Ngành công nghiệp phim hoạt hình Trung Quốc đang thể hiện sức sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vừa thống trị thị trường trong nước vừa “nhăm nhe” chiếm thị phần ngày càng lớn trên trường quốc tế.
“Na Tra: Ma đồng giáng thế” được coi là bộ phim hoạt hình kỳ tích trong ngành công nghiệp phim hoạt hình Trung Quốc.
Sức sống mạnh mẽ của ngành công nghiệp “trăm tuổi”
Mặc dù đã hình thành từ hơn 100 năm trước, nhưng ngành công nghiệp hoạt hình tại Trung Quốc chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu đáng nể trong hơn 20 năm qua.
Năm 2000, sản lượng hàng năm của phim hoạt hình Trung Quốc chỉ là vài nghìn phút, nhưng đến năm 2011, sản lượng hàng năm của phim hoạt hình Trung Quốc đã vượt quá 260.000 phút, chiếm gần 70% sản lượng phim hoạt hình hàng năm toàn cầu.
Sau năm 2012, trọng tâm chính sách ngành hoạt hình của Trung Quốc chuyển từ kích thích sản lượng sang trau dồi khả năng đổi mới và nâng cao chất lượng tác phẩm.
Dựa vào cơ chế khuyến khích đổi mới của nền tảng sáng tạo nội dung Internet, các nguồn lực công nghiệp đã được tổng hợp tốt hơn và một số lượng lớn hoạt hình chất lượng cao của Trung Quốc đã “xuất ngoại”, được đón nhận nồng nhiệt ở nước ngoài trong những năm gần đây. Đồng thời, vị trí của Trung Quốc trong chuỗi ngành hoạt hình toàn cầu đã được cải thiện đáng kể.
“Năm 2022, lĩnh vực phim hoạt hình Trung Quốc đánh dấu tròn 100 năm hình thành và phát triển. Tổng giá trị sản lượng của ngành hiện vượt quá 220 tỷ NDT (tương đương 31,8 tỷ USD). Hoạt hình không chỉ đơn thuần là một công cụ cung cấp nội dung”, Li Ni, phó chủ tịch nền tảng chia sẻ video Trung Quốc Bilibili, chia sẻ về ngành công nghiệp phim hoạt hình trong nước.
Ngày nay, có gần 1.000 hãng phim đang hoạt động ở Trung Quốc, trong đó hơn 518 công ty sản xuất phim hoạt hình, tập trung chủ yếu tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang, Quảng Đông… Khoảng 120 hãng trong số đó có khả năng sản xuất phim hoạt hình chất lượng cao.
Ngành công nghiệp này quy tụ hàng trăm nghìn nhân tài từ khắp nơi trên đất nước, bao gồm các nghệ sĩ, họa sĩ truyện tranh, kỹ thuật viên hiệu ứng đặc biệt, nhà sản xuất và nhà biên kịch.
Lượng khán giả xem phim hoạt hình cũng rất đông đảo, không chỉ có trẻ con mà còn gồm nhiều người lớn, thậm chí cả người già đã thể hiện sự yêu thích đối với các tác phẩm hoạt hình nội địa. Với sự xuất hiện của một loạt phim hoạt hình nội địa được sản xuất tốt như “Na Tra: Ma đồng giáng thế”, “Khương Tử Nha”, Tây Du Ký”, “La Tiểu Hắc chiến ký”… những bộ phim hoạt hình trong nước có doanh thu phòng vé trên 100 triệu NDT nổi lên ngày càng nhiều, cho thấy sự tăng trưởng về lợi ích kinh tế của ngành hoạt hình Trung Quốc trong những năm gần đây.
Việc sở hữu thị trường lớn với lượng khán giả chịu chi, cộng thêm chính sách thuận lợi, nguồn doanh thu khổng lồ đã đưa quy mô của ngành sản xuất phim hoạt hình nội địa Trung Quốc hiện nay dự kiến tăng lên 450 tỷ NDT vào năm 2026.
Chiếm trọn thị trường quê nhà
Ngày nay, khi đời sống ngày càng được nâng cao và công nghệ phát triển, khán giả đã không còn hài lòng với những bộ phim hoạt hình giải trí đơn thuần, mà càng quan tâm tới chất lượng phim.
Nắm bắt được tâm lý đại chúng, các nhà sản xuất phim Trung Quốc đã tạo ra những sản phẩm không chỉ chỉn chu về mặt hình thức, mà còn súc tích về mặt nội dung, với phương châm “Content is King” (tạm dịch: Nội dung là Vua), chưa kể tới việc lồng ghép khéo léo văn hóa nước nhà, chiếm trọn cảm tình của khán giả trong nước.
Những ví dụ tiêu biểu có thể kể tới là câu chuyện của tuyển tập phim hoạt hình ngắn nổi tiếng “Những câu chuyện Trung Quốc” năm 2023; “Mùa hè của tiểu yêu tinh” lấy bối cảnh “Tây Du Ký” nổi tiếng và khéo léo lồng ghép vào cuộc sống hàng ngày của những người công nhân; “Những đứa trẻ và Người bất tử” khắc họa những biểu tượng văn hóa nông thôn tràn đầy sức sống, chẳng hạn như những ngôi chùa trên núi, chó con và hổ…
Việc lồng ghép các yếu tố văn hóa và cảm xúc vẫn là “công thức” thế mạnh, giúp các nhà làm phim Trung Quốc đánh vào tâm lý khán giả và tạo ra những sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Trong suốt mùa hè năm 2022, bộ phim hoạt hình Trung Quốc “Tân Thần Bảng: Dương Tiễn” ra rạp. Giống như Na Tra, bộ phim lấy cảm hứng từ truyện dân gian và văn học để phóng tác câu chuyện của một nhân vật thần thoại khác.
Bộ phim đã kiếm được tổng cộng 550 triệu NDT tại phòng vé, trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao thứ hai trong năm 2022.
Trước đó, bộ phim “Na Tra: Ma đồng giáng thế” năm 2019, cũng với chất liệu thần thoại nhân gian, đã kiếm được 725 triệu USD tại các phòng vé đại lục, là phim có doanh thu cao nhất năm tại Trung Quốc và cho tới thời điểm hiện tại vẫn xếp thứ 4 trong số các bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của nước này, là “kỳ tích” trong ngành hoạt hình.
Bên cạnh yếu tố nội dung, việc công nghệ sản xuất phim hoạt hình tiếp tục đổi mới cũng là một điểm mạnh của Trung Quốc. Từ thế kỷ trước, các yếu tố văn hóa truyền thống như hội họa truyền thống Trung Quốc, cắt giấy, rối bóng đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất phim hoạt hình, kéo được lượng lớn người hâm mộ trên khắp thế giới.
Bước sang thế kỷ XXI, các nhà sản xuất phim hoạt hình trong nước không ngừng vận dụng, đổi mới công nghệ, từng bước bắt kịp trình độ hàng đầu thế giới. “Chiếc lồng tâm linh” sử dụng công cụ trò chơi dành cho hoạt hình để xây dựng một thế giới khoa học viễn tưởng theo phong cách nghệ thuật của vùng đất hoang ngày tận thế, nêu bật những giá trị tích cực của sự đoàn kết của con người và vượt lên trong nghịch cảnh. “Deep Sea” kết hợp phong cách vẽ mực Trung Quốc với công nghệ hoạt hình 3D, phát triển “hoạt hình mực hạt”, tích hợp hàng trăm màu sắc để thể hiện một thế giới dưới nước tuyệt đẹp và tạo ra một phong cách 3D độc đáo.
Những đổi mới trong công nghệ sản xuất phim hoạt hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khán giả mà còn giúp nâng cao chất lượng, nâng cấp cho hoạt động sáng tác phim hoạt hình trong tương lai.
Ngoài ra, các nhà làm phim Trung Quốc vẫn tích cực khám phá những hướng đi mới cho hoạt động thương mại. Trong 10 năm qua, tổng giá trị sản lượng của ngành hoạt hình nước này không ngừng tăng lên.
Trong số đó, ngành công nghiệp hoạt hình đang tích cực khám phá mô hình kinh doanh bán sản phẩm phái sinh được ủy quyền và bằng cách mở ra thị trường nội dung thượng nguồn và thị trường phái sinh hạ nguồn, ngành này có thể tạo ra doanh thu và nâng cao hiệu quả của toàn bộ chuỗi ngành.
Ngày càng có nhiều người xem sẵn sàng đầu tư tiền thật cho các tác phẩm yêu thích của họ và các công cụ phái sinh của họ. Không chỉ làm tăng doanh thu thương mại, việc kinh doanh các sản phẩm vật lý còn giúp phủ sóng rộng rãi các nhân vật hoạt hình được yêu thích, tăng độ nhận diện với khán giả.
Tiềm năng vươn xa trên trường quốc tế
Không chỉ ngày càng chiếm trọn niềm tin của khán giả tại quê nhà, ngành công nghiệp phim hoạt hình Trung Quốc còn đang “nhăm nhe” miếng bánh lớn trên trường quốc tế. Hiện tại, triển vọng “xuất ngoại” của ngành hoạt hình Trung Quốc là rất tốt và đang trong giai đoạn quan trọng để mở rộng từ hoạt hình dành cho trẻ nhỏ sang hoạt hình dành cho mọi lứa tuổi.
Với sự cải thiện về chất lượng và tiềm năng, xu hướng “gia công ngược” đã dần xuất hiện trong ngành hoạt hình Trung Quốc, tức là các đội sản xuất cấp cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác phải tìm tới Bắc Kinh để ký hợp đồng sản xuất nội dung.
Variety, một tạp chí điện ảnh và truyền hình nổi tiếng của Mỹ, đưa tin rằng Trung Quốc thường xuyên mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt hình trong những năm gần đây. Gần đây, bộ phim hoạt hình “Siêu anh hùng Hầu Vương: Vua khỉ” do các đội từ Trung Quốc và Mỹ hợp tác sản xuất đã xuất hiện trên thị trường thương mại châu Âu của Liên hoan phim Berlin, cho khán giả thấy các yếu tố văn hóa của bộ truyện “Tây Du Ký” nổi tiếng.
Nguồn: vietnamfinance.vn