Trong quá trình làm việc, meeting hay brainstorm, việc ghi chú lại những thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định hiệu suất làm việc của nhân sự. Có một lầm tưởng rằng ứng dụng take note (ghi chú) nào cũng có tác dụng như nhau. Thế nhưng, trên thực tế, một số ứng dụng trên thị trường hiện nay sẽ tập trung vào dạng văn bản, trong khi một số khác sẽ thiên về hỗ trợ sắp xếp thông tin bằng dạng bảng tính và thư mục. Cùng tìm hiểu về các ứng dụng ghi chú hỗ trợ cho các nhu cầu công việc khác nhau qua bài viết dưới đây!
1. Apple Notes
Đây có lẽ là ứng dụng vô cùng quan trọng và quen thuộc với người dùng nhà Táo khuyết. Trong những năm gần đây, Apple Notes đã trở nên ngày càng phổ biến sau khi thương hiệu cập nhật các tính năng mới như bảo vệ bằng mật mã, mời người khác xem và chỉnh sửa thông tin, scan dữ liệu, kéo thả hình ảnh và tệp tin vào ghi chú,…
Bên cạnh đó, Apple Notes còn gây ấn tượng khi cho phép người dùng ghi chú trên màn hình khoá của iPad. Người dùng có thể chạm vào Apple Pencil, sau đó vẽ hoặc ghi chú thông tin mà không cần mở khoá và truy cập vào máy tính bảng.
Giá: Miễn phí.
Có sẵn trên: iOS, MacOS, iCloud.com.
2. Google Keep
Google Keep là dịch vụ ghi chú ra mắt vào ngày 20/03/2013 và được phát triển bởi Google. Thế nhưng so với những ứng dụng khác như Google Documents, Sheets hay Slides, ứng dụng này không được đánh giá cao. Trên thực tế, ứng dụng này sở hữu nhiều tính năng hữu ích như hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy, trích xuất văn bản từ ảnh, thiết lập lời nhắc cho ghi chú, sao chép thông tin vào Google Docs,… một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, khác với Apple Notes chỉ dành riêng cho iPhone hoặc iPad, ưu điểm của ứng dụng này là tương thích với nhiều thiết bị khác nhau. Thiết kế của Google Keep mang lại giao diện và trải nghiệm gần giống nhau trên mọi thiết bị.
Giá: Miễn phí.
Có sẵn trên: iOS, Android, trang web.
3. Microsoft OneNote
OneNote là ứng dụng ghi chú tiện lợi và có thể đồng bộ dữ liệu trên nhiều thiết bị qua tài khoản Microsoft, phù hợp để hoạt động trên cả điện thoại và máy tính. Với ứng dụng này, người dùng có đa dạng cách thức ghi chú như viết, vẽ tay, quét hình ảnh và thu âm. Hơn nữa, OneNote cũng hỗ trợ sắp xếp khoa học các nội dung trong ứng dụng bằng cách chia nội dung thành các mục và trang. Người dùng có thể lựa chọn màu sắc để đánh dấu ghi chú, từ đó giúp việc tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn. https://www.youtube.com/embed/_dqrmOCtivE
Giá: Miễn phí.
Có sẵn trên: iOS, Android, Windows, Mac, trang web.
4. Evernote
Được phát triển bởi công ty Evernote Corporation có trụ sở tại California, Evernote cung cấp đa dạng công cụ để người dùng ghi chú thông tin. Với tính năng nổi bật Clipper, người dùng có thể dễ dàng tạo hoặc lưu video clip từ các trang web một cách dễ dàng. https://www.youtube.com/embed/NgkCgqIogcY
Ngoài ra, Evernote cũng gây ấn tượng với khả năng chuyển tiếp nội dung ghi chú thành email và gửi cho người dùng khác. Khi có những ghi chú với nội dung liên quan đến nhau, ứng dụng cũng sẽ hỗ trợ gộp chúng lại theo thứ tự mà người dùng mong muốn bằng công cụ Merge. Những tính năng này giúp người dùng tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức hơn trong quá trình làm việc.
Giá: Miễn phí trên tối đa hai thiết bị, có giới hạn về lượt tải lên và kích thước ghi chú. Ngoài ra, có hai gói trả phí dành cho người dùng với mức giá là 109 và 129 nghìn đồng.
Có sẵn trên: iOS, Android, Windows, Mac và trang web.
5. Notion
Giữa vô vàn ứng dụng ghi chú thông tin trên các cửa hàng ứng dụng, Notion nổi lên như một hiện tượng trên TikTok vào đầu năm 2021. Cấu trúc sắp xếp file ghi chú trên Notion tương tự như trên máy tính và laptop – cho phép người dùng lưu trữ file thành nhiều nhánh khác nhau. Trong một thư mục lớn, người dùng có thể tạo thêm nhiều thư mục nhỏ để dễ dàng ghi chú mà không bị nhầm lẫn thông tin. Giao diện đen trắng tối giản của Notion giúp mang lại cảm giác thoải mái cho người dùng trong quá trình sử dụng.
Tính đồng bộ là một trong những ưu điểm quan trọng của Notion. Bất kể dùng ứng dụng trên Android, iOS hay Windows, người dùng chỉ cần đăng nhập vào tài khoản và tất cả thông tin sẽ được tự động đồng bộ và sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức.
Giá: Miễn phí cho người dùng cá nhân. Người dùng có thể đăng ký gói Plus, Business với giá 8 và 15 USD (200 và 370 nghìn đồng) hoặc trao đổi thêm với Notion để thiết lập gói phù hợp với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể trả thêm 10 USD/tháng để được truy cập trợ lý A.I của ứng dụng.
Có sẵn trên: iOS, Android, Windows, Mac và trang web.
6. Obsidian
Không giống như các ứng dụng ghi chú thông thường, Obsidian được phát triển để trở thành một cuốn “từ điển” cá nhân của người dùng, có thể được tải về máy tính và thiết bị di động mà không đăng ký tài khoản nào. Thông tin sẽ được lưu trực tiếp vào một thư mục trên thiết bị của người dùng, giúp dữ liệu được bảo mật an toàn. Tuy nhiên, nếu muốn đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị, người dùng cần đăng ký bản trả phí để thực hiện.
Hơn nữa, đây là ứng dụng mã nguồn mở đa nền tảng và chạy cục bộ (không cần kết nối Internet). Người dùng có thể sử dụng Obsidian trên bất kỳ thiết bị nào từ máy tính đến smartphone ở bất kỳ hệ điều hành nào.
Giá: Miễn phí cho người dùng cá nhân. Dịch vụ đồng bộ hoá thông tin có giá 10 USD/tháng (khoảng 250 nghìn đồng).
Có sẵn trên: iOS, Android, Windows, Mac và Linux.
7. Joplin
Nếu am hiểu Markdown – một ngôn ngữ đánh dấu được thiết kế để chuyển văn bản thành HTML và nhiều định dạng khác, người dùng có thể sử dụng Joplin. Ứng dụng này có khả năng xử lý một số lượng lớn các ghi chú thành sổ tay. Các ghi chú có thể được đồng bộ thông qua nhiều ứng dụng khác nhau, hỗ trợ ghi chép đa phương tiện (hình ảnh, video, file PDF, tệp âm thanh,…) Ngoài ra, Joplin còn có thể tạo biểu thức và sơ đồ toán học trực tiếp trên ứng dụng.
Giá: Miễn phí.
Có sẵn trên: iOS, Android, Windows, Mac và Linux.
8. Devonthink
Devonthink là một ứng dụng cao cấp, không những giúp người dùng lưu trữ tài liệu mà còn có thể dễ dàng chỉnh sửa, phân tích, sắp xếp và tìm kiếm. Phiên bản Pro của ứng dụng này thậm chí có khả năng tích hợp với máy quét và lưu trữ email của người dùng. Devonthink đi kèm với một quyển sách điện tử riêng để giúp người dùng tận dụng tối đa tính năng có trong ứng dụng.
Giá: 99 USD (2,4 triệu đồng) cho bản Standard và 199 USD (4,8 triệu đồng) cho phiên bản Pro.
Có sẵn trên: Mac và iOS.
9. NotePlan
Tương tự như Obsidian, NotePlan hỗ trợ lưu trữ ghi chú của người dùng dưới dạng tệp Markdown. Nhờ khả năng mã hóa màu các nội dung, sử dụng hashtag và gắn thẻ những người dùng khác, liên kết các ghi chú và ngày tháng để dễ dàng truy cập mọi phần trong trang ghi chép. Ứng dụng tự đồng bộ với iCloud nên người dùng có thể thoải mái trải nghiệm NotePlan trên mọi thiết bị, bao gồm máy tính, máy tính bảng và điện thoại của Apple.
Giá: 9,99 USD/tháng (khoảng 250 nghìn đồng). Người dùng có cơ hội dùng thử ứng dụng trong 14 ngày.
Có sẵn trên: iOS và Mac.
10. Bear Notes
Được yêu thích bởi thiết kế đẹp mắt, Bear Note là ứng dụng ghi chú đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng, đồng thời cũng được Apple vinh danh là ứng dụng tốt nhất trên Mac vào năm 2016. Với giao diện tối giản chỉ gồm ba khung chính là khung công cụ, liệt kê ghi chú và khung ghi chép. https://www.youtube.com/embed/FNnganxs7jM
Giá: Tải xuống miễn phí. Tuy nhiên, để có thể đổi nhiều màu sắc văn bản, xuất ra nhiều định dạng file, đồng bộ giữa Bear trên iOS và macOS, người dùng cần phải trả 72 nghìn đồng/tháng hoặc 730 nghìn đồng/năm để lên gói Bear Pro.
Có sẵn trên: iOS và Mac.
11. Noted
Khác với những ứng dụng đa năng kể trên, Noted là ứng dụng tích hợp liền mạch âm thanh và văn bản, cho phép người dùng dễ dàng ghi âm và tạo ghi chú chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Được hỗ trợ bởi công nghệ CoreML của Apple, ứng dụng có tính năng Playback (Phát lại) thông minh giúp người dùng bỏ qua các đoạn âm thanh có nhiều tiếng ồn hoặc khoảng lặng không cần thiết.
Từng được giới thiệu trên series chiến dịch “Apple at Work” và được trao huy hiệu Editor’s Choice trên App Store, Noted được hãng Táo khuyết đánh giá là một trong những ứng dụng giúp tăng năng suất hiệu quả nhất.
Giá: Miễn phí.
Có sẵn trên: iOS và Mac.
12. Mem
Mem là ứng dụng có khả năng tạo văn bản, trả lời câu hỏi và tìm kết nối giữa các ghi chú nhờ vào sức mạnh của A.I. Ứng dụng có khả năng tự động chỉnh sửa thông tin như rút ngắn, kéo dài và viết lại nội dung theo cách diễn đạt khác. Những tính năng tiện dụng này giúp người dùng dễ dàng ghi chú và làm việc hiệu quả.
Giá: Miễn phí. Nếu muốn sử dụng các tính năng hỗ trợ bằng A.I, người dùng cần đăng ký các gói có giá từ 8 USD/tháng (khoảng 195 nghìn đồng) trở lên.
Có sẵn trên: iOS và trang web.
Kim Ngọc
Nguồn : Advertising VietNam