Truyền thông đa phương tiện là ngành “hot” với mức điểm chuẩn cao nhất 3 năm gần đây dao động từ 24-29,25 điểm.
Những năm gần đây, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện có xu hướng tăng cao, thậm chí có trường thí sinh phải đạt gần 10 điểm/môn mới trúng tuyển.
Cụ thể, năm 2022, Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố điểm trúng tuyển cao nhất của ngành Truyền thông đa phương tiện là 29,25 xét tổ hợp C15 (Ngữ văn – Toán – Khoa học xã hội).
Đây cũng là ngành lấy điểm đầu vào cao nhất so với các ngành học khác của trường tính theo thang điểm 30.
Dự kiến năm 2023, điểm chuẩn ngành này vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” bởi Truyền thông đa phương tiện hiện nay đang là một trong số các ngành “hot”, được thí sinh lựa chọn nhiều nên tỉ lệ chọi cao.
Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng đều qua các năm.
Năm 2020, trường công bố mức điểm chuẩn cao nhất của ngành Truyền thông đa phương tiện là 27, trong khi mức điểm của năm 2021 và năm 2022 lần lượt là 27,9 và 28,15.
Trường Đại học Thăng Long là trường đại học đào tạo đa ngành ở Thành phố Hà Nội. Năm 2022, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất trường là Truyền thông đa phương tiện với 26,8 điểm, hơn 2,8 điểm so với năm 2020.
Tại Trường Đại học Hà Nội, điểm chuẩn cao nhất ngành Truyền thông đa phương năm 2022 tăng 0,6 điểm so với năm 2020. Đây cũng là ngành có điểm chuẩn luôn ở mức cao trong khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn của trường.
Sinh viên học ngành Truyền thông đa phương tiện tại Trường Đại học Hà Nội sẽ được dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh.
Nguồn: Công dân & Khuyến học