Để có được tấm bằng thiết kế đồ họa thật không phải chuyện dễ. Bạn sẽ phải học tập nghiêm túc, kiên trì và sắp xếp công việc thật khoa học để đương đầu với những kỳ thi và deadline trong học tập lẫn công việc.
Hãy cùng tham khảo qua những thói quen tích cực sau đây để có thể tăng gấp đôi năng suất và cải thiện hiệu suất nha.
1. Sắp xếp hợp lý
Một việc cực kỳ quan trọng mà sinh viên thiết kế nên học và trân trọng chính là kỹ năng sắp xếp, trong bất cứ tình huống nào. Bạn hãy sắp xếp mọi việc theo thứ tự ưu tiên để tập trung hoàn thành những công việc theo đúng deadline.
Một cuốn lịch đơn giản có thể giúp bạn lên kế hoạch tốt hơn hoặc bạn có thể sử dụng ứng dụng trên ngay chiếc điện thoại của mình như: Notion, Google Keep,… để theo dõi các deadline cũng như quá trình của dự án hàng ngày, hàng tuần hoặc trong suốt học kỳ. Học được cách quản lý thời gian sẽ giúp bạn không bỏ lỡ bất cứ công việc nào, đồng thời giúp ích rất lớn cho bạn trong công việc sau này.
2. Luôn luôn sáng tạo
Khả năng sáng tạo là một yêu cầu cần thiết của một nhà thiết kế. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy năng lượng ấy bị tiêu giảm, đừng nản chí nhé vì sẽ luôn có cách giúp bạn duy trì và cải thiện khả năng sáng tạo của mình.
Hãy dành ra ít nhất 15 phút mỗi ngày để xem những thứ sáng tạo, nghệ thuật mỗi ngày. Pinterest, Behance, Dribbble, Freepik,… là những kho ý tưởng tuyệt vời nhất, tại đây bạn có thể tham khảo hàng nghìn cảm hứng thiết kế của các Designer từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm kiếm cảm hứng từ các góc độ khác nhau và kết hợp tư duy sáng tạo vào các khía cạnh khác trong cuộc sống.
3. Học, học nữa, học mãi
Học không bao giờ là thừa, hãy tận dụng tối đa thời gian khi còn là sinh viên. Không chỉ là học về thiết kế mà còn cần học cả những lĩnh vực khác nữa. Học từ bạn bè, từ giảng viên, học hỏi trên internet, sách vở và cả những tình huống bạn gặp phải. Bạn không cần phải học chuyên sâu mọi thứ nhưng cần nắm bắt nền tảng cơ bản để có sự hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong sự nghiệp thiết kế sau này.
Khám phá và học hỏi từ kinh nghiệm xung quanh bạn, cả thành công lẫn thất bại, hãy học hỏi từ chúng. Kinh nghiệm chính là người thầy tốt nhất và chúng ta chỉ thất bại khi ta ngừng học hỏi từ những sai lầm mà thôi.
4. Đầu tư vào portfolio
Portfolio là một danh mục – nơi mà bạn thể hiện phong cách, kỹ năng và những kinh nghiệm chuyên môn của mình. Đồng thời, portfolio cũng là tài liệu giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan nhất về khả năng thiết kế của bạn.
Hãy đầu tư thời gian xây dựng portfolio của mình. Chọn những dự án mà bạn tâm đắc nhất để đưa lên portfolio, đồng thời cập nhật những dự án mới vào portfolio của bạn. Từ những dự án có trên portfolio, sau một thời gian bạn cũng có thể nhìn thấy sự trưởng thành của mình trong quá trình thiết kế nữa đó.
5. Cởi mở với những lời góp ý
Luôn chuẩn bị tinh thần cởi mở, sẵn sàng lắng nghe những nhận xét, góp ý từ giảng viên, bạn bè và những Designer khác. Những lời góp ý sẽ giúp bạn có những ý tưởng chất lượng hơn trong khi hoàn thiện kỹ năng của bản thân.
Một lời góp ý không phải là công kích cá nhân, mà là cách giúp bạn nhìn lại thiết kế của mình và có thể làm tốt hơn. Đừng bảo thủ khi nghe góp ý hay phản hồi từ người khác. Đôi khi, bạn cần từ bỏ đi góc nhìn cá nhân hoặc bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Hãy cởi mở với những nhận xét vì học hỏi từ những lời góp ý cũng là một cách giúp bạn có thể cải thiện kỹ năng của mình.
6. Nắm bắt xu hướng thiết kế mới nhất
Có những nguyên tắc trong thiết kế đã tồn tại từ lâu nhưng chúng vẫn luôn tồn tại và được sử dụng để tạo ra những tác phẩm hài hòa và cân đối.
Bên cạnh đó, cũng có những xu hướng đã cũ và không còn được áp dụng nữa. Có thể chúng vẫn còn sử dụng được, nhưng trong một thế giới thiết kế trực quan đầy chuyển biến như hiện tại, bạn cũng cần phải học hỏi điều mới và làm chủ chúng để tạo ra một phong cách mới và phù hợp hơn cho các chi tiết thiết kế trực quan.
7. Đừng ngại thay đổi
Thiết kế là cả một hành trình dài và luôn luôn sáng tạo. Vì vậy, bạn đừng ngại thay đổi phong cách thiết kế của mình nhất là khi mới vào nghề. Đừng dùng mãi một font cho một kiểu ấn phẩm, dùng mãi một dải màu hay theo mãi một kiểu thiết kế.
“Lười” là từ không có trong từ điển của Designer. Phải thay đổi, phải trải nghiệm khám phá những cái mới thì bạn mới có thể nâng cao kỹ năng của mình, tìm được phong cách riêng của bản thân và rèn được khả năng linh hoạt trong thiết kế.
8. Tin vào bản thân
Là một newbie chắc chắn bạn sẽ gặp phải nhiều khó khăn và có thể nhận phải nhiều lời phê bình gay gắt. Những lúc như thế này, đừng chùn bước mà hãy thật bình tĩnh và kiên trì, cố gắng học hỏi, rèn luyện nhiều hơn để làm mới bản thân mỗi ngày.
Nếu như bạn cảm thấy ngột ngạt và không tìm được cảm hứng hay ý tưởng nào cả, hãy tạm gác lại những cảm giác đang đè nặng để nghỉ ngơi và thư giãn một chút. Điều này sẽ giúp bạn tịnh tâm cũng như tìm thấy được góc nhìn mới cho vấn đề. Hãy tin vào bản thân, tin vào khả năng của bản thân để tiếp tục vững bước trên con đường sáng tạo mà mình đã chọn lựa.
Hãy rèn luyện cho bản thân mình những thói quen này ngay từ bây giờ, đặc biệt là khi còn là sinh viên. Vì đây chính là khoảng thời gian thích hợp để bạn tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cho mình. Cho dù bạn là người mới bắt đầu hay là Designer đã có kinh nghiệm thì hãy luôn học hỏi, làm mới bản thân mình mỗi ngày nhé!
Nguồn: arena.fpt.edu.vn