc ứng xử mới được công bố nhằm thúc đẩy các nền tảng khẩn trương hành động một cách có hệ thống để loại bỏ những quảng cáo sai sự thực, các tài khoản lan truyền thông tin thất thiệt và tăng cường công tác đối chứng dữ liệu.
Bộ quy tắc ứng xử này là bản cập nhật theo hướng siết chặt thêm bộ quy tắc gốc được triển khai từ năm 2018 và vẫn được áp dụng trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu hy vọng sẽ có khoảng 30 đơn vị ký kết, trong đó có các công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới Meta, chủ quản của Facebook, Twitter, Microsoft và TikTok, cùng với những tập đoàn quảng cáo lớn. Tất cả các công ty này đều có đóng góp trong quá trình soạn thảo bộ quy tắc mới. Bên cạnh đó, các cơ quan kiểm chứng dữ liệu và giám sát truyền thông xã hội như tổ chức nhà báo không biên giới (RSF) cũng tham gia quá trình soạn thảo.
Bộ quy tắc ứng xử mới bao gồm khoảng 40 cam kết, tăng gần gấp đôi so với bản gốc, cùng với các tiêu chí để đánh giá việc thực hiện các cam kết. Nếu như bộ quy tắc gốc được thực hiện trên tinh thần tự quản thì bộ quy tắc mới này buộc các nền tảng xã hội lớn (có ít nhất 45 triệu người dùng ở EU) phải thực hiện các biện pháp có ràng buộc đã đề ra trong đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU. Hiện DSA đang trong quá trình xem xét áp dụng, yêu cầu các công ty hoạt động trên mạng Internet để giảm thiểu nguy cơ từ thông tin sai lệch hoặc chịu mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu.
Các nền tảng có chèn quảng cáo cam kết sẽ chặn quảng cáo với nội dung lan truyền các thuyết âm mưu và xác định nguồn gốc các nội dung này. Các nền tảng này cũng cam kết chủ động loại bỏ những quảng cáo chưa thông tin sai lệch.
Các công ty ký kết tham gia bộ quy tắc phải cung cấp các công cụ cho người dùng xác định và báo cáo các thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm và cần phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị kiểm chứng dữ liệu với mọi ngôn ngữ được dùng ở EU.
Các nền tảng cũng cam kết tăng cường tính minh bạch thông tin của các quảng cáo chính trị, đóng các tài khoản giả mạo và chặn các hành vi dùng mã độc để lan truyền thông tin sai lệch cũng như các hành vi lấy cắp tài khoản và các video giả mạo có nội dung độc hại.
Theo ông Thierry Breton – quan chức phụ trách chống thông tin sai lệch của EU, trong những năm qua, các mạng xã hội nổi tiếng đã cho phép các chiến lược truyền bá thông tin sai lệch và gây bất ổn lan tràn mà không bị kiểm soát, thậm chí còn kiểm tiền từ việc này.
Ông nhấn mạnh không thể tiếp tục để cho thông tin sai lệch là một nguồn thu nhập. Biện pháp ngăn chặn tốt nhất là cắt nguồn tài trợ thông tin sai lệch một cách triệt để. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội không được tiếp tục nhận dù chỉ một euro từ việc lan truyền thông tin sai lệch./.
Các mạng xã hội, như Google, Facebook, Twitter và các công ty công nghệ khác sẽ phải có biện pháp chống deepfake – các sản phẩm công nghệ giả mạo siêu thực dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc video được tạo ra bằng kỹ thuật máy tính, và các tài khoản giả mạo trên nền tảng của mình, nếu không có thể sẽ bị phạt nặng theo bộ quy tắc hành nghề mới cập nhật của EU.
Nguồn: Công dân & Khuyến học