Fortune vừa công bố danh sách 50 thương hiệu có khả năng thay đổi thế giới do đã tạo ra những tác động tích cực để giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống con người. Những cái tên rất quen thuộc như Facebook, Alibaba, Nike,… có mặt vào danh sách này.
Các biên tập viên của Fortune cùng công ty phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về các tác động xã hội FSG, kết hợp với các chuyên gia đã chọn lọc từ 200 thương hiệu tiêu biểu để đưa ra danh sách này. Bốn tiêu chí đánh giá bao gồm: Mức độ cải thiện vấn đề, quy mô tác động, sự chia sẻ lợi nhuận công ty và tầm quan trọng của vấn đề đó đối với thế giới.
Dưới đây là top 10 thương hiệu đầu tiên trong danh sách trên:
1. Vodafone
Vodafone được thành lập năm 2007 với nền tảng tài chính trên điện thoại. Hãng cho phép những người nghèo ở khu vực Châu Phi mở tài khoản ngân hàng, sử dụng smartphone để tiết kiệm tiền, chi trả hóa đơn, nhận lương hưu và chuyển khoản… Không ai ngờ rằng, một sáng kiến như vậy ở vùng đói kém, khắc nghiệt lại có thể thay đổi kinh tế khu vực.
Số người dùng dịch vụ tăng vọt chỉ trong vài tháng và ngày nay đã đạt 17 triệu người dùng ở khắp Đông Phi, Ấn Độ, Romania, Albania. Phần lớn trong số đó là những người lần đầu tiên tham gia vào mạng lưới tài chính.
“Đó là một cuộc cách mạng”, nhà kinh tế Wolfgang Fengler thuộc Ngân hàng Thế giới nói, “nó thay đổi cuộc sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp nhờ tạo ra dòng chảy tài chính ổn định, an toàn”.
42% GDP của Kenyan được giao dịch qua M-Pesa – tên dịch vụ tài chính của Vodafone. Hãng đã chiếm được sự trung thành của người dùng trong khu vực và chỉ đánh mất 0,1% khách hàng kể từ năm 2010, Michael Joseph – người giám sát M-Pesa cho biết trên Fortune.
2. Google
Công cụ tìm kiếm khổng lồ đã mang đến kiến thức cho nhân loại về mọi lĩnh vực trong đời sống. Fortune miêu tả: “Google đã vươn những xúc tu tri thức đến mọi ngóc ngách của thế giới”, giúp hàng tỷ người tiếp cận thông tin dễ dàng với 159 ngôn ngữ.
Google xử lý khoảng 100 tỷ lượt tìm kiếm/tháng, thay đổi thế giới một cách sâu sắc, khiến nhân loại không thể tưởng tượng cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có Google, Fortune bình luận. Bên cạnh công cụ tìm kiếm huyền thoại, hãng này còn cung cấp những nền tảng khác như:
– Google Scholar – giúp tìm kiếm những tài liệu mang tính học thuật. “Nó cung cấp những tài liệu khoa học vô giá”, Fortune dẫn lời ông Catriona MacCallum – Quản lý cấp cao của PLOS (đơn vị thúc đẩy nghiên cứu khoa học, có trụ sở tại Mỹ).
– Google Translate tiếp nhận 1 tỷ lượt dịch thuật/ngày giúp con người thu hẹp khoảng cách văn hóa.
– Google Books là thư viện trực tuyến đang lưu giữ 25 triệu cuốn sách.
– Google Earth giúp con người có được bản đồ chính xác và nhanh nhất nhờ hệ thống vệ tinh. Fortune cho biết, công cụ này đang giúp các nhà khoa học ngồi trong văn phòng và biết được điều gì đang xảy ra với thế giới. Đó là một bức tranh chân thực, có giá trị hơn hàng ngàn lời miêu tả về thế giới, biến đổi khí hậu hay bất cứ điều gì đang diễn ra trên Trái đất này.
3. Toyota
Vượt qua mọi thương hiệu ô tô đình đám nhất thế giới, Toyota đại diện cho nước Nhật trở thành thương hiệu ô tô có tác động tích cực nhất với nhân loại. Kể từ năm 1997, thế giới cảnh báo lượng khí thải khổng lồ của ngành công nghiệp ô tô. Toyota là thương hiệu ô tô đi tiên phong trong việc nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng những chiếc “ô tô lai” dùng công nghệ hybrid (sử dụng năng lượng từ xăng và từ điện).
Mức tiêu hao nhiên liệu của Toyota đạt mức ấn tượng khi chạy 40 dặm chỉ mất 1 gallon xăng. Kết quả đáng kinh ngạc này đã khiến người dùng thế giới tin rằng công nghệ ô tô Hybrid khả thi và giúp tiết kiệm nhiên liệu đáng kể.
Ô tô hybrid của Toyota chiếm 3% thị phần xe hơi tại Mỹ, 30% tại Nhật và 40% thị phần xe hybrid trên toàn thế giới. Và nếu Toyota tiếp tục đẩy mạnh được dòng xe này, nhân loại sẽ phải cảm ơn người Nhật vì những nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái của họ.
4. Walmart
Đầu năm 2015, Walmart đã cho ra mắt sản phẩm giặt tẩy Purex PowerShot phiên bản mới, có công nghệ định lượng chính xác lượng dung dịch cần dùng, chống lãng phí. Sản phẩm mới còn giúp người dùng giặt tẩy nhanh, sạch hơn với lượng nước ít hơn, nhằm bảo vệ môi trường.
Đây là một trong những nỗ lực cải thiện môi trường mà Walmart đã theo đuổi suốt một thập niên gần đây. Hiện nay Walmart đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ 20 triệu tấn khí thải nhà kính vào cuối năm 2015, sử dụng năng lượng ít hơn 9% so với 2010, tăng hàm lượng tái chế trong bao bì. Ngoài ra Walmart cũng tăng lương tối thiểu cho nhân viên để các đối thủ như Target và TJX cũng phải cải thiện thu nhập cho người lao động.
5. Enel
Công ty sản xuất điện đứng thứ 69 trong bảng xếp hạng top 500 công ty tốt nhất thế giới đã nỗ lực sản xuất năng lượng sạch. Năm ngoái, 38% sản lượng điện của Enel được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm: gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt. Trong 4 năm tới, con số này sẽ là 48%, CEO Francesco Starace cho biết.
6. GSK
Cuối tháng 7, vắc-xin chống sốt rét đầu tiên trên thế giới Mosquirix của hãng GSK (GlaxoSmithKline) đã được Cơ quan quản lý Dược Châu Âu (European Medicines Agency) thông qua. Thế giới đã chờ đợi rất lâu để tìm ra cách phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, khiến 200 triệu người mắc bệnh/năm, làm chết 600.000 người, trong đó chủ yếu là trẻ em.
Đại diện Hãng cho biết, lợi nhuận từ việc bán vắc-xin này sẽ được tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển các loại thuốc phòng chống bệnh nhiệt đới. Mục tiêu tiếp theo của GSK là tìm ra vắc-xin phòng bệnh HIV và viêm gan C.
7. Jain Irrigation Systems
Công việc kinh doanh của Jain bắt đầu bằng việc hỗ trợ 5 triệu hộ nông dân ở Ấn Độ cải thiện năng suất cây trồng bằng hệ thống tưới hiện đại. Nhờ ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, sản lượng đã tăng lên đáng kể từ 50%-300%.
Hãng tiếp tục giới thiệu nhiều giống cây trồng năng suất cao, đào tạo nông dân kỹ thuật trồng trọt, tăng hiệu quả công việc, cải thiện thu nhập cho nông dân. Hiện công ty đang hoạt động tại 116 quốc gia.
8. Cisco
Những thách thức chính trị kiềm hãm sự phát triển kinh tế của Palestine. Trong khi đó, Cisco là sự hợp tác gia công phần mềm giữa Israel và Palestine đã giúp ngành gia công phần mềm tại khu vực vào năm 2014 tăng thêm 64% so với năm 2010 và chiếm 10% GDP của toàn khu vực. Cisco xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng mạng tại Trung Đông và đầu tư 15 triệu USD vào chương trình đào tạo lao động trẻ.
9. Novartis
Năm 2006, Novartis công bố kế hoạch đầy tham vọng mang lại các biện pháp thiết yếu để chống tiêu chảy, ký sinh trùng, suy dinh dưỡng, bệnh hô hấp… ở vùng nông thôn Ấn Độ.
Đến năm 2010, Novartis đã đưa các bác sĩ đến những vùng nông thôn để điều trị cho một triệu bệnh nhân, nâng cao nhận thức về vệ sinh, ngăn ngừa nhiễm trùng. Hiện chương trình đang được mở rộng ra các quốc gia Kenya, Indonesia và Việt Nam.
10. Facebook
Những bậc thầy trong kinh doanh luôn nói về sức mạnh của kết nối cộng đồng. Và chưa bao giờ thế giới kết nối với nhau dễ dàng như hiện nay nhờ có Facebook.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới có 1,5 tỷ người dùng mới mỗi tháng, khiến không gian ảo không còn đơn thuần là công cụ kết bạn mà còn là nơi kết nối văn hóa, truyền bá thông tin rất mạnh mẽ, giữ gìn các mỗi quan hệ của con người hiện đại.
Năm 2014, nhờ có Facebook mà chiến dịch Ice Bucket Challenge đã lan truyền rất nhanh, mang về cho quỹ ALS Association 115 triệu USD.
Nguồn: doanhnhansaigon